Home / KIẾN TRÚC DI SẢN / Bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc và không gian văn hóa đình làng tại các làng cổ ven Đà Nẵng khi quá trình đô thị hóa đang dần hình thành

Bảo tồn và phát huy các giá trị kiến trúc và không gian văn hóa đình làng tại các làng cổ ven Đà Nẵng khi quá trình đô thị hóa đang dần hình thành

Quảng Nam là một khu vực giàu truyền thống văn hoá – lịch sử và có những điều kiện địa lý tự nhiên đặc biệt. Đây cũng là vùng đất có lịch sử hình thành và phát triển đánh dấu cho bước đầu mở cõi vào phía Nam sau này, cũng là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Đà Nẵng tuy là thành phố trẻ nhưng mảnh đất này gần như gắn liền và có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử với Quảng Nam nên chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa truyền thống Quảng Nam – văn hóa có sức hội tụ và lan tỏa trên một miền rộng lớn. Các thế hệ ông cha đi trước đã để lại cho cả vùng đất này nói chung những di sản vô cùng quý báu. Trong đó, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể được chắt lọc qua bao đời nay được thể hiện qua các tri thức bản địa về phương thức sản xuất, văn hóa dân gian, tín ngưỡng, nếp sống cũng như cách thức tổ chức các không gian văn hóa, sinh hoạt lễ hội,… mà trong đó, hoạt động Lễ Hội Đình Làng ở các Làng cổ tại vùng đất này là một loại hình trong số các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian phong phú, đặc sắc về văn hóa và có tính bản địa cao.

image001

Đình làng Nam Thọ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng hiện nay vẫn tồn tại nhiều Làng cổ ven đô – nơi vẫn còn thấm đẫm bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa đất Quảng như: Túy Loan, Phong Lệ, Hòa Mỹ, Phước Mỹ,… Trước đây, tại các làng này, hầu như làng nào cũng có đình với những khuôn khổ khác nhau tùy theo khả năng phát triển. Và về mặt ý nghĩa, như bao đình làng khác tại miền Trung, đình làng ở những làng cổ này thường là nơi thờ Thành hoàng hoặc những nhân vật được dân chúng tôn là Thần Thánh, đồng thời cũng là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của làng xã. Thường thì việc làng nước, lớn nhỏ gì cũng được giải quyết, dàn xếp tại đình làng.

image007

Đình làng Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng

Trước đây, ngôi đình làng thường được xây dựng trên một khu đất trang trọng, nơi khá cách biệt với nhà cửa của dân chúng, nhưng phải là nơi trung tâm của Làng và việc giao thông tiện lợi. Cách biệt như thế để có thể tránh được những huyên náo, tranh tụng, gây uế tạp, tạo nên một cảnh quan uy nghiêm, trang trọng. Về kiến trúc, ở mặt cảnh quan và nội thất ta có thể thấy nó giống như những ngôi chùa và thường được xây dựng theo mô thức giống nhau, xây theo hướng rộng. Một kiểu mẫu đại cương của ngôi đình làng tại trên địa bàn thành phố thông thường bao gồm những thành phần sau: Nhà hậu cung, nhà tiền tế, tả gian, hữu gianhành lang. Phía trước có nội minh đườngngoại minh đường, miếu thờ, bình phong, cửa tam quan,… Cách thức tổ chức bố cục và giải pháp mặt bằng nói chung thể hiện tính sáng tạo, hạn chế các yếu tố bất lợi của thiên nhiên, mang tính chất sinh thái. Đồng thời nó cũng thể hiện đầy đủ nhất, sâu sắc nhất mối quan hệ giữa con người với tự nhiên cũng như lối sống và văn hóa, tâm linh của cư dân miền Trung trong những buổi đầu khai phá lập nghiệp.

image013

image015

image017

Mặt bằng bố cục của một ngôi dình điển hình ở các làng ven đô thành phố

Hiện nay, hằng năm, tùy theo nghi lễ truyền thống, dân các thôn làng trên địa bàn thành phố và khách thập phương vẫn thường tổ chức những cuộc lễ bái, tế tự, lễ rước linh, cầu khẩn, cũng như những hội hè đình đám. Các lễ hội đình làng thường diễn ra từ 1-2 ngày. Trong đó, ngày giờ cúng tế làng theo tục lệ của làng, không đều nhau. Nội dung tế mong muốn tránh hoạn nạn, cầu an, tạ ơn thần,… Và các nghi thức cúng tế đều tuân theo những quy định khá nghiêm ngặt của ban tế tự. Thường thì phần Lễ gồm lễ rước, nhạc lễ, dâng hương tế đình tưởng nhớ những vị tiền hiền lập nghiệp khai phá đất đai. Phần Lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm với hàng trăm cụ già vọng trọng trong làng đều chỉnh tề lễ phục thành kính dâng hương trong tiếng nhạc tế mang âm hưởng đặc trưng miền Trung nguyện cầu mưa thuận, gió hòa, quốc thái dân an.

image019

Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có lễ rước Mục Đồng của Đình Thần Nông làng Phong Lệ (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Đây là điều độc đáo mà không phải nơi nào cũng có, mặc dù địa phương nào cũng đều thờ Thần Nông. Dù cốt lõi của Lễ hội này là cầu cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhưng mặt khác và cũng là điểm nổi trội, độc đáo là lễ hội đã tôn vinh một tầng lớp dân nghèo ở địa phương. Đó chính là những Mục Đồng, một trong những lực lượng góp phần quan trọng trong việc trồng trọt lúa gạo và hoa màu…

image028

Lễ rước Mục Đồng đình Phong Lệ ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng

Trong những ngày lễ hội ở các đình làng, thu hút sự chú ý của mọi lứa tuổi quanh vùng và du khách còn là các trò chơi dân gian vui nhộn, hấp dẫn đòi hỏi sự nhanh khéo, đấu trí, đấu lực như múa lân, kéo co, vật tay, đẩy gậy, thi gói bánh tét, nướng bánh tráng, trèo cây hái quả, đua ghe… (Lễ hội đình Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) hay thi chạy, cắm hoa, bày mâm quả, làm bánh, viết thư pháp…(Lễ hội đình Thạc Gián); người cao tuổi biểu diễn thể dục dưỡng sinh, bài chòi, khán giả tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đập om, hay tham gia chợ ẩm thực quê.. (Lễ hội đình làng Hòa Mỹ) với những món ăn dân dã bánh đập, bánh cuốn, bún mắm, mì Quảng, bánh xèo,… tạo nên một sắc màu chân quê đậm đà như nhắc nhở nguồn cội. Ngoài ra, xen kẽ những trò chơi, cuộc thi trong những ngày lễ hội còn có các màn biểu diễn nghệ thuật tuồng. Theo các tài liệu, nghệ thuật tuồng xuất hiện từ khoảng cuối thế kỷ 18, trong đó kịch bản chủ yếu phỏng tác các tích sử và nghệ thuật biểu diễn là sự kết hợp các động tác, võ đạo, những hình thức hết sức phức tạp được cách điệu, nghệ thuật hóa thông qua các đạo cụ.

image032

Các hoạt động, sinh hoạt văn hóa dân gian rõ ràng làm không khí lễ hội thêm phần náo nhiệt, ý nghĩa và những trò chơi, cuộc thi không chỉ đơn thuần là một tập tục văn hóa của một vùng đất mà nó còn góp phần bồi bổ tinh thần, trí lực, vật lực, tinh thần thượng võ cho trai tráng trong làng, giáo dục và truyền tay nghề cho phụ nữ về nữ công gia chánh cũng như thắt chặt tính cộng đồng giữa các tầng lớp dân cư. Lễ hội sôi động và hấp dẫn ở các đình làng trên địa bàn thành phố với những trò chơi dân gian đặc trưng của vùng đất Quảng còn mang đến những tác dụng và hướng đi mới giữa sự kết hợp truyền thống và hiện đại như cách làm của một số làng. Trong đó, các tổ dân phố, đoàn thể, gia tộc có dịp ngồi lại bên nhau trong buổi sinh hoạt giao lưu văn hóa về nếp sống đẹp, trao đổi kinh nghiệm, các công tác giáo dục trong đời thường để cùng giúp nhau tiến bộ, các trích đoạn hát tuồng đan xen vào các tiết mục ca múa nhạc kịch của chương trình văn nghệ của lễ hội,… Đây có thể là một hướng đi đúng bởi cùng với sự phát triển và mở rộng của các đô thị nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đang diễn ra từng ngày và khi quá trình đô thị hóa dường như là một quy luật khó có thể cưỡng lại  thì tương lai không xa, các đô thị cũng sẽ ôm lấy những làng cổ ven đô này và nó sẽ trở thành một phần của đô thị. Đình làng khi đó, cùng với các sinh hoạt, thiết chế văn hóa, tín ngưỡng dân gian sẽ góp phần rất lớn trong việc bảo tồn các giá trị vật thể và phi vật thể khi mà nó có thể đưa ra một mô hình sống, sinh hoạt sao cho phù hợp với lối sống hiện đại, kinh tế nhưng vẫn kế thừa những đặc điểm truyền thống trong lối sống, đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội và có định hướng đối phó với các thách thức mới nảy sinh một cách bền vững.

image037

Đình làng nói chung và đình làng tại các làng cổ ven Đà Nẵng nói riêng, có thể nói là nơi bảo tồn bản sắc văn hóa vô cùng hữu dụng. Đồng thời các hoạt động lễ và hội cùng với nó, đã tạo nên những sắc thái rất riêng, góp phần minh chứng tính đa dạng, phổ biến của lễ hội dân gian, văn hóa, tín ngưỡng của những cư dân miền Trung nước Việt. Sự hiện diện của nó là cơ sở để ta hiểu thêm những vùng đất, những phong tục của những cư dân địa phương cũng như cái cốt, cái hồn đáng quý mà ông cha ta đã gởi gắm qua các hình thức tín ngưỡng, kiến trúc, các thiết chế văn hóa, các quan niệm thẫm mỹ và ý nghĩa nhân sinh. Không ngững thế, đó cũng là nơi đáp ứng các nhu cầu cần thiết trong tâm thức trong mỗi chúng ta trong nhịp sống hối hả của đô thị khi nó còn có thể là nơi lưu lại những ký ức tuổi thơ, những dấu ấn riêng, những kỷ niệm của các giai đoạn trong một đời người… Và tất cả đó là những giá trị vĩnh hằng cũng như là bản sắc của người Việt trên mảnh đất miền Trung này.

(*Nguồn ảnh: Tác giả và Internet)

KTS. Hồ Thế Vinh

ĐT&PT số 74 – 75/2018

Check Also

1

Ngôi Đền được cho là ‘tác phẩm của người ngoài Trái đất’

 Đền Kailasa ở Maharashtra, Ấn Độ là công trình kiến trúc nguyên khối lớn nhất …