Home / VĂN HÓA-DU LỊCH / Bài học kinh nghiệm trong quản lý các khu dự trữ sinh quyển

Bài học kinh nghiệm trong quản lý các khu dự trữ sinh quyển

     Sinh quyển là phần của trái đất có các sinh vật sinh sống (biota) kể cả con người. Từ những loài sinh vật sống dưới đáy biển sâu đến những loài sinh vật sống trong không khí hoặc sâu trong lòng đất đều thuộc về sinh quyển. Giới hạn của sinh quyển bao gồm phần dưới của khí quyển, hầu hết thủy quyển (toàn bộ nước mặt và nước ngầm) và phần trên của địa quyển (toàn bộ đất và bề mặt lớp đá, lớp trầm tích trên nền đại dương và các hồ ao, sông, suối…). Sự vận động của các thành phần trong sinh quyển theo cơ chế “hệ thống” và “tự điều chỉnh” như một cơ thể sống. Khái niệm sinh quyển như một hệ thống sống trên trái đất ra đời vào những năm 1920 nhưng cho mãi tới vài thập kỷ gần đây mới được chấp nhận rộng rãi. Trái đất không chỉ như một ngôi nhà chung mà nó còn vận động thông qua các mối tương tác hữu cơ giữa tất cả các loài thực vật và động vật với nhau, với môi trường và với con người.

     Các khu dự trữ sinh quyển thường có diện tích lớn bao trùm lên các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ… một số đồng thời là khu Ramsar, khu di sản thiên nhiên thế giới… Như vậy, trong một khu dự trữ sinh quyển sẽ có rất nhiều các văn bản, pháp qui của cả quốc gia, quốc tế và địa phương. Điều này cho thấy công việc quản lý các khu dự trữ sinh quyển thực chất là điều phối và tận dụng tối đa các văn bản, nguồn nhân lực và tài chính hiện có tại địa phương. Cách tiếp cận quản lý các khu DTSQ là “đồng quản lý” với sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Nếu hệ thống các vườn quốc gia, khu bảo tồn.. được quản lý theo ngành thì khu DTSQ lại nhấn mạnh hiệu quả quản lý của cấp tỉnh. Đây là cấp điều phối cao nhất, có hiệu quả nhất trong các mô hình thành công của các khu DTSQ trên thế giới và ở Việt Nam.

      Khu DTSQ đảo Jeju Hàn Quốc có một Ban Quản lý mà các thành viên đều kiêm nhiệm, đứng đầu là người lãnh đạo cao nhất cấp tỉnh. Các hoạt động của khu DTSQ được lồng ghép trong các hoạt động phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên của địa phương. Mọi tranh chấp đất đai, giảm thiểu ô nhiễm, xây dựng thương hiệu “Quýt Sinh quyển”, bảo tồn di sản “làng Hàn cổ”… đều được giải quyết hài hòa và từ khi tuyên bố trở thành khu DTSQ thì ngành công nghiệp “du lịch sinh thái” phát triển rất nhanh. Khu DTSQ Shang Kou (Trung Quốc) đồng thời lại là Vườn Quốc gia và khu Ramsar (khu bảo tồn chim nước có tầm quan trọng quốc tế) nên có nhiều cơ hội thu hút các nguồn đầu tư, trợ giúp của các tổ chức quốc tế. Ở nước ta, các DTSQ đang thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, người dân địa phương tự hào và nhận thức được nâng cao về trách nhiệm gìn giữ di sản cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, để quá trình hội nhập mang lại hiệu quả không chỉ có giá trị quốc gia, quốc tế mà phải mang lại lợi ích cho từng người dân địa phương, chúng ta phải vượt qua các khó khăn và thách thức cả về nhận thức và hành động cụ thể của các cán bộ lãnh đạo và người dân.

     Khu DTSQ Cát Bà đã có những văn bản qui chế hướng dẫn cụ thể trong công tác quản lý và đạt được những thành công bước đầu trong việc điều phối các hoạt động phát triển “kinh tế chất lượng” “du lịch sinh thái” và qui hoạch tổng thể khu DTSQ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Quản lý, đứng đầu là đồng chí Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, đồng thời là Trưởng ban quản lý khu DTSQ. Khu DTSQ Cần Giờ dưới sự quản lý trực tiếp của Sở Nông nghiệp và PTNT đã có rất nhiều thành công trong nghiên cứu quản lý rừng, phát triển lâm nghiệp… nhưng việc tạo ra một cơ chế điều phối với sự tham gia tích cực của các ban ngành khác như văn hóa, giáo dục, du lịch, tài chính… rất cần có sự chỉ đạo trực tiếp của thành phố.

     Các ý tưởng bảo tồn thiên nhiên liên tỉnh, liên quốc gia, liên biên giới… đều có ý nghĩa khoa học hết sức tốt đẹp do biên giới, ranh giới do con người tạo ra đều là rào cản cho các nỗ lực bảo tồn các loài sinh vật, giảm thiểu lan truyền ô nhiễm… Các khu DTSQ Cát Tiên nằm trong địa phận của 4 tỉnh (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Lắc) và khu DTSQ Châu thổ sông Hồng nằm trong địa phận 3 tỉnh (Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) sẽ thể hiện rất tốt ý tưởng quản lý dựa trên cách tiếp cận cảnh quan và đồng quản lý liên tỉnh nhưng trước mắt đang gặp phải những khó khăn rất lớn. Đó là việc làm thế nào tạo ra được cơ chế quản lý dựa trên sự đồng thuận của lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh. Song song với việc nâng cao nhận thức cho người dân, chúng ta phải vượt qua những rào cản trong tư duy và chỉ đạo thực hiện vượt ra khỏi ranh giới địa phương đảm bảo cho sự nghiệp phát triển bền vững cho cả vùng, cả đất nước.

     Tại Hội nghị tổng kết kinh nghiệm của mạng lưới các khu DTSQ Thế giới năm 2002 ở Tây Ban Nha, các báo cáo tổng kết cho thấy các mô hình thành công đều nằm ở các nước phát triển, các bài học thất bại hầu hết ở các nước đang và kém phát triển. Sự ỷ lại vào những nguồn tài trợ về tài chính quốc tế, sự quản lý bó hẹp trong một ngành mà không kết hợp hài hòa với địa phương, các ngành khác, đặc biệt là văn hóa và giáo dục và cuối cùng là trình độ nhận thức và hiểu biết của cả cán bộ lãnh đạo và người dân là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự thất bại. Cũng tại hội nghị này, khu DTSQ được xem là mô hình phát triển bền vững trong tương lai. Trong quá trình hội nhập các khu DTSQ chúng ta cần học hỏi cả kinh nghiệm thành công cũng như thất bại để có những giải pháp hợp lý nhất trong hoàn cảnh của ta nhằm đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí
ĐTPT Số 27/2010

Check Also

THUNG LŨNG YARRA (1)

TRỞ LẠI AUSTRALIA

TRỞ LẠI AUSTRALIA Mùa lá đỏ ở thung lũng Yarra Australia cuối thu. Đúng 8 …