Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / BẢO TỒN DI TÍCH KIẾN TRÚC Ở HỘI AN – KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

BẢO TỒN DI TÍCH KIẾN TRÚC Ở HỘI AN – KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC

    Trong những năm qua, chính quyền và nhân dân Hội An luôn nỗ lực trong công tác quản lý bảo tồn các giá trị di sản; với các định hướng phát triển của một đô thị Hội An xanh – sạch – đẹp, một đô thị sinh thái. Chính quyền địa phương luôn đặt mục tiêu hàng đầu là bảo tồn nguyên vẹn các công trình kiến trúc của tiền nhân. Tuy nhiên, thực tế di tích kiến trúc Hội An hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quản lý, bảo tồn di sản trong xu thế phát triển của thời đại của một đô thị với người dân đang sinh sống,  đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết theo mục tiêu: Vừa Bảo tồn giá trị di sản kiến trúc vừa Phát triển kinh tế, xã hội.

     Những khó khăn mà các nhà quản lý đô thị đang phải thường xuyên đối mặt là sự xuống cấp của di tích. Các di sản kiến trúc Hội An phần lớn tập trung trong khu phố cổ (hơn 1000 di tích, trong đó chiếm hơn 82% là thuộc sở hữu tư nhân) có niên đại khởi dựng từ trước thế kỷ 19 nên hầu hết các cấu kiện chịu lực chính ( chủ yếu là gỗ, mái lợp ngói âm dương đất nung theo thời gian) với tuổi thọ của vật liệu đã tới hạn; bên cạnh, tác động của điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của khu vực như nắng nóng, mưa nhiều, nhất là lũ lụt  hằng năm nên các di tích hiện đang xuống cấp trầm trọng, có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản, số lượng di tích cần chống đỡ hằng năm trước mùa mưa bão lên đến hàng trăm, trong đó hàng chục di tích (thường là nhà ở trong khu phố cổ) được khuyến cáo, thậm chí yêu cầu người dân phải di dời đến nơi khác để đảm bảo an toàn trong thời gian có bão, cá biệt có trường hợp phải hạ giải khẩn cấp di tích (nhưng tuân thủ qui định trong công tác bảo tồn-trùng tu) để tránh nguy cơ bị sụp đổ.

     Nguồn kinh phí trùng tu cũng là một khó khăn lớn đối với chính quyền và người dân. Để trùng tu một di tích kiến trúc theo đúng các qui định hiện hành về bảo tồn di sản, kinh phí bỏ ra thường gấp từ 3-4 lần so với xây dựng một ngôi nhà mới theo kiến trúc hiện đại (tính theo diện tích m2 sàn sử dụng), do đó, kinh phí đầu tư của người dân/chủ di tích rất lớn nhưng lại kém hiệu quả, diện tích sử dụng bị hạn chế. Trong những năm qua,  chính quyền Hội An cố gắng tập trung mọi nguồn lực tài chính, kêu gọi sự đầu tư trong và ngoài nước để có nguồn kinh phí hỗ trợ người dân trong công tác tu bổ các di tích (người dân, tổ chức  sở hữu các di tích khi triển khai trùng tu  được nhà nước hỗ trợ từ 40-75% kinh phí tùy thuộc vào giá trị kiến trúc của di tích đó). Tuy nhiên, đôi khi kinh phí từ nhiều nguồn dù sẵn có, công tác tổ chức trùng tu chưa chắc đã được thực hiện bởi những hệ lụy về quyền sở hữu, quyền sử dụng…của di tích cần tu bổ.

    Vật liệu truyền thống để trùng tu cũng là khó khăn không thể không kể đến. Yêu cầu về tính chân xác đòi hỏi trong nguyên vật liệu sử dụng trùng tu là một vấn đề. Thường để trùng tu một di tích, phải cần đến một số lượng lớn ngói, gạch, gỗ, vôi vữa truyền thống trong khi ở địa phương, gạch, ngói (ngói cong đất nung truyền thống) không đảm bảo về số lượng, chất lượng và cả về kích thước vật liệu. Ngói sử dụng trong tu bổ thường có kích thước là 16 x 16 x 0,7 (cm), trong khi  ngói cũ thường có kích thước và độ dày lớn hơn. Nguyên liệu để sản xuất ngói là đất sét khan hiếm và pha lẫn cát, tạp chất. Viên ngói thành phẩm sau khi nung thường có độ cong không đồng đều, chất lượng  thấp, thậm chí một số lượng lớn ngói tự phân hủy chỉ sau từ 2-3 năm sử dụng. Nguồn gỗ để phục vụ cho trùng tu cũng  khan hiếm do cấm khai thác rừng, nhất là loại gỗ kiền kiền thường được sử dụng trong các di tích . Vữa vôi truyền thống không còn sản xuất được thay thế bằng vữa ba-ta (pha trộn giữa xi măng, cát và vôi bột hiện có bán sẵn trên thị trường), do đó công tác trát vữa, lợp mái ngói âm dương bằng vữa vôi với vật liệu được pha trộn như đã nói, cho dù được ủ kỹ trước khi sử dụng nhưng thực tế vẫn không đảm bảo cho công tác tu bổ, đó là yêu cầu về độ dẻo kết dính, sự co giãn vật liệu (giữa vữa vôi và ngói đối với hệ mái) không đồng đều trong quá trình sử dụng dẫn đến hiện tượng co nhót,  xuất hiện nhiều vết nứt, hở, mùa mưa dễ bị thấm dột mái làm di tích nhanh xuống cấp.

    Đội ngũ cán bộ kỹ thuật quản lý trùng tu vẫn còn nhiều hạn chế về năng lực chuyên môn. Tầm nhận thức, hiểu biết về giá trị di tích hạn chế cũng là  gây trở ngại cho công tác tu bổ, thậm chí làm sai lệch giá trị di tích sau khi tu bổ. Trong khi, Việt Nam chưa có trường đại học nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

    Lũ lụt xảy ra hằng năm với tầng suất ngày càng cao, tình trạng biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng trực tiếp đến các di tích ở Hội An. Mực nước biển dâng, vấn đề xả đập của các nhà máy thủy điện ở thượng lưu sông Thu Bồn vào các mùa mưa lũ khiến cho mực nước hạ lưu sông Thu Bồn lên nhanh, gây lụt đã ảnh hưởng rất lớn đến các di tích trong khu phố cổ.

    Nguy cơ cháy nổ cũng thường trực tại các điểm di tích. Những mặt hàng kinh doanh như vải, các đồ lưu niệm bằng gỗ, tre trưng bày dày đặc trong di tích là nguy cơ tiềm tàng để bà “Hỏa” chực chờ viếng thăm bất cứ lúc nào.

    Áp lực về phát triển du lịch cũng tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn di tích. Du lịch phát triển mạnh đem lại nguồn thu đáng kể cho  ngân sách địa phương và cải thiện đáng kể cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, lượng khách đến  Hội An  tập trung vào khu vực  phố cổ (với diện tích chỉ hơn 0,6 km­­2) dẫn đến tình trạng cơ sở hạ tầng quá tải. Các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch phát triển mạnh, kéo theo diện tích dành cho kinh doanh tăng lên. Cũng với vài chục mét vuông diện tích, trước đây chỉ sử dụng cho nhu cầu ở, nay phải gánh thêm nhu cầu kinh doanh (chiếm hầu hết diện tích của di tích) nên việc cơi nới di tích vẫn âm thầm diễn ra (mặt dù các cơ quan quản lý vẫn thường xuyên kiểm tra nhưng việc cơi nới của chủ di tích-người sử dụng thường thực hiện ban đêm, và diện tích cơi nới thường là dựng thêm gác xép, tháo dỡ vách, tường để tăng diện tích kinh doanh nên khó phát hiện kiểm tra xử lý).

    Từ sau khi du lịch Hội An phát triển, giá cả bất động sản tại phố cổ tăng vọt kéo theo tình trạng bán nhà/di tích với nhiều lý do như phân chia tài sản, cần một số tiền lớn…, các chủ nhân của ngôi nhà đã bán đi những tài sản thừa kế của cha ông. Những chủ nhân mới là giới đầu cơ, là người mua để lấy mặt bằng kinh doanh biến di tích chỉ đơn thuần là điểm kinh doanh dịch vụ, không còn là một di tích đúng nghĩa: một di tích với sinh hoạt thường nhật của người dân phố cổ, với 3-4 thế hệ sống chung dưới một mái nhà, với khoảng sân trời đầy nắng gió, hoa lá, bàn thờ tổ tiên luôn nghi ngút khói hương và “đôi mắt cửa” luôn lưu luyến các chủ nhân mỗi sáng bước ra và hân hoan mỗi khi họ trở về. Một số di tích đã mất hết phần hồn khi thay đổi chủ nhân, các hoành phi, liễn đối, bàn thờ tổ tiên – , kết cấu đặc thù, không gian kiến trúc trong nhà cổ  đã bị tháo dỡ, làm “rỗng hóa di tích” cũng là thách thức lớn trong công tác quản lý hiện nay.

    Các di tích vùng ven cũng có số phận không khá hơn. Xu hướng “hoành tráng hóa” di tích đang ngày một có chiều hướng gia tăng. Di tích tâm linh (miếu, lăng,) bị lấn chiếm, xâm hại ), hoặc đôi khi được đầu tư cải tạo qui mô hơn nhưng lại làm “trẻ hóa” di tích.

    Di tích tôn giáo thì độ “hoành tráng” được nâng lên một bậc. Các ngôi chùa, thánh thất, nhà thờ trước đây với qui mô vừa phải, hài hòa với cảnh quan, con người Hội An thì nay, xu hướng chung hiện nay của các cơ sở tôn giáo là đầu tư mới, cải tạo, tăng qui mô  các cơ sở tôn giáo cũng làm hỏng không gian đô thị cổ. Sự biến dạng di tích tôn giáo ở Hội An vẫn là một thách thức.

    Việc giữ gìn, bảo tồn  giá trị kiến trúc di tích tại phố cổ Hội An – một di tích sống trong quá trình phát triển của đô thị thời kinh tế thị trường, hai mặt tưởng như đối lập nhau nhưng phải nhận thức sâu sắc rằng chính làm tốt công tác bảo tồn trùng tu di tích, không gian văn hóa của phố cổ là làm tăng giá trị, tạo ra sức hấp dẫn của du lịch Hội An. Những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Hội An trong công tác bảo tồn  được UNESCO ghi nhận là một trong những địa điểm bảo tồn tốt các giá trị di sản văn hóa ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

    Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Du lịch Mỹ (USTOA), Việt Nam là quốc gia đứng đầu trong danh sách được du khách quốc tế lựa chọn khám phá trong năm 2012, đặc biệt, Di sản văn hóa thế giới Hội An (cùng với thành phố vì hòa bình Hà Nội) được lọt vào tốp 10 điểm đến hấp dẫn của châu Á trong năm 2011.

Võ Đăng Phong
ĐTPT số 37/2012

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …