Ngày nay, khi nói về một đô thị hiện đại người ta nghĩ đến một đô thị phát triển bền vững, thân thiện môi trường, có một nền kinh tế thân thiện với môi trường. Nói chung, là một thành phố đáng sống. Nhưng trong thực tế, việc phát triển đô thị ở đất nước ta đâu đâu cũng ná ná như nhau: Ở đâu cũng đối đầu với những thách thức do phát triển đô thị mang lại, ý chí con người đã thay đổi cho tính khoa học và những quy luật về phát triển; Ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, chất lượng cuộc sống ngày càng xuống thấp, phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt, ở đâu cũng xảy ra xây dựng hôm qua thì hôm nay đập phá. Có thể nói, nguồn lực quốc gia và các địa phương lãng phí rất lớn và hệ quả của nó không thể tính toán hết trong hiện tại. Vấn đề đặt ra, là phải soát xét lại quá trình đô thị hóa, tìm ra những quy luật khách quan, khoa học trong phát triển đô thị; phải xây dựng các tiêu chí bảo đảm cho đô thị phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao lên do phát triển đô thị mang lại.
Đâu là phát triển nóng?
Các đô thị trên cả nước ở đâu cũng báo động về phát triển nóng, nhưng làm thế nào để đừng phát triển nóng thì gần như chưa có lời giải. Thật ra, phát triển nóng là điều dễ nhận ra, ai cũng thấy, ai cũng hiểu, nhưng để hành động đúng là cả một vấn đề, tất cả đi vào vòng lẩn quẩn.
Có lẽ vấn đề đầu tiên được đặt ra trong phát triển đô thị là tầm nhìn, thiếu tầm nhìn sẽ làm cho phát triển đô thị trở nên lúng túng và lãng phí lớn. Tầm nhìn trước hết là công tác quy hoạch, là xây dựng kịch bản phát triển đô thị, để bước đi sau là sự tiếp nối của những người đi trước, không đập phá những gì người đi trước để lại. Thiếu tầm nhìn, công tác quy hoạch cứ làm đi làm lại mãi. Nhìn công tác quy hoạch ở thành phố Huế, chúng ta có thể khái quát sự thiếu tầm nhìn và sự lúng túng trên quá trình đô thị hóa: Trước đây, Huế được trung ương xác định là 1 trong 5 đô thị cấp quốc gia và nay là 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia. Vậy đô thị cấp quốc gia Huế là đô thị như thế nào? Chỉ để trả lời câu hỏi này đã là một sự bối rối. Sau này giải phóng, thành phố Huế có 3 quận, gồm quận Hữu Ngạn, quận Tả Ngạn, quận Thành Nội. Tiếp đó, Huế giải tán các quận, chia lại thành phường và mở rộng thêm một số xã thuộc Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang. Do nhu cầu phát triển, có lúc Huế mở rộng đến Bình Điền, Thuận An, Thủy Dương… Theo hướng thành phố cảnh quan về phía gò đồi và thành phố biển về hướng Thuận An. Sau khi tỉnh Thừa Thiên Huế lập lại, Huế thu gọn lại còn 25 phường, xã. Kết luận 48 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, với đô thị trung tâm gồm Huế – Bình Điền – Phú Bài – Tứ Hạ – Thuận An. Và mới đây, Thủ tướng Chính phủ mới quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, cụ thể hóa Kết luận 48 của Bộ Chính trị; theo đó, Huế mở rộng gần gấp 5 lần thành phố hiện hữu với tầm nhìn là 1 trong 6 đô thị cấp quốc gia, là 1 trong 3 thành phố di sản của Đông Dương… Với mục tiêu đưa Huế trở thành một đô thị sáng tạo văn hóa, với quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt (2014) các quy hoạch trước đây hầu như phá sản. Tất nhiên, có một quy hoạch chung tốt nhưng để đô thị phát triển “ra môn ra khoai”, đòi hỏi phải có quy hoạch chi tiết, có thiết kế đường phố. Nhưng phần lớn phần còn lại hiện nay là một khoảng trống bỏ ngõ, nhất là thiết kế đường phố nên đô thị cứ phát triển trong nham nhở, chỉnh trang chưa xong vẫn nham nhở…, tư duy dự án, tư duy nhiệm kỳ đang lấn át các quy luật phát triển đô thị. Đó là chưa nói đến năng lực quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch.
Chúng ta đều biết đô thị phát triển trên cơ sở tiềm lực của địa phương, quyết tâm của trung ương và nhu cầu phát triển của chính nó. Phát triển đô thị không thể theo phong trào, theo ý muốn của các nhà quản lý, bất chấp điều kiện khách quan, chủ quan và quy luật phát triển của nó. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến nay, có thể nói đô thị hóa diễn ra theo “kiểu” chạy theo thành tích và theo phong trào. Xã phấn đấu vươn lên thành thị trấn, huyện vươn lên thành thị xã, thị xã vươn lên thành thành phố; đô thị loại 5 phấn đầu trở thành loại 4, loại 3… Đâu đâu cũng diễn ra tình trạng cố “gò” vào tiêu chuẩn để được nâng loại. Trước đây, thành phố trực thuộc trung ương là thành phố loại 1, loại 2. Huế xin lên thành phố loại 2 (thuộc tỉnh) sau đó là một loạt thành phố thuộc tỉnh được nâng lên loại 2. Khi trung ương phân loại thành phố trực thuộc trung ương là thành phố đặc biệt và thành phố loại 1 thì Huế xin nâng lên thành phố loại 1 (thuộc tỉnh), thế là một loạt thành phố thuộc tỉnh được nâng lên loại 1. Đã là thành phố trực thuộc trung ương đương nhiên là thành phố loại 1, nhưng các thành phố đều rềnh ràng, tốn kém trong việc ra mắt, công bố rất lãng phí…
Do chạy theo phong trào và thiếu nguồn lực phát triển, nên các đô thị hiện nay phát triển đều dựa vào nguồn lực là kêu gọi đầu tư vào quỹ đất. Đối với nhà đầu tư, cái gì có lợi cho mình thì làm, làm giàu nhanh thì đầu tư. Còn quỹ đất thì ở đâu cũng phân nền, chia lô, rao đấu giá quỹ đất… Nơi thuận lợi thì phát triển ồ ạt, đường vừa mở xong phố đã chật chội, bởi mặt tiền được tận dụng tối đa đã làm cho các đường phố mới không ai giống ai, và ở đâu cũng có tình trạng như nhau. Nơi không thuận lợi trở thành quy hoạch treo, đấu giá hoài không thấy ai đến. Mặt khác, trong đền bù giải tỏa cho dân, yêu cầu là phải làm cho người dân sống bằng, hoặc hơn nơi cũ, nhưng trên thực tế là ngược lại, người dân cảm thấy sợ hãi khi nghe có quy hoạch. Phần lớn khiếu kiện hiện nay là khiếu kiện đền bù giải tỏa; ngay trong bộ phận cán bộ làm công tác đền bù cũng thấy áy náy trong công tác áp giá, bởi vì phần lớn những thiệt thòi thuộc về phía người dân.
Một đô thị hiện đại là một đô thị có hạ tầng đồng bộ. Hạ tầng không chỉ là mở đường mà còn là hệ thống thoát nước và xử lý nước thải; là hệ thống ngầm điện, điện thoại, cáp quang, đường dẫn khí đốt…, là hệ thống giao thông công cộng, giao thông tỉnh. Chính do chạy theo phong trào và thiếu nguồn lực đầu tư hạ tầng đã dẫn đến đô thị phát triển đến đâu, ô nhiễm môi trừng kéo theo đến đó, thành phố mới mưa đã ngập là phổ biến. Rác thải mới dừng ở thu gom và chon lấp, nhiều lĩnh vực trong bảo vệ môi trường còn đang bỏ trống…Và có thế nói, bức tranh phát triển đô thị hiện nay là phát triển nóng, là phát triển bằng bất cứ giá nào, phát triển không tính toán đến hậu quả ở tương lai mà thế hệ sau phải gánh chịu.
Tư duy mới về phát triển đô thị
Chúng ta không phủ nhận những thành công do công cuộc đô thị hóa mang lại, nhưng bên cạnh thành công thì hệ quả của nó để lại cũng không nhỏ và khó tính toán hết; người ta bắt đầu cảm thấy lo lắng về các khoản nợ và khả năng thanh toán của con cháu mai sau. Đô thị phát triển phải theo quy luật của nó; quy luật đó là tầm nhìn và nhu cầu của sự phát triển, là nguồn lực phát triển, là lộ trình phát triển trên những tiêu chí bảo đảm cho một đô thị hiện đại. Tất nhiên, những vấn đề nổi cộm trong thời gian qua chẳng phải là điều mới mẻ, bởi vì trên thực tế mọi người ai cũng thấy, ai cũng hiểu được. Thế nhưng, để đưa nó vào một trật tự mới là điều không dễ.
Trước hết là công tác quy hoạch. Quy hoạch là tầm nhìn, là kịch bản phát triển đô thị. Để có tầm nhìn, cần thực hiện dân chủ hóa trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần tôn trọng các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà văn hóa…, phải thực sự lắng nghe ý kiến của họ và có khả năng tiêu hóa những ý kiến đó. Đối với người dân sở tại, quy hoạch phải trả lời cho được là người dân hăm hở đón nhận hay thờ ơ với quá trình đô thị hóa. Cao nhất là họ thấy được hưởng lợi do phát triển đô thị mang lại, cả vật chất lẫn tinh thần – điều kiện sống. Cụ thể nhất là trong lĩnh vực đền bù giải tỏa. Để làm được điều đó, cần thông tin đầy đủ đến người dân các chủ trương về phát triển đô thị; ví như ở Huế ít ai biết đầy đủ nội dung Kết luận 48 của Bộ Chính trị và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Huế của Thủ tướng Chính phủ (2014); thế nhưng, trưng cầu dân ý chia quận thì ai cũng đưa tay. Có quy hoạch tốt rồi chưa đủ, mà cần phải quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy hoạch. Huế đã được thủ tướng ra quyết định điều chỉnh quy hoạch chung, mở rộng gấp 5 lần hiện tại và quy hoạch đó được thực hiện như thế nào? Chỉ cần xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, tư duy dự án.., thì việc thực thi sẽ sôi động ngay, quy hoạch sẽ thành thực hiện.
Nói đến phát triển đô thị, không thể không nói đến nguồn lực phát triển. Nguồn lực đó bao gồm vốn vay, nguồn lực từ trung ương, sự đầu tư của địa phương, nguồn lực do phát triển của đô thị mang lại và nguồn lực trong dân. Nguồn lực trong dân là cực kỳ quan trọng, bởi vì huy động được nguồn lực trong dân mới thể hiện được người dân là chủ nhân ông của đô thị mình đang sống, người dân mới cảm thấy không bơ vơ nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, người dân phải cảm thấy phấn khởi trong xây dựng thành phố mình thật đáng sống. Một thực tế hiện nay là nguồn lực đầu tư vào tiến trình đô thị hóa rất lớn. Tuy nhiên, nguồn vốn đó phân tán, cắt khúc. Chính sự phân tán này kéo theo sự đầu tư cắt khúc, dàn trải, gây lãng phí rất lớn. Đường phố thì nay đào mai lấp; một khi có dự án thì làm, mai có dự án mới tiếp tục đào lên. Chưa có hệ thống thoát nước đã làm đường, lề đường; có đường rồi chắn lô cốt làm hệ thống thoát nước… Chỉ một hệ thống thoát nước thôi thì nay làm theo kiểu dự án này, mai phá đi làm theo dự án khác. Những đô thị được cho là phát triển năng động, thực chất đôi lúc là vận hành tốt cơ chế “xin cho” mà nhiều năm nay chúng ta mong muốn đoạn tuyệt nó. Do nguồn lực không được tập trung, nên tiến trình đô thị hóa diễn ra nham nhở, trải qua mấy chục năm, giải phóng rồi nhưng ở đâu cũng chưa định hình đô thị ổn định.
Nguồn lực phải được tập trung vào một mối, phải được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Lý lẽ này đơn giản, nhưng để thực hiện nó phải đánh thủng nhiều lô cốt. Biết đến bao giờ mới hết tình trạng ai xin phi trường cho phi trường, xin cảng cho cảng, xin mở đại học cho mở… Đã đến lúc cần tổng kết sự lãng phí trong phát triển đô thị. Tổng kết được việc này thì sẽ giải quyết được hàng loạt vấn đề từ tham nhũng đến lợi ích nhóm, cơ chế “xin cho’, điều hành ngân sách. Nó sẽ mở ra một chương trình mới trong phát triển đô thị của đất nước.
Có quy hoạch, có nguồn lực chưa đủ, để đô thị phát triển bền vững phải có lộ trình phát triển, lộ trình đó phân định bước đi, để bước đi sau tiếp nối bước đi trước. Nói chung, là xây dựng móng nhà để các thế hệ sau cứ thế xây lên. Hạn chế tối đa việc xây xong rồi phá, phá rồi lại xây.
Nhưng bắt đầu từ đâu để xây dựng lộ trình? Chúng ta đều biết đến thành phố nào cũng hướng đến một thành phố xanh, một đô thị sinh thái, một thành phố đáng sống, một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, đâu là tiêu chí bảo đảm cho một thành phố đáng sống, một thành phố xanh mà thế giới quan niệm… Các đô thị lớn trên Thế giới hằng năm tiêu thụ 75% năng lượng toàn cầu và sản sinh 80% các khí gây hiệu ứng nhà kính. Một thành phố xanh mà Thế giới quan niệm là thành phố không có khói bụi, không dùng năng lượng hóa thạch…Người ta xây dựng nhiều tiêu chí bằng nhiều đề án để bảo đảm giảm thiểu của biến đổi khí hậu cũng như ứng phó với nó như vận tải, không gian xanh đô thị, chất lượng không khí, chất lượng môi trường ít tiếng ồn, quản lý và xử lý rác thải, nước thải, vấn đề tái chế… Và mục tiêu hàng đầu là đảm bảo nguồn nước sạch. Người ta cho rằng một nền văn hóa với sự hiện diện rõ nét của các yếu tố thiên nhiên không chỉ trong cấu trúc của một đô thị truyền thống mà còn tham gia vào việc xây dựng các thành phố hiện đại. Nếu ngày hôm qua, phát triển đô thị đã thay thế người đi bộ và đẩy lùi thiên nhiên thì nay các thành phố xanh đưa người đi bộ và thiên nhiên về đúng vị trí ưu tiên của nó. Tư duy xây dựng và phát triển thành phố dựa trên nền tảng hạnh phúc của con người, chứ không đặt mục tiêu kinh tế lên hàng đầu.
Có thể nói, những thành phố xanh tiêu biểu trên Thế giới đều nỗ lực rất lớn theo các tiêu chí trên. Ví như Amstesdam (Thủ đô Hà Lan) được coi là thiên đường của những người bảo vệ môi trường, bởi phần lớn phương tiện giao thông ở đây là xe đạp, họ còn phát minh cả taxi đạp. Thành phố Chicago (Mỹ), các nóc nhà phủ màu xanh của cây và các máy phát điện chạy bằng sức gió. Thành phố Feiburg (Đức) là thành phố năng lượng mặt trời, người ta xây dựng nhiều hệ thống sản xuất điện, mái nhà người dân chính là nơi đặt những tấm pin mặt trời rộng lớn. London (Anh), nơi mật độ giao thông cao, chính quyền nảy sinh ra sáng kiến thu phí tắt đường ở trung tâm đông xe, kết quả mức độ giao thông giảm đáng kể. Đảo quốc Sư Tử, chính quyền ở đây xây dựng các tòa nhà có mức tiêu thụ điện bằng không, bởi các tấm pin mặt trời được thiết kế để tạo ra năng lượng hơn mức tiêu thụ của cư dân. Ở các tiểu vương quốc Ả – rập thống nhất, người ta bắt đầu xây dựng thành phố chỉ dành riêng cho người đi bộ, sử dụng hoàn toàn năng lượng có thể tái sinh, với mạng lưới đường xá thu hẹp, nhiều bóng râm, các phương tiện di chuyển công cộng với khoảng cách 200m/trạm. Đây là thành phố không Cacbon, không chất thải đầu tiên trên Thế giới… Không riêng gì trên thế giới, ở trong nước cũng không thiếu những khu đô thị mới đáng cho ta suy ngẫm, ví như khu Phú Mỹ Hưng ở thành phố Hồ Chí Minh là một điển hình.
Đã đến lúc các trường Đại học Kiến trúc, các chuyên gia đầu ngành phải lên tiếng. Cần có những hội thảo khoa học, những công trình khoa học trên lĩnh vực này; các nhà quản lý phải xây dựng những thể chế ràng buộc để phát triển đô thị không còn tùy tiện, gây bức xúc như hiện nay. Tiếng nói phản biện luôn là tiếng nói khó nghe, nhưng để phát triển đô thị đúng quy luật thì rất cần sự hiện diện của nó. Phê phán thì dễ, nhưng phê phán để đưa vào một trật tự mới là điều đáng bàn.
Lê Văn Lân