Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku

  1. Quá trình hình thành và phát triển của làng trong đô thị Pleiku

Phần lớn các làng trong khu vực đô thị Pleiku đều được định cư, xây dựng từ thế kỷ XIX đến trước thời Pháp thuộc. Các làng như Plei Kép, Plei Ro đã hình thành từ năm 1930. Khi Pháp đến Tây Nguyên thường chọn những vùng đất màu mỡ và có nhiều buôn làng ở tập trung để xây dựng thị trấn, thị xã. Một số buôn làng được Pháp và Mỹ nguỵ dồn từ vùng ven về khu vực đô thị để định cư. Các làng ở Pleiku đã có sự quan tâm đầu tư tương đối bài bản của chính quyền nhằm phục vụ mục đích chiến tranh.

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku 1

Tất cả các làng này đểu được Quy hoạch Xây dựng (QHXD) theo kiểu truyền thống của từng dân tộc. Đường nội bộ trong làng được mở rộng, khang trang, nhà ở thay vách nứa bằng vách gỗ hay vách trát đất ấm cúng hơn, mái tranh được thay bằng mái ngói hay mái tôn. Nhiều gia đình đã có giường nằm và một số dụng cụ gia đình, đời sống những làng này được nâng cao rõ rệt, văn minh tiến bộ hơn. Tổ chức việc ăn, ở, sinh hoạt và sản suất khá đồng bộ theo phong tục tập quán cổ truyền. Nhiều làng đã được chú trọng phát triển hình thức nhà vườn, từng hộ có khuôn viên và cả làng là khuôn viên cây xanh với diện tích rộng nằm giữa đô thị. Tạo cảnh quan đô thị rất hài hoà với điều kiện tự nhiên của đô thị.

Chính quyền đã có sự đầu tư cho việc QHXD bảo tồn làng truyền thống như trong các khâu : Quy hoạch, san ủi mặt bằng, làm đường trong làng, hỗ trợ dân làm nhà ở, làm nhà Rông…các quy hoạch thời bấy giờ đã biết thừa kế và phát huy những giá trị truyền thống trong các tổ chức xây dựng làng của mỗi dân tộc làm cho họ dễ chấp nhận. Những làng được xây dựng sau khi người Pháp đến gắn với quá trình hình thành và phát triển đô thị có những giá trị quan trọng đối với cơ cấu quy hoạch thành phố Pleiku.

Các làng tại Pleiku đều có chung một đặc điểm là hình thành lâu đời trước khi hoặc cùng với lịch sử hình thành đô thị. Do vậy, có những làng nằm ngay trong trung tâm đô thị và những làng nằm ở khu vực ngoại ô, tới nay tất cả các làng này đã thực sự gắn bó với quá trình hình thành và phát triển của đô thị, nằm trong cơ cấu quy hoạch của đô thị. Chính những làng này đã góp phần làm nên sắc thái đô thị “Phố núi” cho Pleiku.

  1. Hệ thống giá trị và đặc trưng cấu trúc không gian làng truyền thống trong đô thị Pleiku

Hệ thống giá trị của làng truyền thống tại thành phố Pleiku bao gồm:

a)Di sản văn hoá vật thể:

+ Hình thái QHXD truyền thống

+  Địa hình, cảnh quan, môi trường thiên nhiên

+ Các công trình kiến trúc : Nhà Rông, nhà ở, kho thóc, nhà Dầm, cổng làng, nhà mồ và tượng mồ…

+ Các thiết chế văn hoá, tín ngưỡng: Khu nhà Rông, khu nhà mồ, thần lúa, thần nước, thần cây, thần đá…Vật tế lễ thần linh (trâu, gà, heo…), các loại ché, ghè, gùi, cung tên, dao rựa; các loại nhạc cụ (đàn đá, đàn tơ rưng, đàn goong, cồng, chiêng, trống…)

  1. b) Di sản văn hoá phi vật thể:

+ Phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp cần phát huy

+ Không gian văn hoá cồng chiêng, nghệ thuật cồng chiêng.

+ Sử thi Tây nguyên – Văn hoá sử thi : (Hơn – tiếng Jrai, tiếng Bahnar…); Trường ca Đam San…) Các loại hình văn hoá dân gian như: Văn học, dân ca, dân nhạc, lễ hội và các phong tục tập quán truyền thống.

+ Văn hoá ẩm thực

+ Đồ dùng gia đình, công cụ sản xuất và những nghề truyền thống có giá trị.

Các nhà khoa học đã đề nghị đánh giá xếp hạng quỹ di sản Kiến trúc Đô thị – Làng truyền thống dựa trên 6 tiêu chí cơ bản là: Hình thái quy hoạch; cảnh quan; di sản văn hoá vật thể; di sản văn hoá phi vật thể; Quy mô buôn làng và thời gian hình thành.

Theo phương pháp đánh giá xếp hạng nêu trên thì thành phố Pleiku: Có 20/42 làng được đánh giá xếp hạng cần phải được tôn tạo, bảo tồn và phát huy. Trong đó loại có nhiều giá trị là 2 làng, loại tương đối có giá trị là 18 làng. Hai làng còn nhiều giá trị của TP. Pleiku là làng Plei Ôp, phường Hoa Lư và làng Plei Brel, xã Biển Hồ. Các làng tương đối còn có giá trị như : Làng Brut Ngok, làng O Sơr, làng Phung 1, làng Phung 2, làng Khuol, làng Plei Tiên…

Đặc trưng cấu trúc không gian làng truyền thống TP.Pleiku

Không gian quy hoạch kiến trúc làng (hình 2 – 4)

– Không gian quy hoạch kiến trúc trong làng truyền thống là không gian khép kín, trước đây có hàng rào bao bọc xung quanh, có 2 cổng ra vào làng thường đặt theo hướng Đông – Tây. Các làng của người Jrai ở theo kiểu chia lô thửa với hệ thống đường trong làng mạch lạc, các hộ gia đình có khuôn viên ngăn cách bằng hệ thống rào cây xanh; đối với người Bahnar ở theo kiểu mật tập thì hệ thống đường chủ yếu nối trực tiếp các căn nhà, các gia đình không có khuôn viên ngăn cách với nhau rõ ràng. (Thành phố Pleiku hiện có: 39 làng của dân tộc Jrai và 3 làng của dân tộc Bahnar)

– Không gian của làng là không gian nhiều chức năng tổng hợp bao gồm: không gian sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa cộng đồng ( nhà rông, sân lễ hội, nhà dài…); Không gian ở; Không gian sản xuất; Không gian sinh hoạt thể dục thể thao và vui chơi.

– Không gian khiến trúc quy hoạch phía bên ngoài làng là không gian mở có sự liên kết và hài hòa với không gian đô thị xung quanh. Điểm nhấn quan trọng của làng đó là nhà rông, nhìn từ xa đã thấy được ngôi nhà rông sừng sững vươn cao giữa buôn làng. Khuôn viên làng là một màu xanh của cây cối thấp thoáng bóng dáng của những ngôi nhà sàn xinh xắn, tuy đơn sơ nhưng giàu bản sắc.

Đặc trưng không gian ở truyền thống (hình 2 – 5)

– Loại hình nhà ở của người Jrai có khuôn viên rõ ràng: Với ngôi nhà sàn là trung tâm, bố cục khuôn viên nhà ở thường theo một kiểu giống nhau. Hình thái làng kiểu này thường có trục chính và từ trục chính hình thành mạng đường ô cờ với các khuôn viên hình vuông hoặc chữ nhật có diện tích một ngàn đến vài ngàn mét vuông. Khuôn viên của nhà ở có thể chia thành 3 loại: Loại lớn > 5.000m2; Loại trung bình từ 2.000 – 5.000m2; Loại nhỏ từ 500-2.000m2. Trong khuôn viên khu đất có: Nhà sàn, kho thóc,vườn tạp, cây ăn quả, cổng hàng rào bằng cây xanh hoặc tre nứa, có nhà dùng kẽm gai.

– Loại hình nhà ở theo kiểu mật tập của người Bahnar: Không có khuôn viên riêng, ranh giới giữa các nhà không rõ ràng, các nhà sàn được bố trí san sát nhau, nối với nhau bằng những con đường mòn hình thành tự nhiên. Trong làng hầu như rất ít cây xanh, “ vườn rừng” thì nằm cách xa làng 1-2 km, hoặc liền kề với khu đất của làng. Các trục đường chính của làng thường theo kiểu vòng tròn hướng tâm, rẻ quạt… các ngôi nhà cũng cùng quay về một hướng Bắc nam hoặc hướng quay về nhà rông. Diện tích bình quân mỗi hộ khoảng vài trăm mét vuông.

Đặc trưng không gian công cộng truyền thống

– Trong mỗi làng đều có các công trình công cộng và không gian sinh hoạt cộng đồng truyền thống như: Nhà rông, sân lễ hội, khu nhà mồ, nơi tổ chức lễ bỏ mả, sân hoạt động thể dục thể thao và các trò chơi dân gian, giọt nước cổng làng… Chính tại những nơi đây mọi hoạt động sinh hoạt văn hóa, lễ thức tôn giáo, phong tục tập quán diễn ra trong sự thành kính, đầy tình cảm gắn bó của mỗi người dân trong làng.

– Các không gian công cộng đặc trưng của làng có thể kể đến là:

+ Không gian văn hóa cồng chiên (Di sản văn hóa thế giới): Thường rất linh hoạt, không cố định ở một vị trí nào. Có thể ở trước nhà rông, ở sân lễ hội, quanh cây nêu ngày tết hoặc lễ đâmTrâu, cũng có thể ngay trong khu nhà mồ trong lễ bỏ mả.

+Không gian diễn ra các nghi thức tôn giáo và quyết định những công việc quan trọng của cả làng: Chủ yếu là ở nhà rông, đối với các dân tộc không có nhà rông thì diễn ra ở nhà có già làng hoặc trên sân lễ hội.

+ Giọt nước: là nơi lấy nước, tắm giặt của cả làng, thường nằm ở bìa làng.

+ Khu nhà mồ và tượng mồ: đây là nơi khá đặc biệt và riêng của các cư dân Tây Nguyên. Sau khi chọn người sống hàng ngày đến khu nhà mồ cho người chết ăn uống, hết 3 năm mới làm lễ bỏ mả chia tay vĩnh viễn với người chết! Khu nhà mồ thường đặt ở phía Tây của làng.

+ Khu sinh hoạt thể dục thể thao

+ Không gian sản xuất nghề truyền thống ( đan lát, dệt, rèn, mộc…)

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku 2

  1. Tác động của quá trình đô thị hóa đến làng ở Pleiku

– Dưới tác động của cơ chế thị trường cũng như quá trình đô thị hóa, hiện nay tại TP.Pleiku hệ thống làng truyền thống có sự biến động sâu sắc và đó bị mai một rất nhiều. Trong 42 làng ở Pleiku hiện nay cũng đang có sự cảnh báo sâu sắc về sự tồn vong của các làng truyền thống trước tốc độ đô thị hóa. Có những làng như làng Pleiku Rú tỉ lệ người kinh sống trong làng chiếm đến 50%. Làng Plei Kép đó bị bao bọc xung quanh bởi người Kinh, thậm chí trong Làng đó có doanh nghiệp xây trụ sở cao 7 tầng!

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku 3

– Trong quá trình đô thị hóa, các làng bị xâm hại một cách thô bạo là điều tất yếu đó và đang xảy ra ở khắp nơi. Nếu chúng ta không có những chế tài, những quy định và những giải pháp cụ thể thì khó lòng cứu vãn nổi xu thế đó. (hình 2 – 3)

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku 4

– Bản thân đồng bào dân tộc cũng bị cuốn vào cơ chế thị trường và mặt trái của quá trình đô thị hóa ngay trên mảnh đất của làng mình. Đại bộ phận dân cư không có ý thức về bảo tồn làng và văn hóa truyền thống, đặc biệt là lũ thanh niên trai tráng trong làng. Đây là nguyên nhân đáng quan ngại nhất.

– Đối với các làng tại Pleiku hiện nay, việc bảo tồn hình như chưa được quan tâm và chưa có định hướng rõ ràng. Một số ít làng có điều kiện làm du lịch thì cũng chỉ dừng ở mức độ đầu tư nhỏ lẻ các công trình phục vụ du khách, bán hàng lưu niệm, tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ quy mô đơn giản. Trong 42 làng thì chỉ có một làng Plei Ôp được Quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng hình thành Làng Văn hóa Du lịch, các làng  còn lại đều không được Quy hoạch hoặc có biện pháp quản lý hữu hiệu nào. Nhà nước chỉ đầu tư một số công trình phúc lợi như lớp học, nhà trẻ mẫu giáo, giọt nước, giao thông nông thôn. Trong cơ cấu QHXD của đô thị Pleiku từ trước đến nay các làng chỉ dừng ở mức độ giữ nguyên hiện trạng. Việc quy hoạch cải tạo hay bảo tồn của từng làng hầu như chưa được quan tâm. Chưa có làng nào được bảo tồn phát triển một cách đúng nghĩa. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, chỉ một thời gian không xa nữa, chúng ta sẽ không còn được thấy những làng bản truyền thống đầy bản sắc nằm giữa lòng các đô thị Pleiku nữa.

  1. Quan điểm, nguyên tắc nên ứng xử với làng truyền thống trong đô thị Pleiku khi thực hiện quy hoạch.

Quan điểm:

(1)Duy trì được các làng truyền thống trong các đô thị sẽ tạo nên tính đặc trưng địa phương của đô thị đó, đây là tính độc đáo, riêng có của đô thị. Qua hình thái làng truyền thống có thể vận dụng vào định hướng QHXD đô thị, tạo bản sắc địa phương cho đô thị. Đây là vấn đề nhân văn, vấn đề quan tâm sâu sắc đến đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên.

(2) Tạo các khu ở thể hiện bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc cùng sinh sống trong đô thị. Văn hóa dân tộc Kinh chủ đạo, song văn hóa dân tộc bản địa cần được ưu tiên, đề cao, làm nổi bật tạo đặc trưng cho toàn đô thị.

(3) Đối với tất cả các làng đồng bào dân tộc thiểu số trong Thành phố cần được bảo tồn, tôn tạo phát triển theo quan điểm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên gắn với việc xây dựng phát triển đô thị và du lịch một cách hài hòa. Trong quy hoạch cần dành quỹ đất để phát triển các làng đồng bào dân tộc thuộc đô thị. Bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc truyền thống của các dân tộc, xây dựng một số làng còn nhiều giá trị thành các làng văn hóa kiểu mẫu gắn với việc phát triển du lịch. Không để đồng bào thiếu đất sản xuất và đảm bảo quỹ đất ở cho việc tách hộ lập làng.

Nguyên tắc:

+ Duy trì cơ cấu, hình thái làng hiện nay trong cơ cấu quy hoạch chung của đô thị. Tạo lập không gian sống gắn kết với khu vực lân cận để cuộc sống của đồng bào trong làng hòa nguyện vào đời sống xã hội xung quanh khu vực làng.

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku 5

+ Đảm bảo tính kế thừa trong sự phát triển của làng; Bảo vệ và làm phong phú hơn môi trường bố cục không gian truyền thống của làng gắn với xu hướng phát triển mới.

+ QHXD hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh trong làng và đồng bộ với hệ thống hạ tầng của đô thị.

+ Theo tiêu chí đánh giá xếp hạng và theo quan điểm bảo tồn phát triển để có các giải pháp ứng xử thích hợp.

  1. Đề xuất 3 mô hình bảo tồn và phát huy giá trị làng truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị ở TP.Pleiku

(1) Mô hình bảo tồn – tôn tạo làng như là một bảo tàng chất lượng không gian sống truyền thống trong đô thị Pleiku

– Đối với những làng có nhiều giá trị, mô hình đề xuất là bảo tồn – tôn tạo. Bảo tồn hình thái quy hoạch, không gian kiến trúc truyền thống, trùng tu các công trình kiến trúc truyền thống… Tôn tạo cảnh quan, địa hình thiên nhiên, môi trường…

– Dành riêng các khu vực có giá trị nhất để bảo tồn nguyên trạng: Khu nhà rông sân lễ hội, khu nhà mồ và tượng mồ, một khu ở đặc trưng nhất để xem như hiện vật sống để trưng bày. Những khu bảo tồn nguyên trạng này nếu thiếu hoặc bị hư hỏng sẽ dùng biện pháp phục chế, trùng tu nhằm tái hiện lại nguyên bản theo truyền thống.

– Ngoài việc bảo tồn – tôn tạo bên trong làng, cần phải giải quyết không gian giữa khu vực làng với các khu vực xung quanh thuộc đô thị. Không gian chuyển tiếp giữa các làng truyền thống với các khu của đô thị phải được hình thành một vùng đệm, khoảng cách giới hạn cho vùng đệm từ 500-1000m. Đây là vùng không xây dựng các công trình cao tầng, các công trình sản xuất, chủ yếu tạo vành đai cây xanh, khu nhà vườn, biệt thự có chiều cao không quá 12m.

– Vùng đệm này có thể tạo ngăn cách bằng các tuyến giao thông, suối cánh đồng, nhưng không nên tạo sự cách biệt quá lớn, cảnh quan hài hòa có sự chuyển tiếp nhuần nhuyễn, phù hợp với từng làng và quy hoạch của khu đó. Với những làng có vùng đệm hiện trạng là cánh đồng thì trước mắt vẫn duy trì cánh đồng trong đô thị. Khi đô thị phát triển ở mức độ cao thì diện tích cánh đồng chắc chắn sẽ phải chuyển đổi thành các loại đất chuyên dùng khác.

– Chính quyền nên có định hướng cụ thể khi QHXD đô thị, theo Mô hình này diện tích vùng đệm hiện nay là cánh đồng thì trong tương lai có thể phát triển thành các khu công viên, cây xanh, hồ nước của đô thị hoặc có thể hình thành khu du lịch sinh thái. Ngoài ra diện tích này cũng có thể dành một phần để tách thêm làng mới được xây dựng theo hình thái làng truyền thống.

– Mục tiêu chính là giữ làm sao để tạo được sự hài hòa không gian và bảo tồn không gian làng truyền thống. Khi đó đồng bào cùng với sự phát triển của đô thị cũng phải trở thành người dân đô thị và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với cuộc sống mới.

– Không gian làng truyền thống là không gian đóng. Không gian vùng chuyển tiếp là không gian mở, ngăn cách và liền kề với không gian đô thị.

– Lưu giữ và tái hiện lại một cách chân thực, sinh động các không gian sinh hoạt, sản xuất các không gian tâm linh, tín ngưỡng truyền thống. Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ không gian truyền thống một cách thường xuyên, vừa giáo dục cho các thế hệ con em đồng bào dân tộc vừa phục vụ khách tham quan du lịch.

– Mô hình này gắn liền với các tổ chức các tuyến tham quan du lịch của đô thị. Bản thân dân làng cũng được tham gia tổ chức dây chuyền tham quan các di sản trong làng một cách hợp lý cho du khách.

– Đề án áp dụng cho 2 làng: Làng Plei Ôp (đang thực hiện); Làng Plei Brel thuộc xã Biển Hồ gắn với các khu Lâm viên Biển Hồ.

(2). Mô hình bảo tồn thích ứng làng truyền thống trong cơ cấu quy hoạch Pleiku

– Đối với các làng truyền thống tương đối có giá trị, đề xuất mô hình bảo tồn thích ứng, giữ gìn không gian quy hoạch kiến trúc truyền thống, phát triển làng theo hướng truyền thống có bản sắc địa phương.

– Nội dung bảo tồn: Theo hướng bảo tồn cấu trúc, hình thái quy hoạch và các công trình kiến trúc chủ yếu của làng truyền thống.

– Nội dung thích ứng: Theo hướng chuyển đổi một số chức năng, cải tạo và mở rộng làng cũng như các không gian công cộng, tăng mật độ xây dựng khu ở để đáp ứng nhu cầu phát triển dân số, xây dựng thêm công trình phục vụ mục đích sử dụng mới.

Việc thực hiện mô hình bảo tồn thích ứng phải phù hợp với QHXD của đô thị, hệ thống hạ tầng được đấu nối đồng bộ với hạ tầng đô thị.

Những định hướng và giải pháp cụ thể:

+ Phát triển triển cở sở làng hiện trạng, tạo giải pháp giao thông và cây xanh cách ly với các khu của đô thị và phân định ranh giới đất còn lại của làng với khu vực đất xung quanh. Mở rộng làng ra các khu đất còn trống của làng nếu có điều kiện.

Bảo tồn và phát huy giá trị không gian làng nghề truyền thống trong cơ cấu quy hoạch đô thị Pleiku

Xác định rõ khu trung tâm làng và mở rộng thêm với diện tích tối thiểu là 01 ha để bố trí các công trình: Nhà rông, sân lễ hội, nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học làng, tổ dân phố, sân chơi cho trẻ em, cửa hàng tạp hóa phẩm, cây xanh. Đối với những làng đã có nhà rông thì tiếp tục duy trì, tôn tạo, sửa chữa cho bền chắc hơn; Đối với những làng chưa có nhà rông hoặc nhà rông đã bị hư hỏng xuống cấp thì cần đầu tư xây dựng một nhà rông truyền thống cho làng kết hợp phục vụ du lịch ở những nơi có điều kiện, quy mô thích hợp.

+ Dành quỹ đất để làm sân tập thể thao cho các làng chưa có. Các khu nhà mồ hiện có nếu không còn chôn thì khoanh giữ: Nếu còn chôn thì dứt khoát phải dừng và hướng dẫn đồng bào chôn ở khu quy hoạch nghĩa địa của đô thị, có thể bố trí riêng một khu để đồng bào chọn và làm lễ bỏ mả theo phong tục. Khu nhà mồ và tượng mồ cần phục chế như là di sản kiến trúc của buôn làng để bảo tồn văn hóa và phục vụ khách du lịch tham quan.

+ Đối với nhà của đồng bào: Giữ lại khuôn viên của từng hộ đang sử dụng, khuyến khích các hộ làm hàng rào bằng cây trồng hoặc bằng tre, lồ ô, có mẫu thiết kế đảm bảo mỹ quan chung. Động viên các hộ cải tạo vườn nhà, dọn dẹp vệ sinh, quy hoạch các loại cây trồng phù hợp giữa các loại cây lâu năm, cây ngắn ngày và rau xanh để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Định hướng cho các gia đình việc tách hộ và xây dựng nhà cho hộ mới ngay trên khuôn viên của hộ gia đình đó, đảm bảo định xuất đất tối thiểu từ  400-800m2 sở quỹ đất hiện nay của các làng ở TP Pleiku có thể đảm bảo cho việc phát triển của làng đến năm 2030.

Đối với các làng không đủ quỹ đất hoặc khi đã phát triển hết đất thì tiến hành việc lập làng mới, trong các khu QHXD của đô thị, quỹ đất dự kiến phát triển khu dân cư bao giờ cũng dành tỷ lệ đất hợp lý cho việc phát triển các làng mới của đồng bào.

Các làng đề nghị áp dụng mô hình này gồm: 18 làng Bryt Ngok, làng Phung 1, làng Phung 2, làng Khuol, làng Plei Tiên…)

(3).Mô hình QHXD làng thành khu ở đặc thù của đô thị

– Đối với những làng còn ít giá trị trong thành phố, đề xuất mô hình trong xây dựng và phát triển thành khu ở đặc thù của đô thị, có đầy đủ chức năng của một đơn vị ở, quy mô tương đương với quy mô tổ dân phố hiện nay. Cơ bản vẫn giữ theo hình thái của quy hoạch truyền thống, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất được cao hơn, phát triển làng theo hình thức nhà vườn và nhà liền kề. Hình thái kiến trúc nhà ở phát triển theo loại nhà sàn truyền thống được nghiên cứu cải tiến về hình thức kiến trúc cũng như tổ chức dây chuyền sử dụng, có thể sử dụng vật liệu xây dựng và trang thiết bị hiện đại.

– Chiều cao xây dựng của khu ở đặc thù này khống chế <12m

– Ngoài các công trình công cộng hiện có của làng có thể xây dựng thêm những công trình dịch vụ công cộng khác theo quy hoạch chung của đô thị như trường học, công viên cây xanh nghỉ ngơi, giải trí thương mại, dịch vụ, nhưng về hình thức kiến trúc truyền thống làng ( như bộ mái dốc lớn, khuôn viên đặt công trình, tôn trọng địa hình cảnh quan…). Duy trì khu vực truyền thống của làng, như khu vực nhà rông sân lễ hội, đây chính là không gian hết sức quan trọng trong việc hình thành tính văn hóa đặc trưng của khu dân cư đô thị. Đây cũng chính là nơi diễn ra các lễ hội quan trọng của làng, là nơi thể hiện tín ngưỡng và các sinh hoạt dân gian truyền thống…

– Phạm vi giữa khu vực làng với các khu vực khác trong đô thị khác không cần duy trì vùng đệm, vùng cách ly quá tách biệt như mô hình bảo tồn tôn tạo, chỉ cần có một vùng hạn chế chiều cao xây dựng từ 300 – 500m, chiều cao không quá 20m.

– Hệ thống hạ tầng của khu ở đặc thù này được xây dựng tương tự như các khu ở khác của đô thị, đồng bộ và đầy đủ. Với mô hình phát triển này sẽ có bình quân khoảng 1.250 người, với 250 hộ.

– Với mô hình này diện tích đất nông nghiệp của đồng bào có thể tồn tại một thời gian, khi đồng bào chuyển đổi ngành nghề, trở thành nguồn lao động của đô thị thì diện tích đất nông nghiệp sẽ thu hẹp dần và có thể chuyển đổi thành mục đích sử dụng khác.

– Các làng đề nghị áp dụng mô hình này như: Làng Plei Kép, Pleiku Ró, làng Plei Lang, Plei Khương, Plei Chuet1, Plei Chuet 2…

Kết luận:

Một trong những vấn đề quan trọng để xây dựng và phát triển bền vững các đô thị ở Tây Nguyên đó là: Bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng truyền thống trong các đô thị; Kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa, bản sắc kiến trúc truyền thống của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Trong QHXD phát triển đô thị vùng Tây Nguyên nói chung và thành phố Pleiku nói riêng phải gắn với quy hoạch bảo tồn di sản kiến trúc và di sản thiên nhiên của đô thị đặc biệt là hệ thống các làng nằm trong đô thị. Đối với các làng này cần phải được khoanh giữ bảo vệ, kể cả cảnh quan, môi trường thiên nhiên cũng như di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vốn có của buôn làng. Giữ được các làng trong quá trình đô thị hóa chính là giữ được bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên, đồng thời tạo nên bản sắc kiến trúc địa phương của các đô thị.

Tuy nhiên, thực thi quan điểm này là điều rất khó. Bài học từ các đô thị lớn trong nước như Hà Nội, Huế… cho chúng ta thấy việc giữ không gian các làng truyền thống trong quá trình đô thị hóa là một vấn đề nan giải trong quản lý. Ba lý do cơ bản là: Thứ nhất là hệ thống pháp luật chưa có các quy định riêng về vấn đề quản lý bảo tồn đất buôn, làng trong đô thị; thứ hai là trong cơ chế thị trường hiện nay việc người dân cắt đất buôn làng để bán là không thể kiểm soát và chế tài được; Thứ ba là ngân sách địa phương dành cho công tác quy hoạch, quản lý làng trong đô thị cũng rất hạn chế.

Mong muốn của người dân cũng như chính quyền các đô thị là cần phải làm ngay những giải pháp cụ thể để gìn giữ buôn làng trong các đô thị. Trên thực tế có một số địa phương vùng Tây Nguyên có những việc làm bước đầu, như: Tp Buôn Ma Thuộc xây dựng mô hình của Buôn Akụ Thụng, phường Tân Lợi; TP. Pleiku xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch và đó có những thành công nhất định, được đồng bào hưởng ứng nhiệt tình. Qua thực tế, chúng ta thấy cần phải nghiên cứu như thế nào để tìm ra giải pháp thiết thực và thích hợp hơn với việc vừa bảo tồn được văn hóa truyền thống vừa phát triển đô thị phù hợp với thị trường?

Để vấn đề quy hoạch, bảo tồn xây dựng phát triển làng hệ thống ở TP Pleiku thành hiện thực thì cần có sự quan tâm đồng bộ của các ngành các cấp, đặc biệt là chính quyền đô thị và của cộng đồng dân cư. Bản thân người dân phải ý thức được giá trị và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Nếu giữ được các làng truyền thống trong cơ cấu QHXD đô thị Pleiku hiện nay, với phương pháp khoanh giữ, bảo tồn và phát huy các làng phù hợp, chúng ta sẽ có một đô thị với sắc thái riêng, đặc thù, mang phong cách của đô thị miền núi cao nguyên, đây chính là điều chúng ta luôn kiếm tìm, luôn hướng tới cho các đô thị hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Ban chỉ đạo Tây Nguyên (2006), Tây Nguyên trên đường phát triển bền vững.
  2. Bộ xây dựng (1999), Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020.
  3. Nguyễn Hồng Hà (2008), bảo tồn và phát huy giá trị buôn làng trong quá trình phát triển các đô thị ở Tây Nguyên, Luận án tiến sĩ, Đại học Kiến trúc Hà Nội.
  4. Trần Hùng (2006), Làng truyền thống trong quá trình đô thị hóa, Kiến Trúc Việt Nam số 11.
  5. Nguyên Ngọc (2001), Một số vấn đề văn hóa xã hội cần chú ý trong phát triển ở Tây Nguyên hiện nay.
  6. Nguyễn Thị Kim Vân (2007), Đến với lịch sử văn hóa Bắc Tây Nguyên.

TS.KTS Nguyễn Hồng Hà 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *