Dù vị trí nhà ở trong chung cư, nhà tập thể hay trên phố xá thì cũng nên cần và phải sửa chữa, cải tạo, nâng cấp dần từng bước để đạt tiêu chí gần gũi hơn nữa với thiên nhiên.
Nói nôm na là “xanh hóa” ngôi nhà theo thời gian, hoặc là tạo ra môi trường sinh thái tối đa có thể được trong điều kiện sẵn có tối thiểu tại chỗ về không gian ngôi nhà. Nghĩa là cải thiện điều kiện môi trường chỗ ở cho mọi vị trí nhà được nhiều bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Theo người viết, việc chủ động càng sớm đưa thiên nhiên vào tiếp cận gần gũi với ngôi nhà thể hiện ở các giải pháp có thể thực hiện được như sau:
– Tận dụng ánh sáng của mặt trời bằng việc mở rộng ô cửa, tạo các ô trống chiếu sáng trực tiếp hoặc gián tiếp qua quản quang của mảng gương, mảng tường, mảng kính mờ có sắc màu diệu. Tận thu nguồn sáng mặt trời từ mái hay tường để giảm bớt năng lượng chiếu sáng nhân tạo bằng điện năng. Ở những nơi xa vắng, không có điện lưới, nên tận thu quanh năng mặt trời bằng lắp đặt tấm hấp thụ quang điện trên mái để phục vụ chiếu sáng ban đêm cho ngôi nhà.
– Ngoài ra, có thể lắp bộ hội tụ và phản quang ánh nắng trong việc phun đun nước uống, đun nước tắm nóng cho gia đình nhằm tiết kiệm điện.
– Tận dụng gió trời bằng sử dụng quạt hút thông gió tự quay lắp trên đỉnh lồng cầu thang, trên nóc giếng trời hoặc dùng cửa có chớp thông gió tự lùa kết hợp để tiết kiệm, đỡ dùng quạt điện hút, thổi gió và máy điều hòa vào mùa hè.
– Cố gắng tạo ra khoảng trốn không gian ở góc hay giữa nhà, hình thành các lòng hút gió tự nhiên hoặc giếng trời làm cho ngôi nhà thoáng mát hơn, tiết kiệm điện năng cho việc chống bức, bí, ẩm thấp.
– Không nên chạy theo thị hiếu bọc bịt nhôm kính làm cho ngôi nhà hấp thụ nhiệt một chiều, tăng hiệu ứng nhà kính, tốn điện điều hòa một cách lãng phí khi nguồn điện hiện tại trong nước còn thiếu nhiều.
– Tăng cường, thông gió gián tiếp giữa các gian nhà hạn chế tạo gió lùa và gió thổi vào trực tiếp kiểu trực xuyên khi mở cửa thông suốt 2 phía để bảo vệ sức khỏe người cao tuổi, trẻ em và người đau yếu.
– Tăng bề rộng mái hiên, mái vẩy, tấm che (ô văng) phía trên ô cửa để chống hắt mưa hay tụ ẩm đọng ở tường bậu cửa, trên cao hơn (ban công) khi mưa ở nước ta thường có gió lớn đi kèm, tạo vi khí hậu khô ráo cho phòng ở.
– Dự kiến bố trí vị trí đặt các chậu cây xanh, cây cảnh, cây leo..tô điểm cho ngôi nhà thêm mát mắt, thêm lượng oxy của lá tỏa ra, thêm màn che chắn bụi, cản tiếng ồn của tán lá cây, dàn hoa leo tạo ra sinh thái, tăng thêm sức sống cho ngôi nhà nhờ bố trí “ kịch bản bọc phủ xanh hóa” một cách hài hòa từ trong ra ngoài nhà chứ không phải thuần túy treo đặt cây hoa giả.
Tuy nhiên, những giải pháp trên có nhiều người chuyên môn xây dựng đã biết, nhưng chúng tôi cho rằng cần đưa nhanh việc tạo sinh thái vào ngôi nhà ở, dù là nhà vườn hay là nhà ở chung cư, nhà chia lô, nhà hình ống vẫn đều phải nhất quán ở tiêu chí tạo ra môi trường sống tốt nhất.
Môi trường sống có chất lượng của ngôi nhà ở, chính là ở chỗ có biết tận dụng các yếu tố xanh hóa để cây cỏ sống tốt và con người sống tốt trong đó như có đủ ánh sáng mặt trời, thoáng gió tự nhiên hay không.
Thiếu giải pháp thực hiện tiêu chí cơ bản đã nêu thì dù trong đời sống hiện đại với đầy đủ trang thiết bị tiện nghi đắt tiền tốn kém, con người vẫn thấy cô đơn trống vắng thèm khát sinh thái tự nhiên để chia sẻ, giải thoát sự tù túng, bức bí.
Thanh Quang