Nhiều năm qua, tại nhiều cuộc hội thảo, Đà Nẵng đã không ít lần đề xuất các giải pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông (TNGT)… Trong đó, “ Giải pháp giao thông thông minh” là một dự án được thể nghiệm kéo dài 7 tháng (bắt đầu từ tháng 10/2012 và kết thúc trước ngày 30/6/2013). Hiện thành phố đang tiến hành phê duyệt hồ sơ Dự án đầu tư xây dựng Hệ thống giám sát điều khiển giao thông thông minh tại thành phố và tiếp tục nghiên cứu đến những giải pháp ứng dụng vào thực tế. Đây không chỉ là nhiệm vụ của Ban An toàn giao thông (ATGT) mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và cả mọi tầng lớp nhân dân TP. Đà Nẵng.
Theo thống kê của Ban ATGT TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2018 (từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/6/2018), trên địa bàn xảy ra 42 vụ TNGT, làm chết 29 người, bị thương 32 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 9 vụ (42/51), tăng 1 người chết (29/28), giảm 0 người bị thương (32/35). TNGT liên quan đến trẻ em xảy ra 2 vụ, chết 1 người, bị thương 2 người. So với cùng kỳ năm 2017, giảm 2 vụ (2/4), giảm 2 người chết (1/3), số người bị thương không tăng không giảm (2/2).
Báo cáo Phòng CSGT Công an thành phố Đà Nẵng cho biết: lực lượng CSGT đã xử lý vi phạm trật tự ATGT: Phát hiện 6.778 trường hợp, lập biên bản 6.124 trường hợp. Ra quyết định xử phạt 5.997 trường hợp, tạm giữ 541 phương tiện. Tước quyền sử dụng GPLX 942 trường hợp. Trong đó, xử lý qua hệ thống camera giám sát; phát hiện 1.353 trường hợp vi phạm; lập biên bản sau khi gửi thông báo vi phạm 699 trường hợp.
Như vậy, so với các năm về trước, năm nay kết quả đạt được những tiến triển nhất định. Theo ông Lê Văn Trung – Phó Trưởng Ban thường trực Ban ATGT – Sở GTVT thành phố Đà Nẵng, trong năm 2017, các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn, đặc biệt là nút giao thông phía Tây cầu sông Hàn; công trình cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường phục vụ tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đều được Sở GTVT tập trung theo dõi, giám sát, đôn đốc tiến độ và kiểm tra chặt chẽ về chất cũng như số lượng trong thi công. Trong thời gian qua, UBND thành phố có văn bản số 3911/UBND-QLĐTh ngày 28/5/2018 về việc xử lý liên quan đến phản ánh của báo chí, người dân; Trong đó, Chủ tịch UBND TP giao Công an TP chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng hoạt động của xe tải, xe ben gây ô nhiễm môi trường, mất ATGT; đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết hoạt động xe dù, xe chạy chậm, trả khách không đúng quy định trước Bến xe Trung tâm thành phố.
Tuy nhiên, về mặt khách quan, để đáp ứng yêu cầu tiến đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố văn hiện đại, một điểm đến thu hút khách du lịch trọng điểm của miền Trung, chúng ta thấy công tác ATGT của thành phố còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đạt được giải pháp bền vững lâu dài. Trong đó, một số vấn đề cần lưu ý nhiều hơn, đặc biệt là việc giải bài toán giao thông bằng các ứng dụng Thông minh của Công nghệ thông tin và Truyền thông.
1. Biển báo Điều khiển giao thông chưa hợp lý
Theo thống kê, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có 147 nút tín hiệu ĐKGT, trong đó có 49 nút bố trí biển báo “đèn đỏ được phép rẽ phải” nhằm giải phóng một lượng lớn phương tiện giao thông có nhu cầu rẽ phải. Tuy nhiên, tại các nút giao thông có biển báo này, đặc biệt ở địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà, Thanh Khê, Liên Chiểu đều bị các phương tiện xe máy dừng tín hiệu giao thông “cản lối”. Qua tìm hiểu thực tế, một công dân nêu ý kiến điển hình: “Mỗi lần tôi điều khiển xe máy từ đường Trần Phú rẽ phải qua Quang Trung khi có đèn đỏ đều bị “dính” lại mặc dù ở đây đã có biển “đèn đỏ được phép rẽ phải”, nhất là vào giờ tan tầm. Có khi tôi phải len lỏi, khó khăn lắm mới qua được, còn không thì phải chờ hết đèn đỏ mới “thông” đường để rẽ phải. Tôi thấy tình trạng này xảy ra ở hầu hết các nút tín hiệu ĐKGT có biển “đèn đỏ được rẽ phải”… Đứng chờ đã bức bối cộng thêm xe phía sau thì cứ bấm còi inh ỏi, luồn lách lên phía trước để rẽ phải nên rất khó chịu”.
Như vậy bên cạnh một số vấn đề vướng mắc khác, đây là một trong những vấn đề nằm trong câu chuyện “giải pháp giao thông thông minh” mà trước kia Trung tâm ITS-HITACHI từng đề xuất Giải pháp camera đếm lưu lượng giao thông và phát hiện bất thường trên đường. Dựa trên hiện trạng giao thông, camera sẽ đếm lưu lượng, đo vận tốc (xe máy lẫn ôtô) ; các hiện tượng như xe dừng đỗ bất thường, xe bị hỏng hóc, trục trặc, ùn tắc do sự cố, độ dài dòng xe đến điểm kết thúc ùn… Các dữ liệu này được gửi về Trung tâm để cảnh báo; Trung tâm sẽ thông tin ngay để hỗ trợ các lái xe đang điều khiển phương tiện để hỗ trợ. Song đến nay chưa thấy có những báo cáo đánh giá cụ thể.
2. Bổ sung quy định về cấm đỗ xe ngày chẵn
Kể từ ngày 01/6/2018, Đà Nẵng đã có kế hoạch bổ sung quy định về cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ. Theo đó, thống nhất theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải tại Công văn số 1579/SGTVT-QLKCH, cụ thể:
1. Cấm đỗ xe ngày chẵn, ngày lẻ 10 tuyến đường trên địa bàn quận Hải Châu và quận Ngũ Hành Sơn gồm:Lý Thường Kiệt, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Châu Thị Vĩnh Tế, Lê Quang Đạo, Trần Bạch Đằng, Ngô Thì Sỹ, Hoàng Kế Viêm, An Thượng 2 và An Thượng 3; bắt đầu thực hiện, triển khai công tác tuyên truyền từ ngày 01/6/2018 và xử lý vi phạm từ ngày 01/7/2018.
2. Cấm đỗ xe giờ cao điểm (06h30-08h00 và 16h30-18h30) trong khoảng cách 30m trước và sau nút tại nút giao Nguyễn Thị Minh Khai – Quang Trung và Nguyễn Thị Minh Khai – Lê Duẩn.
Tuy nhiên, kế hoạch này chưa thực hiện triệt để. Đề nghị sau một thời gian nhất định, cần có sự đánh giá và phát huy trên một số tuyến trọng điểm khác.
3. Nhiệm vụ về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em
Ngày 5.9, tại buổi Lễ khai giảng năm học 2018 – 2019 trường tiểu học Phù Đổng, TP Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã đến dự. Dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trao tặng mũ bảo hiểm cho các cháu học sinh lớp 1 của Trường tiểu học Phù Đổng với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” do Bộ GDĐT, Ủy ban ATGT Quốc gia và Công ty Honda Việt Nam thực hiện. Bên cạnh đó, ông đã lưu ý, an toàn giao thông là bài học đầu tiên của các em khi bắt đầu đến trường. Cụ thể, 4 nhiệm vụ về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ em được ông nhấn mạnh bao gồm: Đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; Chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông; Tham gia sử dụng dịch vụ xe buýt công cộng và Xây dựng văn hoá giao thông trong thế hệ trẻ.
Mới đây, tại công văn số 245/CV- BATTTGT , ngày 15/10/2018 về việc tăng cường công tác bảo đảm TTATGT của Ban ATGT thành phố Đà Nẵng cũng đã lưu ý về trường hợp: hiện nay nhiều trẻ em và khách du lịch thường dùng “xe điện trượt ván scooter”, xe điện cân bằng hay những đồ chơi gắn động cơ điện tương tự, lưu thông với tốc độ tối đa 20km/giờ trên các tuyến đường nội thị, gây nhiều tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
4. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè và lòng đường
Điều dễ dàng nhận thấy nhiều nhất về sự khiếm khuyết TTATGT tại thành phố Đà Nẵng, đó là vấn nạn vỉa hè bị chiếm dụng. Tệ trạng này không những gây mất an toàn cho khách bộ hành mà còn dẫn đến ùn tắt lưu thông trên lòng đường. Điển hình nhất là vỉa hè và lòng đường ở các đường trung tâm Phan Châu Trinh, Trần Phú, Hoàng Diệu (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu)…, khu vực ngã tư chợ Cồn, cả vỉa hè phía đường Hùng Vương (thuộc phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) lẫn phía đường Ông Ích Khiêm (thuộc phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê), tình trạng này tồn tại từ rất lâu nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, ở đoạn ngã tư Yên Bái – Trần Quốc Toản và ngã tư Hải Phòng – Nguyễn Thị Minh Khai thường bị ách tắt giao thông do các xe 49 chỗ ngồi mỗi khi chở khách ra vào Nhà thờ lớn, hoặc thánh thất Cao Đài trên đường Hải Phòng đưa khách du lịch đến tham quan.
Mặt khác, nhiều người cho rằng có số lề đường bị điều chỉnh chắp vá tùy tiện cũng dẫn đến mất ATGT. Cụ thể, theo như quan sát qua camera, thỉnh thoảng có những khách bộ hành bị té do trượt chân vì đi dép không có độ ma sát do vô tình bước lên chỗ lề đường. Tình trạng người dân lại tô thêm xi măng để cho xe dễ lên lề cũng nhiều nữa; Tình trạng xe vô tình leo lên lề đường cũng thường xuyên xảy ra…
5. Một số ý kiến đóng góp đề xuất
Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi xin phản ảnh một số đề xuất (tổng hợp ý kiến công dân phản ánh trực tiếp hoặc các trang facebook).
1. Tập thói quen đi bộ: Tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng thấy rất ít người đi bộ, chỉ một đoạn ngắn vài chục mét cũng đi xe. Lý do thì nhiều, nhưng tập trung lại có 3 lý do sau :
– Thói quen lười đi bộ, thường được biện bạch là không có thời gian
Giải pháp: Tuyên truyền vận động.
– Không có không gian cho người đi bộ, vỉa hè bị lấn chiếm. Người đi bộ phải đi xuống lòng đường hoặc trèo qua các chướng ngại.
Giải pháp: Giải phóng các vỉa hè, phải làm quyết liệt không được nơi làm nơi bỏ. Có thể làm từ từ bằng cách giải phóng trên mỗi vỉa hè có ít nhất chiều rộng 1,5m và chiều cao 2,5m cho người đi bộ (Không có chướng ngại như cây cối, trụ điện …). Sau đó có thể mở rộng lên và chia vỉa hè làm 2 làn đi bộ và xe đạp (như một số nước khác).
2. Hạn chế phương tiện cá nhân: Hầu như tất cả các nước đều hạn chế phương tiện cá nhân vào trung tâm thành phố bằng các loại phí, càng vào sâu phí càng cao. Vì không có hạ tấng nào đáp ứng được mọi yêu cầu di chuyển và đậu đỗ cho người dân bằng phương tiện cá nhân.
Giải pháp:
– Xe máy: Có lộ trình cấm hẳn xe máy. Ví dụ như loại bỏ các xe có niên hạn trên 20 năm, dừng đăng ký xe máy, cấm xe máy tại một số tuyến đường…
– Xe ôtô: Tăng phí đậu đổ tại trung tâm thành phố, cấm ô tô tại một số tuyến đường, cấm sử dụng còi hơi trong thành phố…
– Song song với đó cần phát triển nhanh các phương tiện công cộng.
3. Pháp trị: Xử lý nghiêm tất cả các hành vi vi phạm., để tất cả người dân tuân thủ đúng pháp luật khi tham gia giao thông.
– Lắp camera trên tất cả dường phố và vỉa hè, tăng cường phạt nguội tất cả các phương tiện, con người vi phạm.
– Khuyến khích người dân cung cấp các bằng chứng vi phạm.
– Tăng tiền phạt cũng như các biện pháp hành chính.
Được biết, ngày 26/7/2018 Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã chủ trì, phối hợp đại diện thành phố Yokohama và các chuyên gia tư vấn Nhật Bản tổ chức buổi thảo luận chủ đề: Giao thông đô thị (giao thông công cộng) trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đô thị thành phố lần thứ 8. Tại buổi thảo luận, các chuyên gia Hiệp hội Quy hoạch Giao thông Nhật Bản báo cáo đề xuất loại hình giao thông công cộng tự động (Automatic Guideway Transit-AGT) và khả năng nghiên cứu áp dụng tại thành phố Đà Nẵng. Chúng ta hy vọng thời gian tới, Ban ATGT thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với các phòng chuyên môn thuộc Sở GTVT hoàn thành dự thảo Chỉ thị của UBND thành phố về công tác bảo đảm trật tự ATGT trong hoạt động vận tải đường bộ đến năm 2020, trong đó cần cải tiến, phát triển nhiều hơn nữa các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn./.
Trần Trung Sáng
(Kỷ yếu Hội thảo “Giải pháp nào cho giao thông thông minh Đà Nẵng”)