Home / QUY HOẠCH / Bước đầu tiếp cận vấn đề tinh thần nơi chốn trong đô thị học

Bước đầu tiếp cận vấn đề tinh thần nơi chốn trong đô thị học

Vai trò cơ bản của kiến trúc là phải hiểu được thế mạnh của nơi chốn và chính bằng cách này mà chúng ta mới đạt được một sự hiểu biết sâu sắc và tổng toàn hơn. Kiến trúc phải thuộc về một nơi chốn cụ thể, có nghĩa là cần có một điểm tựa vững chắc để nó tồn tại.

Bước đầu tiếp cận vấn đề tinh thần nơi chốn trong đô thị học

Đô thị được hình dung là một không gian vật thể ( Physic Space), một không gian kinh tế ( Economic Space), một không gian văn hóa – xã hội ( Socail – Culture Space). Như một quán tính, từ xưa đến nay các yếu tố vật thể và kinh tế thường được nhấn mạnh hơn các yếu tố văn hóa xã hội. Rõ ràng không thể nào lý giải được sự tồn tại và phát triển của đô thị nếu không kể đến ưu thế của “ đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh của cộng đồng người liên kết với nhau bằng một lối sống chung để làm cho quần cư họ ở trở thành nơi chốn” (PGS – TS Trương Quang Thao)

Gần đây, một số tác giả có uy tín qua bài viết của mình đã đề cập đến “ hồn đô thị” ( GS- TS. Hoàng Đạo Kính, KTS. Nguyễn Luận) như là một đòi hỏi bức xúc khi đối diện với những không gian đô thị ngày càng bị biến dạng của một số thành phố ở Việt Nam, đặc biệt là đối với những đô thị nhạy cảm về mặt tổ chức không gian như Hạ Long, Đà Lạt, Huế… trong việc giữ gìn bản sắc trên quan điểm bảo tồn và phát triển.

Ở bài viết này, chúng tôi muốn bước đầu tiếp cận “ tinh thần nơi chốn” qua nghiên cứu của Christian Norberg (1) (1926- 2000). Tháng 6 năm 1976 tại Olso, lần đầu tiên Christian Norberg Schulz đã xuất bản tác phẩm có tựa đề “Genius Loci” (2) (tinh thần nơi chốn Spirit of the place).

Trước đó là các tác phẩm Chủ định trong kiến trúc ( Intentions in architec- ture)- 1963; sự hiện tồn, không gian và kiến trúc ( Existence, Space and Archi- tecture) – 1971. “Genius Loci”, như tác giả nhận định là bước tiếp cận đầu tiên về “hiện tượng luận kiến trúc” ( Architectural Phenomology) hay đúng hơn là một thuyết tìm hiểu kiến trúc, đô thị theo những thuật ngữ cụ thể và hiện tồn. Theo Schulz, những điều kiện kinh tế xã hội không xác định được tầm kích (dimension) hiện tồn, chúng chỉ tạo ra không gian để cuộc sống tiếp diễn hàng ngày chứ không xác định được ý nghĩa hiện tồn của hình thể vật lý.

Những ý nghĩa này lại có nguồn gốc sâu xa và xác thực ở những cấu trúc được xem như là sinh thể mà Heidegger(3) đã phân tích trong tác phẩm Sein and zeit (tồn tại và thời gian) vào năm 1926. Sự hiện hữu hằng ngày của mỗi sự vật được tạo ra từ những “hiện tượng” cụ thể: Con người, cây cỏ, thú vật, đất, đá, gỗ, nước, thành phố, đường sá, nhà cửa…mặt trăng, mặt trời, các vì sao, mây trôi, ngày, đêm và các mùa kế tiếp nhau. Nhưng cuộc sống của chúng ta bao gồm những hiện tượng không thể tri giác cụ thể ( Intangible) được như những cảm giác xúc động thăng giáng khôn lường. Đó chính là những cái có trước, cái bên trong sự hiện tồn của chúng ta.

Thuật ngữ cụ thể để xác định môi trường chung quanh chính là nơi chốn. Có thể nói rằng, không thể nào tưởng tượng có một sự kiện xảy ra mà không liên hệ với nơi chốn. Tinh thần nơi chốn là một quan niệm của người La Mã, theo một niềm tin cổ xưa rất mãnh liệt rằng, mỗi một sinh thể “độc lập” (Independent) có một Genius – người canh giữ, bảo vệ nó. Chính tinh thần này tạo nên sự sống cho các dân tộc người và nơi chốn, nó đồng hành với các sinh thể từ lúc sinh thành cho đến lúc chết, nó xác định các đặc tính và bản thể của chúng.

Ngay từ thời xa xưa, sự sống đã hoàn toàn tùy thuộc vào ”sự tốt lành” gắn liền với nơi chốn theo nghĩa vật lý và tâm lý. Cho đến nay và về sau thì tinh thần nơi chốn luôn luôn hiện diện khách quan như một thực thể sống động, ngay cả khi nó không được gọi đúng tên. Những nghệ sĩ và các nhà văn đã tìm thấy cảm hứng trong những đặc thù về nơi chốn như Goethe đã từng khẳng định: “Rõ ràng là nhờ vào con mắt đã được rèn luyện ngay từ thời thơ ấu êm đềm mà các họa sĩ thành Venise nhìn thấy một vật sáng tỏ và vui thích hơn bất kỳ một người nào khác”.

Kiến trúc nói riêng hay đô thị nói chung tồn tại một khi “toàn thể môi trường tự nó hiển thị” (Suzance Langer) (4). Điều đó có nghĩa là phải cụ thể hóa “tinh thần nơi chốn”. Vai trò cơ bản của kiến trúc là phải hiểu được thế mạnh của nơi chốn và chính bằng cách này mà chúng ta mới đạt được một sự hiểu biết sâu sắc và tổng toàn hơn. Kiến trúc phải thuộc về một nơi chốn cụ thể, có  nghĩa là cần có một điểm tựa vững chắc để nó tồn tại. Khi Chúa trời nói với Adam “lang thang và ngắn ngủi con sẽ ở trên quả đất này”, Ngài đã đặt con người trước vấn đề cốt lõi nhất: Vượt qua ngưỡng cửa và đi tìm lại nơi chốn đã đánh mất.

Ngày nay khi mà khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, những phát hiện khoa học mới được tính từng ngày từng giờ thì kiến trúc học và đô thị học cũng có những biến đổi sâu sắc, có nhiều cách hiểu và cách tiếp cận khác nhau về các vấn đề lý luận trong kiến trúc và đô thị, nhưng rất dễ thấy rằng đa số các kiến trúc sư bậc thầy trên thế giới đều có một cách nhìn đúng đắn, xem nơi chốn và tinh thần như là điểm tựa vững chắc trong quan điểm của mình từ Tadao Ando, Herzog & DeMeuron…đến Kennett Framton. Ở Việt Nam đã có nhiều bàn luận về vấn đề tìm kiếm bản sắc kiến trúc đô thị và xuất hiện nhiều ý kiến có giá trị, tuy thế vẫn “chưa đề cập đến một lý luận về hình thái kiến trúc đô thị của riêng Việt Nam, những phương pháp luận mới kiểm soát chất lượng môi trường” (Vnexpress.net). Theo chúng tôi, có lẽ việc tìm hiểu các lý thuyết về nơi chốn và tinh thần nơi chốn sẽ là những bước đầu tiên quan trọng trong quá trình tìm kiếm một hướng đi đích thực, như cha ông ta đã từng răn dạy: “ Biết người để hiểu rõ mình hơn”.

Chú thích:

(1) Giáo sư Trường Kiến trúc Olso (Noway) từ 1951, Tiến sĩ kiến trúc năm 1963, Giáo sư kiên trúc năm 1966, Giáo sư thỉnh giảng tại M.I.T – Massachusetts Institute of Technology và UD – Univer-sity of Dallas.                                         

(2) Nguyên bản Genius Loci: Towards a Phenomenology of Architecture, Chris-tian Norberg Schulz, Nhà xuất bản Rizzoli (8/1980).                                      

(3) Heidegger (1899-1976) triết gia Đức nghiên cứu về bản thể luận hiện tồn.       

(4)  Suzanne Langer (1895- 1985): Triết gia, nhà ký hiệu học nổi tiếng Hoa Kỳ, gốc Đức.

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *