Home / QUY HOẠCH / Quy trình lập quy hoạch xây dựng đối với đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn

Quy trình lập quy hoạch xây dựng đối với đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn

Hệ thống đô thị nhỏ và các điểm dân cư nông thôn là một tập hợp thể hình thành một hệ thống trung tâm và dân cư nông thôn. Về cơ bản, hệ thống trung tâm nông thôn gồm 3 cấp: Trung tâm huyện, trung tâm khu vực (liên xã) và trung tâm xã. Về mặt thể thức, trung tâm huyện là các thị trận huyện lỵ, trung tâm khu vực trong huyện có thể là thị trấn dân cư hoặc thị tứ hay là điểm dân cư trung tâm cụm xã, trung tâm xã là điểm dân cư trung tâm xã. Thị tứ, điểm dân cư trung tâm cụm xã và điểm dâm cư trung tâm xã là thuộc hệ thống điểm dân cư nông thôn trên địa bàn xã. Ngoài các thể thức nêu trên, một số lượng các thể thức chính của điểm dân cư nông thôn là các làng, thôn, bản; là làng nghề hoặc điểm dân cư có chức năng ở gắn liền với chức khác như công nghiệp, du lịch…

Quy trình lập quy hoạch xây dựng đối với đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thônNhư vậy đối tượng chính của quy trình lập quy hoạch xây dựng (QHXD) đối với đô thị nhỏ là các thị trấn (trung tâm huyện lỵ và trung tâm khu vực trong huyện) và đối với các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn xã là thị tứ, điểm dân cư trung tâm cụm xã, điểm dân cư trung tâm xã, làng , thôn, bản, làng nghề và các điểm dân cư nông thôn khác. Theo Nghị định 72 về phân cấp, phân loại đô thị, các thị trấn có quy mô dân số từ 4.000 đến 50.000 người và tương ứng quy mô đất xây dựng đô thị có thể dao động từ 70ha đến 700ha. Các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn xã có quy mô đất đai dao động chủ yếu từ 5ha đến 50ha. Hiện nay ước tính cả nước có khoảng trên 600 thị trấn, trên 1.000 thị tư, trên 10.000 điểm đân cư trung tâm xã, khoảng 40.000 các điểm dân cư nông thôn khác (trong đó có hơn 2.000 làng nghề truyền thống). Điều trên cho thấy quy trình lập QHXD cho hệ thống đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn có vai trò không nhỏ trong toàn bộ quy trình lập QHXD. Nó được áp dụng cho một số khu vực dân cư rộng lớn ở đất nước – nơi cư trú của hơn 80% dân số cả nước. Một quy trình hợp lý sẽ có tác dụng thúc đẩy nhanh công tác lập quy hoạch đạt được chất lượng tốt.

Để đảm bảo cho công tác lập quy hoạch phù hợp và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong tình hình mới, quy trình lập QHXD nói chung đã đạt được đổi mới và thể hiện trong các văn bản pháp luật và quy phạm pháp luật. Đó là Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua nagyf 26.11.2003 và có hiệu lực từ ngày 01.7.2004, Nghị định 08 ngày 24.01.2005 của Chính phủ về QHXD và Thông tư 15 ngay 19.8.2005 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt QHXD. Đây thực sự là công cụ pháp lý cho việc thực hiện thống nhất công tác lập, thẩm định và phê duyệt QHXD trên địa bàn toàn quốc.

Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện công tác QHXD theo quy trình được quy định trong Nghi định 08 và Thông tư 15 cho thấy quy trình lập QHXD mới bước đầu đã đi vào cuộc sống và trở thành công cụ hữu hiệu cho các địa phương trên địa bàn cả nước trong việc thực hiện công tác lập, thẩm định và phê duyệt QHXD. Mặc dù vậy một số điểm bất cập cũng được bộc lộ trong quá trình hơn một năm thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt QHXD theo quy trình này. Ở góc độ quy trình lập, thẩm định và phê duyệt QHXD đối với các đô thị nhỏ và các điểm dân cư nông thôn, một số bất cập được thể hiện như sau:

Về mặt lập quy hoạch đối với các thị trấn

1. Theo phân loại đô thị, thị trấn chủ yếu là đô thị loại 5. Trong quá trình phát triển từ nay đến năm 2020 một số thị trấn – đô thị loại 5 có khả năng trở thành đô thị loại 4. Trong việc lập QHXD các đô thị nhỏ loại này, đa số các địa phương căn cứ vào loại đô thị hiện tại để quy định tỷ lệ bản đồ lập quy hoạch. Điều này dẫn đến sự bất cập giữa quy mô khảo sát theo yêu cầu lập quy hoạch và khả năng vồn hạn chế của địa phương. Vì trong Nghị định quy định đối với đô thị loại 5 được lập quy hoạch chung xây dựng trên bản đồ tỷ lệ 1 / 2.000 và đô thị loại 4 được lập trên tỷ lệ bản đồ 1 / 5.000. Và một tất yếu là quy mô khảo sát để lập quy hoạch đối với thị trấn có quy mô dự kiến phát triển tương ứng với đô thị loại 4 luôn luôn được xác định một cách hạn chế so với yêu cầu lập quy hoạch. Điều nay đã gây không ít khó khăn cho việc nghiên cứu lập quy hoạch. Trong Nghị định cần xác định rõ việc áp dụng quy mô lập quy hoạch là “quy mô đô thị tại thời điểm dự kiến phát triển”.

2. Để tránh được bất cập nói trên và thuận lợi cho công tác lập quy hoạch cũng như phù hợp với nguồn vốn của địa phương, các thị trấn có quy mô dân số dự kiến từ 35.000 trở lên nên được lập quy hoạch chung xây dựng tại tỷ lệ bản đồ 1 / 5.000.

3. Do điều kiện kinh phí trong giai đoạn trước đây có nhiều hạn chế, nhiều địa phương đã lập quy hoạch chi tiết trong xây dựng khu trung tâm thị trấn, nhưng lại quan niệm đó là quy hoạch chung xây dựng thị trấn. Vì vậy việc lập quy hoạch chung xây dựng kế tiếp được coi là “điều chỉnh quy hoạch chung”. Điều này không hợp lý cả mặt quy trình cũng như thực tế triển khai. Sự bất cập này cần thống nhất lại quan niệm trong lập quy hoạch chung xây dựng đối với các đô thị nhỏ.

4. Theo Nghị định và Thông tư hướng dẫn, QHXD thị trấn được tiến hành trên toàn lãnh thổ hành chính của thị trấn, bao gồm cả khu xây dựng đô thị và các điểm dân cư ngoài khu vực xây dựng đô thị (phổ biến đối với các thị trấn vùng trung du và miền núi – lãnh thổ hành chính có diện tích hàng ngàn ha). Cần có hướng dẫn cụ thể mức độ nghiên cứu quy hoạch đối với các điểm dân cư ngoài khu vực xây dựng đô thị. Nếu thực hiện quy hoạch toàn bộ lãnh thổ hành chính trên tỷ lệ bản đồ 1 / 2.000 thì bản đồ quy hoạch quá lớn và không cần thiết.

5.Hướng dẫn về lập nhiệm vụ hiện nay chưa rõ, còn bao hàm nhiều nội dung không cần thiết, nhất là đối với đô thị nhỏ. Cần có hướng dẫn rõ thêm về mặt này.

Về mặt lập quy hoạch đối với các điểm dân cư nông thôn

1. Sự bất cập lớn nhất hiện nay trong quy trình lập QHXD điểm dân cư nông thôn là sự không tương đồng giữa quy trình lập QHXD và đơn giá lập quy hoạch. Trong quy trình lập quy hoạch hiện nay có thể nói có hai loại đồ án “Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn” và “Quy hoạch xây dựng trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn”. Điều này đã gây không ít sự hiểu lầm, sự khó khăn trong công tác lập QHXD điểm dân cư nông thôn tại các địa phương trên địa bàn cả nước.

2. Tên hai loại đồ án trong quy trình lập QHXD điểm dân cư nông thôn chưa thể hiện độ chuẩn xác về cả phương diện lý thuyết và thực tế. Vì vậy, chưa đạt được sự thống nhất cao trong quan niệm khi triển khai thực tế lập quy hoạch, mỗi địa phương hiểu một cách.

3. Trong quá trình lập quy hoạch, hiện nay mỗi địa phương hiểu một cách về số lượng bản vẽ đối với các dự án QHXD điểm dân cư nông thôn, có địa phương yêu cầu lên đến 13 bản vẽ, hoàn toàn khác xa với số lượng bản vẽ quy định trong Nghị định. Thực tế lập quy hoạch cho thấy đối với các đồ án “Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn”, bản đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn và mạng lưới hạ tầng kỹ thuật  nên được lập thành 2 bản đồ ở mức độ tối thiểu và 3 bản đồ ở mức độ tối đa (nội dung định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật được lập tối đa trên 2 bản đồ). Đối với dự án “ Quy hoạch xây dựng trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn”, bản đồ quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc và hạ tầng kỹ thuật nên được lập thành 3 bản đồ ở mức độ tối thiểu (nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập trên 2 bản đồ) và 4 bản đồ ở mức tối đa (nội dung quy hoạch hạ tầng kỹ thuật được lập trên 3 bản đồ).

4. Khi nói đến đồ án “Quy hoạch xây dựng trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn”, một số địa phương hiểu rằng cần phải làm quy hoạch tất cả các điểm dân cư trên địa bàn xã cùng một lúc, một số khác cho rằng chỉ cần làm quy hoạch các khu vực dân cư phát triển mới. Nhìn chung chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về việc thực hiện lập đồ án quy hoạch này. Vì vậy cần phải làm rõ thêm trong Thông tư hướng dẫn.

Về việc lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng

Việc lấy ý kiến về đồ án QHXD là việc làm cần thiết, nhưng trong thực tế triển khai việc tổ chức lấy ý kiến còn chưa được hiệu quả, quá nhiều cuộc họp được tổ chức, gây sự không tập trung trong đóng góp ý kiến, làm kéo dài và phức tạp không cần thiết cho công tác nghiên cứu lập quy hoạch, gây tốn kém không cần thiết. Trong Thông tư hướng dẫn cần quy định rõ hơn về mặt này để đảm bảo sự hợp lý, tính hiệu quả và tránh lãng phí.

Về thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng thị trấn và điểm dân cư nông thôn

Việc phân cấp thẩm định nhiệm vụ và đồ án QHXD thị trấn và điểm dân cư nông thôn cho cấp huyện theo Nghị định là chủ trương đúng. Nhưng trong thực tế, lực lượng cán bộ có chuyên môn ở cấp huyện để đảm nhận công tác này còn rất hạn chế. Vì vậy, hầu hết các địa phương vẫn giao cho Sở Xây dựng đảm nhận công tác này và tình trạng này còn diễn tiến trong thời gian dài. Thực tế trên là hợp lý trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy cần điều chỉnh về vấn đề này để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Trên đây là một số nhận xét rất cá nhân về những bất cập trong việc thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt QHXD đối với các đô thị nhỏ và điểm dân cư nông thôn theo quy trình lập, thẩm định và phê duyệt được quy định trong Nghị định 08 và Thông tư 15. Hy vọng các nhận xét trên đây có thể đóng góp cho việc hoàn thiện hơn nữa về quy trình lập, thẩm định và phê duyệt QHXD và làm cho nó ngày càng thực sự trở thành công cụ hữu hiệu cho công tác QHXD trên địa bàn cả nước.

Ts. KTS Đàm Quang Tuấn

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *