Những năm gần đây, Đà Nẵng luôn được coi là một hiện tượng, một hình mẫu về phát triển đô thị ở Việt Nam. Có nhiều nhận định cho rằng Đà nẵng là thành phố rất đáng sống. Mới đây, tờ báo danh tiếng của Mỹ – The New York Times công bố danh sách 52 điểm đến hấp dẫn nhất trong năm 2019, trong đó, thành phố Đà Nẵng được xếp ở vị trí thứ 15. Đó là niềm vui, niềm tự hào, là sự khích lệ to lớn đối với những gì mà người Đà Nẵng đã bền bỉ phấn đấu qua quá trình hơn 20 năm phát triển đô thị. Tuy nhiên, dù sao đó là những nhận định của “người ngoài” với ít nhiều thiện cảm dành cho thành phố bên sông Hàn. Với người trong cuộc, chặng đường phát triển ấy cần được nhìn nhận bằng sự khách quan và khoa học để đúc rút những kinh nghiệm quý báu, hướng tới những mục tiêu cao hơn.
Hai mươi năm trước
Trước năm 1997, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng với không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, thiếu động lực kinh tế.
Mang danh là một thành phố biển nhưng cả Đà Nẵng khi ấy chỉ có vài ba bãi tắm. Gần như toàn bộ dải bờ biển chỉ là những xóm chài nghèo, thành phố thực sự quay lưng với biển. Sông Hàn khi ấy đơn giản chỉ là sự ngăn cách bất tiện giữa đôi bờ với những xóm nhà chồ xơ xác phía bờ Đông. Khu vực phát triển nhất của đô thị chỉ chỉ gói gọn trong phạm vi quận Hải Châu và một phần các quận Thanh Khê, Sơn Trà với diện tích chưa đầy 6000 ha. Vốn là vùng đất lửa trong chiến tranh nên Đà Nẵng rất nhiều cơ sở quốc phòng. Đất quốc phòng dàn trải khắp nơi cả trong và ngoài đô thị.
Hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày ấy rất kém, đặc biệt về giao thông. Kết nối hai khu vực Đông, Tây sông Hàn chỉ có hai cây cầu Nguyễn Văn Trỗi (đường bộ), Trần Thị Lý (đường sắt) vốn là các công trình cũ kỹ qua thời chiến tranh. Phương tiện giao thông qua lại phổ biến trên sông Hàn là những chuyến phà. Khả năng cấp nước rất hạn chế, phần lớn các khu vực dân cư còn dùng nước giếng. Công tác vệ sinh môi trường còn ít được quan tâm, bãi rác tự phát ở lẫn với khu vực dân cư. Nếu so với Hải Phòng, đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng khi ấy là con số rất nhỏ.
Qua hơn hai mươi năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến thời điểm trước 1997, sự phát triển của đô thị Đà Nẵng là rất chậm. Hình hài đô thị không khác là bao so với mấy mươi năm trước đó.
Những thành tựu đạt được
Ngày 01 tháng 01 năm 1997, Đà Nẵng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, đánh dấu một giai đoạn đầy triển vọng. Ngay thời điểm ấy, thành phố đã đầu tư nhiều dự án cải tạo đô thị, nâng cấp một số tuyến giao thông huyết mạch, chỉnh trang, cải thiện hạ tầng kỹ thuật cho các khu phố cũ. Những nỗ lực ban đầu tuy chưa nhiều nhưng đã tạo nên một luồn gió mới.
Đô thị Đà Nẵng chỉ thực sự phát triển bùng nổ ở thời điểm đầu những năm 2000 khi có thêm những nền tảng pháp lý và khoa học mang tính chiến lược.
Ngày 17/6/2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 465/QĐ-TTg phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ngày 16/10/2003, Ban Chấp hành trung ương ra Nghị quyết số 33/QĐ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây được coi là những nền tảng vững chắc để tạo đà cho một giai đoạn chuyển mình của đô thị Đà Nẵng.
Nghị quyết số 33/QĐ/TW giao nhiệm vụ xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế – xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính – viễn thông và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm văn hóa – thể thao, giáo dục – đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Đà Nẵng phải phấn đấu để trở thành một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.
Một trong những giải pháp cụ thể có vai trò gỡ nút thắt là giao cho thành phố Đà Nẵng cùng với Bộ Quốc phòng xây dựng các phương án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên các địa bàn chiến lược của thành phố, đặc biệt là khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân; thống nhất xác định cụ thể việc quy hoạch sử dụng khu vực bán đảo Sơn Trà, Hải Vân phục vụ cho phát triển kinh tế văn hóa – du lịch – dịch vụ gắn với quốc phòng – an ninh, trừ một số khu vực có các công trình phòng thủ; có phương án triển khai và giải pháp bảo đảm bí mật cho các công trình quốc phòng.
Cố Bí thư Nguyễn Bá Thanh kiểm tra Đồ án Quy hoạch tại hiện trường
Quyết định số 465/QĐ-TTg về phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2020 xác định: Đà Nẵng là một đô thị trung tâm cấp quốc gia và trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Quy mô dân số đến năm 2020 được dự báo đạt 1.200.000 người, tương ứng với diện tích đô thị khoảng 12.800 ha. Hướng phát triển đô thị là khai thác quỹ đất hiện có chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả và chỉnh trang đô thị để mở rộng thành phố về phía Tây, Tây Bắc, Tây Nam và Đông Nam. Trước mắt ưu tiên phát triển theo hướng Tây Bắc, khu vực giữa quốc lộ 1A và đường Liên Chiểu – Thuận Phước; mở rộng đô thị trên cơ sở xây dựng các đô thị vệ tinh, các thị trấn, trung tâm xã, cụm xã và phát triển kết cấu hạ tầng diện rộng để từng bước hình thành chùm đô thị Đà Nẵng.
Dựa trên những cơ sở mang tính chiến lược đó, thành phố Đà nẵng đã triển khai hàng loạt dự án cùng lúc khiến cả đô thị như một công trường. Hầu như tất cả các khu vực có đất trống trong đô thị đều được triển khai các dự án. Toàn bộ hai dải ven biển phía Đông và Vịnh Đà Nẵng được phủ kín các dự án mới, hình thành các tuyến đường ven biển, các khu đô thị mới, các khu du lịch, nghỉ dưỡng. Các xóm nhà chồ trên sông Hàn với hàng nghìn hộ dân được giải tỏa toàn bộ để hình thành tuyến đường ven sông cùng các khu phố mới. Các cây cầu lần lượt được bắc qua sông. Hàng trăm hec-ta đất quốc phòng tại Hải Vân, Sơn Trà và nhiều vị trí khác trong đô thị cũng được đưa vào mục tiêu phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng. Các khu vực nông thôn cận đô thị được hình thành các khu đô thị mới, khu tái định cư. Các cơ sở kho tàng trong đô thị cũng lần lượt được đưa ra vùng ngoại vi. Những nghĩa trang trong đô thị với hàng trăm nghìn ngôi mộ cũng được giải tỏa, quy tập về các nghĩa trang mới.
Đến nay, diện tích đô thị đã lên tới hơn 20.000 ha, gấp gần 4 lần diện tích cũ. Hệ thống hạ tầng được nâng cấp và phát triển khá đồng bộ. Các khu dân cư mới được quy hoạch khá bài bản. Các khu phố cũ được cải tạo nâng cấp. Các cơ sở kinh tế lớn được định hình rõ nét. Khả năng cung cấp các dịch vụ đô thị ở mức đảm bảo. Bộ mặt kiến trúc đô thị khang trang, có trật tự. Điều kiện vệ sinh môi trường từng bước được cải thiện rõ rệt.
Qua việc triển khai hàng loạt các dự án, thành phố đã thực hiện giải tỏa và bố trí tái định cư lại cho hơn 100 nghìn hộ dân, đồng thời cũng tạo ra được một lượng quỹ đất lớn để khai thác với các mục đích khác nhau.
Công cuộc tái thiết và mở rộng đô thị diễn ra với một quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử phát triển đô thị Đà Nẵng. Đây có thể coi là giai đoạn khai phá, định hình và tạo nền tảng cho các giải đoạn tiếp theo. Qua hơn 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc cả về không gian, chất lượng hạ tầng, kinh tế – xã hội. Sự thay đổi nhanh chóng đó đã biến Đà Nẵng từ vị thế một thành phố trực thuộc tỉnh trở thành một đô thị lớn của miền Trung có nội lực đáng kể. Sự kiện tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC là minh chứng về một đô thị có sự phát triển khá toàn diện về kết cấu hạ tầng.
Những hạn chế, bất cập
Việc phát triển nóng trong thời gian gần 20 năm đã tạo nên một Đà Nẵng tươi mới, đầy sức sống nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những hạn chế hiển hiện trước mắt và tiềm ẩn những hệ lụy trong tương lại.
Sự phát triển quá nhanh và có phần thiếu kiểm soát về quy mô, ranh giới đô thị khiến cho cấu trúc đô thị có phần bất ổn. Nhiều khu vực trước đó được xác định thuộc ngoại vi như các khu công nghiệp, khu xử lý chất thải, nghĩa trang, tuyến đường sắt… nay bị bao vây bởi các khu vực phát triển đô thị mới.
Đô thị phát triển theo xu hướng dàn trải, thấp tầng, sử dụng tỷ lệ lớn đất đai dành cho chức năng ở. So với thời điểm bắt đầu phát triển năm 1997, diện tích đô thị nay đã tăng gần bốn lần, trong khi dân số chỉ tăng chưa đến 2 lần. Điều đó phản ánh hiệu quả sử dụng đất khá thấp. Khu vực trung tâm thành phố có xu hướng ngày càng tăng mật độ cư trú và mật độ xây dựng do sự hình thành các chung cư cao tầng. Khu vực ven đô thị, quá trình đô thị hóa chưa phù hợp với quy luật chuyển đổi cấu trúc từ mô hình nông thôn sang mô hình đô thị mới dẫn đến những bất cập về không gian sống, sinh hoạt và sản xuất cũng như những kết cấu xã hội truyền thống. Quá trình đô thị hóa cũng làm suy giảm bản sắc tự nhiên các khu vực nông thôn.
Việc khai thác quỹ đất không có định hướng rõ ràng dẫn đến tình trạng cạn kiệt nguồn đất dự trữ phát triển, đặc biệt là quỹ đất dành cho các lĩnh vực giáo dục, cây xanh, thể thao, vui chơi giải trí và các phúc lợi xã hội khác. Việc khai thác ồ ạt khoáng sản làm vật liệu san nền tác động nghiêm trọng đến cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái các khu vực đồi núi.
Các khu vực nhạy cảm của đô thị, đặc biệt là bán đảo Sơn Trà chưa có quy hoạch tổng thể và thiết kế đô thị dẫn đến sự lúng túng trong quản lý..
Mặc dù diện mạo đô thị được cải thiện nhiều, thành phố đã trở nên đẹp đẽ, thông thoáng hơn, tuy nhiên Đà Nẵng hiện lại đang thiếu những động lực kinh tế mạnh. Trong khi nông nghiệp bị thu hẹp nhanh chóng thì công nghiệp, dịch vụ chưa tạo được những đột phá đáng kể. Kinh tế đô thị còn khá yếu, tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,55% của cả nước. Điều đó không chỉ là hạn chế của các quy hoạch ngành mà còn là bất cập của quy hoạch đô thị khi không tạo ra được một cấu trúc đô thị có khả năng tạo giá trị gia tăng lớn.
Những hạn chế đó khiến cho Đà Nẵng mặc dù là một thành phố hấp dẫn nhưng chưa thể khẳng định được vai trò đầu tàu cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Tổng quan đô thị bờ Tây sông Hàn
Những yêu cầu mới đang đặt ra
So với những hoạch định trước đây tại đồ án điều chỉnh quy hoạch chung năm 2013, đến nay trong bối cảnh chung của hệ thống đô thị cả nước cũng như những vấn đề nội tại của địa phương, thực tế lại đặt ra những yêu cầu mới, những ý tưởng mới, đó là:
– Điều chỉnh định hướng phát triển đô thị theo các xu thế hiện đại như đô thị xanh, đô thị nén, đô thị phát triển theo tuyến vận tải số lượng lớn. Xây dựng đô thị theo mô hình thành phố thông minh, tiện ích cao, có diện mạo quy hoạch kiến trúc đặc sắc và nhân văn và kết nối toàn cầu.
– Phát triển đô thị trên cơ sở phát huy tối đa mối quan hệ liên kết vùng. Tiếp tục mở rộng không gian và phát triển các khu đô thị mới về hướng Tây theo mô hình đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị hóa có kiểm soát các khu vực nông thôn.
– Phát triển khu trung tâm thành phố theo hướng mô hình đô thị nén nhằm tái thiết đô thị cũ theo hướng hiện đại (tăng chiều cao xây dựng trung bình, giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, hiệu suất sử dụng đất…).
– Xây dựng mô hình đô thị sân bay, lấy sân bay quốc tế Đà Nẵng làm hạt nhân phát triển, kết nối các chuỗi dịch vụ đô thị, tạo nên mộ động lực phát triển mới cho đô thị.
– Trên cơ sở đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, hình thành khu đô thị cảng với quy mô lớn tại phía Bắc thành phố, kết nối với các khu công nghiệp hiện có và sẽ có trong những năm tới.
– Phát triển hệ thống không gian xanh và mặt nước, hệ thống quảng trường và các không gian cộng đồng. Xây dựng hình ảnh đô thị thông thoáng, sinh động và thanh bình, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên.
– Phát triển đô thị trên quan điểm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Chú trọng nghiên cứu về vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng để áp dụng vào quy hoạch đô thị, đặc biệt là việc xác định cao trình các khu vực đô thị và các vùng đệm thoát lũ. Có giải pháp bảo vệ và làm giàu thiên thiên cho các khu vực nông thôn và đồi núi. Quản lý tốt việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, khắc phục và hoàn thổ các khu vực đồi núi đã bị xâm hại.
Tầm nhìn và đối tác
Có thể nói, trong nửa đầu của chặng đường 20 năm phát triển, đô thị Đà Nẵng đã chuyển mình rất tốt việc khai phá, tạo nên bộ khung cơ bản cũng như một lượng quỹ đất đáng kể để tiếp tục phát triển những bước tiếp theo. Tuy nhiên, nửa sau của chặng đường ấy đã thiếu hẳn một kịch bản phát triển đô thị hợp lý, bên cạnh đó là việc khai thác quỹ đất thiếu kiểm soát. Điều đó khiến cho sự phát triển cả về chất lượng đô thị và năng lực kinh tế đều chững lại và hiển hiện nguy cơ tụt hậu so với nhiều địa phương khác. Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng đã nhìn rõ vấn đề và quyết tâm chỉnh hướng kịp thời về chính sách phát triển đô thị với một tầm nhìn chiến lược dài lâu.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là vô cùng đúng lúc. Nghị quyết đã khẳng định sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, song còn nhiều hạn chế, yếu kém. Đà Nẵng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Về tầm nhìn, Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 là xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; là một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, khoa học – công nghệ phát triển của đất nước. Đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á.
Để cụ thể hóa tầm nhìn đột phá về phát triển đô thị, hiện nay Đà Nẵng đang xúc tiến việc triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về mô hình phát triển, những năm gần đây Đà Nẵng luôn hướng tới hình mẫu Singapore. Đây là một một quốc gia, một đô thị có những nét tương đồng với Đà Nẵng về các yếu tố tự nhiên, quy mô phát triển, cũng đồng thời là một mẫu hình thành công về phát triển đô thị trên thế giới. Không những thế giữa Đà Nẵng và Singapore vốn đã có mối quan hệ mật thiết trên nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Được sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng được lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch chung. Qua một thời gian dài tìm hiểu và đàm phán, Đà Nẵng đã chọn liên danh Công ty Sakae Corporate Advisory và Công ty tư vấn Surbana Jurong để thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.
Tọa đàm mùa Xuân có sự góp mặt của 500 đại biểu đến từ nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư lớn trong nước và quốc tế.
Kỳ vọng và trách nhiệm
Đà Nẵng là đô thị trẻ, có lợi thế rất lớn về điều kiện tự nhiên và tính kết nối hạ tầng đầu mối trong mạng lưới đô thị quốc gia. Qua hơn 20 năm phát triển, Đà Nẵng đã trải nghiệm và đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm cả về thành công lẫn vấp váp. Với tất cả những nỗ lực vươn lên, Đà Nẵng luôn được các cấp lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ tin tưởng, hỗ trợ. Không những thế, Đà Nẵng còn có một nền tảng hết sức vững chắc đó chính là sức mạnh của lòng dân. Dù qua bao thăng trầm trong bước đường phát triển đô thị, người dân Đà Nẵng luôn thể hiện sự tin tưởng vào lãnh đạo. Đó là lợi thể tưởng như vô hình nhưng có tính quyết định để tạo nên một tinh thần lạc quan, một ý chí mạnh mẽ và đức hy sinh, cống hiến.
Nghị quyết 43-NQ/TW đã mở ra một tầm nhìn mới cùng với những chính sách vượt trội để Đà Nẵng có cơ hội lớn vươn ra biển rộng. Hơn lúc nào hết, Đà Nẵng cần nắm chắc và phát huy tối đa cơ hội đó. Tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải đặt mình vào một tâm thế tích cực nhất để sẵn sàng cho sự chuyển mình mạnh mẽ. Một trong những tiền đề cho mọi sự chuyển mình đó chính là bản điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mọi tư duy và khát vọng vươn tầm châu lục phải được thể hiện trên từng nét vẽ của bản quy hoạch đó. Một đồ án xứng tầm sẽ là một bệ phóng vững chắc cho phát triển đô thị nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung. Ngược lại, một đồ án tồi có thể sẽ phá hỏng cả một cơ đồ.
Đà Nẵng đã chọn được tư vấn quy hoạch và thiết kế chiến lược từ đối tác tin cậy là Singapore. Kinh nghiệm, uy tín của tư vấn là không phải bàn cãi, tuy nhiên sự thành công phải đến từ nhiều phía. Tư vấn quốc tế phải chuyển hóa những giá trị, những kiến thức tiên tiến nhất về phát triển đô thị của thời đại 4.0 vào điều kiện thực tiễn của Đà Nẵng. Để hỗ trợ cho đơn vị tư vấn quốc tế, tất cả các cấp, ngành của địa phương, các chuyên gia, các tổ chức phản biện xã hội cần phải chung tay, góp sức, phát huy trí tuệ để có được một sản phẩm quy hoạch thành công nhất.
Chặng đường 20 năm phát triển đô thị cùng với những thành công, những vấp váp, những tự hào và cả những đau xót đã tôi rèn cho người Đà Nẵng cứng cỏi hơn, bản lĩnh hơn. Đà Nẵng sẽ tiếp tục đi lên bằng chính nghị lực của mình để chinh phục những bước đường đầy thử thách, hướng tới những mục tiêu cao hơn, xa hơn.
KTS BÙI HUY TRÍ
(Đô thị & Phát triển số 78-79/2019)