Đà Nẵng, với nhiều công trình trọng điểm về kinh tế – xã hội phục vụ dân sinh đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, trong đó các khu công nghiệp tập trung được hình thành một cách đồng bộ, nhiều khu du lịch, đô thị mới đang khẩn trương xây dựng… Những điểm nhấn cao tầng và các công trình có kiến trúc hiện đại như tòa nhà Azura, khách sạn Novotel, tòa nhà Indochina, trung tâm công nghệ phần mềm, cung thể thao Tiên Sơn, đã tạo cho Đà Nẵng có một diện mạo mới hiện đại trẻ trung. Tuy nhiên, kiến trúc Đà Nẵng có những công việc chưa hoàn thiện, có nhiều công trình còn đang thiếu sót, chưa đẹp. Xin đi vào từng vấn đề, từng công việc, từng công trình cụ thể, theo kiểu “thấy gì nói vậy” để KTS cùng suy ngẫm.
1. Về quy hoạch chung:
Tổng diện tích lãnh thổ khoảng 20.000 ha, dân số dự kiến 1,5 triệu người, chúng ta thấy rõ đất xây dựng tập trung khoảng 20%, còn 80% là nông thôn và rừng núi. Với cơ cấu 53% dịch vụ, 47% công nghiệp và 3% nông – lâm – ngư nghiệp, chúng ta chưa làm rõ được quy hoạch vùng nông thôn, nông trang, nông trại để chăn nuôi trồng trọt, tạo ra vành đai thực phẩm rau xanh cho thành phố.
Với ngư nghiệp tuy có Âu Thuyền – Thọ Quang nhưng cũng chỉ là nơi neo đậu là chủ yếu, mà chưa đặt ra nhiệm vụ quy hoạch làng chài văn hóa như ở Lạch Bang – Thanh Hóa, kênh nhà Lê – Nghệ An, Lăng cô – Thừa Thiên Huế, Xóm Bóng – Nha Trang, Cà Ná – Thuận Hải,…
Chúng ta đã quy hoạch làng nghề Non Nước, nên chăng chọn sông Phú Lộc và cùng cửa sông Cu Đê để xây dựng các làng chài tạo ra bản sắc truyền thống… * Với tỉ trọng 47% công nghiệp, ta đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 04 khu công nghiệp tập trung và đang xúc tiến xây dựng khu công nghệ cao, lượng công nhân không ít hơn 3 vạn người.
Tuy vậy ta chưa làm rõ được khu dân cư công nghiệp. Hiện nay có khoảng 2 vạn công nhân ăn ở rải rác ở các xóm trọ tạm bợ quanh các khu công nghiệp.
Là thành phố biển, chúng ta đã quy hoạch chuỗi đô thị từ Làng Vân – Thủy Tú Nam Ô – Đa Phước – Trung tâm thành phố.Nếu đi theo Sông Hàn có thể đến được Hòa Quý, Hòa Xuân Cẩm Lệ – Ái Nghĩa, và nếu khai thông sông Cổ Cò thì còn đến được Hội An, Thu Bồn.
Khoảng 10 – 15 năm nữa, khi kinh tế phát triển có thể phương tiện giao thông đường thủy sẽ rất phát triển, thì ngay bây giờ nên đặt vấn đề quy hoạch giao thông đường thủy mơ đến một Sydney, KoBe… Tuy đã có dự án cảng biển và các điểm neo đậu du thuyền nhưng như vậy là còn quá sơ lược đơn giản.
Thiên nhiên ưu đãi cho Đà Nẵng có biển và vịnh biển với hàng chục Kilomet bờ dài. Việc cấp phép cho vệt Khách sạn, Resort từ Bắc Mỹ An đến Điện Ngọc làm mất đi dải cảnh quan về biển suốt 10km bãi biển phía Nam thành phố.
2. Về quy hoạch chi tiết:
Chúng ta nhất thiết phải đầu tư chuyên sâu và làm sớm quy hoạch chi tiết vì đó là sắc diện của kiến trúc đô thị. Thiết kế và quản lý quy hoạch chi tiết phải kiên định như pháp lệnh kiến trúc để đạt được sự hài hòa tổng thể không gian. Nếu chưa làm được nhiều thì ở khu trung tâm đô thị, ở các trục quy hoạch chính, ở các nút quy hoạch quan trọng phải làm ngay quy hoạch chi tiết.
Quy hoạch chi tiết cần cụ thể như loại công trình nào, diện tích chiếm đất. mật độ xây dựng và hình khối, tầng cao, hình thức kiến trúc cơ bản. Trong quá trình phát triển chấp nhận có sự thay đổi , điều chỉnh nhưng không gian kiến trúc không bị phá vỡ mất nhưng tiêu chí cơ bản đã đề ra ban đầu. Về vấn đề này tôi thấy còn nhiều điều chưa thỏa mãn:
Là thành phố biển thì các trục quy hoạch hướng biển cần được mở thoáng đến mép nước, cần xem đây là những dòng sông cảm xúc, vỡ òa ra hòa nhập với không gian biển. Trục Ông Ích Khiêm – bãi biển Thanh Bình, từ lâu đã là một mạch quan trọng của đô thị trung tâm, nay bị chắn lại bởi khu Đa Phước. Từ 5 năm rồi không còn bãi biển Thanh Bình, thậm chí không còn được nhìn thấy biển vì hàng rào tôn kín của dự án này che khuất suốt chiều dài 4km.
Trục cầu Tuyên Sơn – Hồ Xuân Hương – bãi biển Bắc Mỹ An nay chắn bãi biển ,giao quyền quản lý của SUNVILA, với một bốt gác sừng sững treo logo Sun Grop chốt ở ngã ba đường du lịch huyết mạch đi Hội an
Trung tâm Hùng Vương với nhiều dự án lớn, quan trọng như Tháp Đôi, Viễn Đông towere xây dựng quá chậm. Sắp tới khu phức hợp ở sân vận động Chi Lăng mới được triển khai thì trung tâm này còn lâu mới đạt được sự hoàn chỉnh về không gian, kiến trúc như sự kỳ vọng và mong ước.
Chúng ta đã quy hoạch trung tâm đào tạo – làng Đại học ở Hòa Hải nhưng nhiều năm qua vẫn cho xây dựng các trường Đại học Kiến trúc, Đại học Đông Á, Đại học Ngoại ngữ, Cao đẳng Bách khoa,… ở Hòa Cường. Vậy thì bao giờ mới đạt được quy hoạch đã đề ra?
Chúng ta đã dành hàng 100ha để làm quảng trường 2/9, Khu Đảo xanh, khu nhà hàng tiệc cưới, nhưng tâm lý sử dụng và không gian cảnh quan kiến trúc ở đây còn buồn tẻ, buổi tối còn hoang vắng… Gần đây vừa xây dựng hoàn thành hai công trình uy nghi đồ sộ ở đường Núi Thành đó là Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát tối cao,… Càng làm cho không gian càng nặng nề hơn.
Nên chăng bổ sung nhiệm vụ và chức năng để tạo thêm các công trình dịch vụ, công trình công ích để tạo ra được cảm giác mới cho quảng trường.
3. Về công tác quản lý kiến trúc:
Công trình kiến trúc được xây dựng lên phải qua một quy trình quản lý pháp lý rất nghiêm ngặt. Từ lập dự án, lựa chọn địa điểm, tư vấn thiết kế và giám sát tổ chức thi công xây lắp. Trực tiếp quản lý, thẩm định, phê duyệt, cấp giấy phép xây dựng và giám sát thi công theo dự án được duyệt thuộc về sở Xây dựng thành phố, cơ quan pháp lý về kiến trúc
Thành tựu về kiến trúc cơ bản là vai trò sáng tác của KTS, nhưng để tồn tại khiếm khuyết về kiến trúc là do cơ quan quản lý phê duyệt cấp phép kiến trúc. Trong cả núi công việc đồ sộ, rộng lớn với sự thành công, vẫn còn đâu đó những sự chưa hoàn thiện cần suy ngẫm.
Là KTS, trong bài viết này tôi xin nêu những sự chưa hoàn thiện đó Vâng! Cũng xin là “thấy gì nói vậy”.
Đà Nẵng có nhiều công trình quy mô lớn, lạ,… mang dấu ấn đẹp về kiến trúc. Phần đầu tôi đã nói về thành tựu chung kiến trúc, xin được đi sâu hơn một vài công trình tiêu biểu.
Công trình SOFTECH có đường nét kiến trúc hài hòa, công trình nhà ở Hoàng Anh Gia Lai có dấu ấn nhờ không gian thoáng của Hồ Thạc Gián. Trung tâm Hùng Vương có công trình đang xây dựng đẹp ở hình khối hiện đại và có sự hài hòa với không gian tổng thể. Khu phức hợp IDOCHINA xử lý kiến trúc rất hay khi khi khu đất hẹp nên đã chia nhỏ thành 2 khối, xử lý bo tròn góc cạnh tạo cảm giác thoáng nhẹ. Khu nhà ở AZURA hình khối rất lớn, rất cao nhưng quy hoạch tổng thể quay cạnh bên ra hướng sông Hàn nên không hạn chế tầm nhìn, không lấn át kiến trúc bờ sông. Đài Truyền hình Đà Nẵng có khối kiến trúc thu nhỏ dần trên cao, làm rộng thêm không gian tầm nhìn nút Quy hoạch Cầu Rồng, Trung tâm hành chính to lớn, đẹp, lạ, Khu Furama đẹp và hoàn chỉnh.
Nhiều công trình Thương mại, Khách sạn vừa và nhỏ trên các trục đường chính đều trang nhã, hiện đại, hài hòa trong tổng thể. Những công trình có bản sắc kiến trúc tạo ra dấu ấn như Khu Hội Chợ triển lãm, Khu Liên hợp TDTT Tiên Sơn. Công trình có sự hoàn chỉnh kiến trúc mức độ cao như Bệnh Viện Ung Bướu và các cây cầu qua sông Hàn mỗi cầu một hình thức khác nhau tạo ra những ấn tượng mới mẻ.
Tuy vậy vẫn còn đó những điều cần suy ngẫm.Việc bố trí quy hoạch chi tiết không hợp lý, những hình thức kiến trúc khác lạ hoặc những chi tiết kiến trúc chưa phù hợp, chưa hoàn chỉnh.
Xin nêu từng trường hợp:
Khách sạn Hoàng Anh Gia Lai – Hoàng Diệu Đà Nẵng:
Đây là công trình có quy mô lớn, khối công trình cao tầng, đồ sộ nhưng về tổng thể đặt quá sát đường Hoàng Diệu , gây ra sự bức bối không gian. Hình thức kiến trúc quá đơn giản, không đẹp. Là kiến trúc cao tầng có tầm nhìn cả 4 hướng thì các mặt sau, mặt bên không được quan tâm về kiến trúc
Cầu Thuận Phước:
Là cầu dây treo không có mố, hình thức đẹp, thanh thoáng nhưng ở dưới cầu hai mố neo cáp làm quá to, quá cao như hai mố cầu …
Bảo tàng tổng hợp Đà Nẵng:
Vị trí trên nền Thành Điện Hải. Đây là vị trí thiêng liêng, ở trung tâm thành phố. Tuy vậy bị che khuất trong quần thể công trình lớn cao tầng, có cảm nhận quá nhỏ nhoi, không tương xứng là một Bảo Tàng tổng hợp của một thành phố lớn.
Với kiến trúc công trình không tạo ra hình khối của một ngôi nhà, mà chỉ như một đoạn tường thành mới xây trên một thành trì cũ.
Việc đặt tượng cụ Nguyễn Tri Phương giữa trục trung tâm làm sai lệch cảm nhận đây là bảo tàng Nguyễn Tri Phương. Tượng đẹp, oai phong nhưng bệ tượng còn quá đơn giản, hời hợt. Nên chăng ta tổ chức lại lối vào chính , rộng mà hoành tráng hơn, chuyển tượng cụ về một góc với đầy đủ ngôn ngữ của một tượng đài anh hùng gắn với lịch sử thành Điện Hải, để tôn vinh và thờ cúng Cụ
Nhà hàng không gian xưa – Điện Biên Phủ:
Không gian kiến trúc nhà hàng, cảnh quan, nội thất, sân vườn khá đẹp. Nhưng về quy hoạch chi tiết của đường phố Điện Biên Phủ thì nó chỉ là một bức tường thành nặng nề, bí hiểm.
Khu Sunvila Hồ Xuân Hương:
Nếu bên kia láng giềng là tổ hợp khách san Furama đẹp, hoàn chỉnh đạt đến tầm 5 sao, quốc tế… Còn ở Sunvillas được chiếm lĩnh một khu đất và bãi biển rất đẹp, rộng. Thì chỉ quy hoạch như một làng định cư, theo hướng chia lô bán nhà với một hai mẫu biệt thự mái ngói xanh xám. Điều đáng nói là để tạo độ caođể đắp một ngọn đồi giả , người ta xây một bức tường thành để trần đá thôquá dài,quá cao chắn dọc , lộ diện về trục đường Hoàng sa
Như vậy khu công trình rộng lớn này có kiến trúc hướng về trục phố chính là một bức tường thành và một lô cốt ở ngã ba giữa đường Hồ Xuân hương. Thật là phản cảm. Xin cung cấp hình ảnh kiến trúc xa lạ nữa của một khu Resort gần đó.
Khu du lịch Bà- nà:
Trước đây khi quy mô còn nhỏ , ta quy hoạch xây dựng thành một khu kiến trúc nhỏ, mái dốc lô xô ẩn hiện nên thơ vừa thân thiện với môi trường. Thì nay ai cấp phép mà họ xây dựng thành một cụm bát nháo, với nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ với ngôn ngữ kiến trúc cổ điền châu Âu, trách nhiệm này thuộc về ai ?
Vòng quay mặt trời Sunhie:
Là công trình phục vụ vui chời, trong Khu Liên hợp thể thao Tiên Sơn và Công viên văn hóa ASEAN. Vòng quay mặt trời đã xây dựng xong có thể khai thác sử dụng,về quy hoạch là một công trình đơn vị nằm trong tổng thể của tổ hợp nhiều công trình khác
Là một đu quay theo chiều đứng có độ cao 100m, có kết cấu thép hiện đại, có hệ thống trang trí ánh sáng, điều khiển tối tân. Là thiết bị vui chơi giải trí có hình thức kiến trúc phô trương sôi động nhưng phần đế của công trình có hình thức kiến trúc như một thành trì có 3 cửa vòm và có 4 miểu cổ 4 góc. Trên trục thần đạo có một thủy đình cổ kính thờ ông Địa.
Dễ dàng nhận thấy phần thân và phần đế công trình đối chọi nhau, về kiến trúc quá khác biệt, về cảm nhận chúng ta đang trèo lên những công trình miếu mạo thờ cúng tâm linh. Ở độ cao trên đỉnh nhìn xuống thủy đình chỉ như một vũng nước nhỏ.
Khu neo đậu du thuyền:
Theo thông tin vừa qua chúng ta đã phê duyệt chủ trương các bến neo đậu du thuyền,cómột vài hình ảnh sơ lược minh họa. Theo tôi về kiến trúc công trình quá nhỏ và tầm thường quá, nên chăng ở vùng chân cầu Thuận phước hoặc vùng Đảo xanh hay đoạn gần cầu Tuyên Sơn ta đào thêm kênh, hồ, tận dụng nhà thi đấu đa năng để làm Câu lạc bộ du thuyền tương xứng với dự báo của tương lai
Công trình Trung tâm hành chính:
Thành phố vừa đưa vào sử dụng TRUNG TÂM HÀNH CHÍNH. Đây là công trình lớn, xây dựng nhiều tiền, đẹp, lạ. Bản thân công trình đã hoàn chỉnh về công năng sử dụng cũng như hình thức kiến trúc,có tầm Quốc gia và Quốc tế
Ý tưởng kiến trúc chủ đạo là tạo ra một hình tượng ngọn hải đăng, quảng bá cho thành phố biển- Đà Nẵng. Công trình có thiết kế kiến trúc trang nhã, trong suốt, vươn lên chiếm lĩnh tầm cao, phần đế sinh động. Việc tạo hình khối tròn là một nét lạ cho kiến trúc của một cơ quan công quyền.
Đáng tiếc là việc quy hoach tổng thể, chúng ta cho xây dựng một NOVOTEL quá gần, chiếm ngữ và che khuất tầm nhìn của công trình, gây ra sự bực bội và tiếc nuối cho không gian kiến trúc.
Đã vậy NOVOTEL có hình khối vuông, có quy mô và tầm cao tương đương càng làm cho nặng nề hơn cảm giác của một sự đối chọi về kiến trúc, tranh chấp về không gian
Vì ưu đãi đầu tư hay vì sự hời hợt mà công trình quan trọng nhất, nhiều tiền nhất, hiện đại nhất, lạ và đẹp nhất của thành phố phải chịu đựng cảm giác kiến trúc khó chịu như vậy.
KTS Phạm Ngọc Cần