I. Những mặt được của công tác quy hoạch phát triển đô thị :
Trong quá trình phát triển đô thị thành phố đã chú trọng các vấn đề bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan đô thị như:
- Đã giải toả gần 120 nghìn hộ dân trong đó có khoảng 40 % hộ đi hẵn đáp ứng chỗ ở mới an toàn hơn, khang trang hơn và tạo điều kiện cho các hộ ở lại chỉnh trang và tạo ra được một quỹ đất lớn cần thiết phục vụ cho cầu phát triển chỉnh trang đô thị.
- Đã di chuyển gần như toàn bộ các cơ sở sản xuất kho tàng nguy hại đến môi trường, cảnh quan đô thị ra khỏi khu dân dụng chuyển về tập trung tại các khu công nghiệp kho tàng theo quy hoạch bao gồm: Các nhà máy cơ khí, cao su, luyện thép, đóng tàu, nhà máy bia, các nhà máy chế biến thuỷ sản, chế biến gỗ, hệ thống cảng ven sông Hàn, bãi than, hệ thống các kho xăng dầu, kho gas, cùng với việc giải tỏa hàng nghìn hộ nhà chồ bên bờ Đông sông Hàn ..vv. Đã sử dụng các khu vực đất giải tỏa đó vào mục đích quy hoạch, đặc biệt đã tạo cảnh quan đô thị cho 2 bờ sông Hàn.
- Quy hoạch và xây dựng các nghĩa trang mới có quy mô lớn nhằm giải quyết nhu cầu mai táng và đặc biệt để di chuyển và cải táng hàng trăm nghìn mồ mả nằm trong các khu quy hoạch và các mồ mả nằm rải rác trong khu vực dân cư đông đúc ở các quận trung tâm bảo đảm yêu cầu vệ sinh môi trường trong khu dân cư đồng thời đã giải phóng được hàng trăm ha đất sử dụng vào mục đích phát triển đô thị.
- Phát triển mạnh nhà ở chung cư trong 10 năm qua đã xây dựng được 10.000 căn hộ chung cư giải quyết chỗ ở an toàn và tạo môi trường ở tốt hơn trong đô thị.
- Nhận chuyển giao hằng trăm ha đất quốc phòng nguyên là kho tàng bến bãi của quân sự vào mục đích phát triển đô thị.
- Xây dựng các trục đường ven biển, ven vịnh Đà Nẵng tạo cảnh quan và thu hút đầu tư du lịch từ chỗ thành phố quay lưng ra biển, ra sông đô thị đã chuyển mình hướng ra biển, ra sông khai thác các thế lợi và cảnh quan sông biển.
- Xây dựng mới và cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông đô thị khá hoàn chỉnh đồng thời kéo theo sự phát triển đồng bộ các hạ tầng kỹ thuật đô thị khác tạo sự phát trển bền vững và đồng bộ hạ tầng kỹ thuất đô thị.
- Xây dựng hệ thống thu gom nước thải và trạm xử lý hạn chế việc nước thải chưa qua xử lý trực tiếp đổ ra sông, biển. Hình thành hệ thống thu gom rác và bãi xử lý rác hợp vệ sinh.
- Về kiến trúc đô thị bước đầu đã hình thành các trục đường phố, các khu vực dân cư khác nhau có dấu ấn kiến trúc mang tính hiện đại không rườm rà, lai căng, lòe loẹt, không để tạo ra các nhà siêu mỏng, siêu gầy khi giải tỏa đền bù như đã tự phát ở một số đông đô thị của Việt Nam.
Nhìn chung trong quá trình phát triển đô thị của Đà Nẵng 20 năm qua về cơ bản đã chuyển mình phát triển đô thị theo hướng hiện đại bền vững.
II. Những tồn tại bất cập trong công tác quy hoạch và phát triển đô thị:
- Hơn 15 năm qua là thời điểm đô thị Đà Nẵng phát triển nhanh, theo quy định cứ 5 năm quy hoạch chung được xem xét phê duyệt điều chỉnh, tuy nhiên từ năm 2002 đến cuối năm 2013 tức là sau 11 năm thì đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng mới được phê duyệt điều chỉnh.
Như vậy việc phát triển đô thị trong một thời gian dài từ 2007 đến 2013 vẫn chỉ căn cứ vào quy hoạch chung được duyệt từ năm 2002 mà không có sự xem xét điều chỉnh phê duyệt quy hoạch chung theo đúng định kỳ, trong khi đó công tác lập quy chi tiết giai đoạn này lại rất lớn lên tới hàng vài nghàn ha.
Như vậy giai đoạn này công tác lập quy hoạch đã không chú trọng đến công tác nghiên cứu định hướng quy hoạch chung và định hướng về quy hoạch chuyên nghành hạ tầng kỹ thuật đô thị. Chưa thật gắn kết với sự phát triển đô thị theo hướng bền vững và xem xét đến yếu tố biến đổi khí hậu .
Ví dụ như việc phát triển mở rộng khu đô thị về phía Hoà Xuân, Hoà Quý, một phần Hòa Châu lên tới vài nghìn ha, tuy là nơi có sức hấp dẫn phát triển đô thị nhưng lại có địa hình thấp trũng nằm ở thượng nguồn chứa và thoát lũ của thành phố nhưng đồ án lúc đó đã chưa xem xét đến các yếu tố biến đổi khí hậu gia tăng, chưa xem xét thấu đáo các yêu cầu thoát lũ và dành thích đáng quỹ đất cho hành lang thoát lũ.
Mặt khác công tác lập quy hoạch tại đây cũng rất ít chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững của đô thị đã dành rất ít các không gian cần thiết mang tính sinh thái có chức năng chứa nước và thông thoáng cho khu vực trũng thấp này.
- Do chú trọng công tác tái định cư nên trong một thời gian dài thành phố đã phát triển đã có một lượng quỹ đất ở rất lớn, tình trạng đất ở để trống, dôi thừa không sử dụng xây dựng đang còn xảy ra rất phổ biến mọi khu dân cư quy hoạch. Mặt khác do áp lực bố trí tái định cư lúc bấy giờ nên đồ án quy hoạch chủ yếu chia lô đất ở nhỏ diện tích 100m2 trở xuống, các cơ cấu thành phần chức năng khác phục vụ cho nhu cầu phúc lợi công cộng như: Hệ thống cây xanh, quỹ đất cho các công trình dịch vụ đô thị, quỹ đất cho hạ tầng kỹ thuật đô thị, quỹ đất dành cho các công trình cao tầng tạo điểm nhấn cho khu vực dân cư ..vv..rất hạn chế chưa đảm bảo quy chuẩn và sự phát triển bền vững của đô thị.
- Trong những năm qua chúng ta đã xây dựng được các công trình mang tính lịch sử cho phát triển Đà Nẵng như các trục đường ven biển, ven vịnh Đà Nẵng, các tuyến đường ven Sông Hàn..vv.. khai thác và tạo ấn tượng về cảnh quan cho các khu vực trên.Tuy nhiên cần xem xét một số điểm sau:
Dải đất ven biển từ đường Hồ Xuân Hương đến Hòa Hải đã giao gần như hết cho các nhà đầu tư chỉ còn lại 3 bãi tắm có chiều rộng ra biển rất nhỏ hẹp, đã làm hạn chế rất lớn không gian phát triển hướng biển của cả khu vực đô thị rộng lớn hàng nghìn ha thuộc quận Ngũ Hành Sơn nằm phía trong không thể hướng ra biển nên không đủ điều kiện tạo thế lợi của biển để phát triển đô thị, làm giảm rất lớn giá trị đô thị tại khu vực này.
Thực tế cho thấy các khu vực ven biển, ven vịnh ở các quận Sơn Trà, Thanh Khê và Liên Chiểu khi đã được hướng trực tiếp ra biển đã có đà bứt phá phát triển vượt bậc.
Hai bên bờ sông Hàn nơi có các khu vực có cảnh quan đặc biệt đã không được sử dụng nhiều cho công cộng mà rất tiếc đã dành quá nhiều cho các nhà đầu tư chủ yếu xây dựng các khu dân cư dạng chia lô làm giảm đi giá trị cảnh quan chung của sông Hàn.
4.Tình trạng nhiều khu đất đã giao cho nhà đầu tư cả hơn chục năm không xây dựng hoặc xây dựng dở dang nằm ven biển, ven sông, đặc biệt tại khu vực trung tâm thành phố nơi rất nhạy cảm về mỹ quan đô thị như khu vực nhà hát Trưng Vương, nhưng chưa có giải pháp xử lý phù hợp.
- Tình trạng sử dụng đất do quốc phòng quản lý để xây dựng các công trình dân sinh như: Nhà hàng, tiệc cưới, sân bóng đá, khách sạn, kho tàng dân sự, các cơ sở sản xuất …vv.. xảy ra khá phổ biến chưa có sự phối hợp quản lý phù hợp với quy hoạch đô thị.
III. Các giải pháp cần xem xét cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị
- Việc điều chỉnh quy hoạch chung là cần thiết vì cũng đã đến thời hạn quy định và để có cơ sở định hướng cho các quy hoạch tiếp sau.
- Xem xét điều chỉnh, bổ sung những khuyếm khuyết của các đồ án quy hoạch, các khu dự án đã và đang thực hiện theo hướng xem xét điều chỉnh tăng thêm quỹ đất dành cho cây xanh, hành lang thoát nước, thoát lũ tăng quỹ đất dịch vụ công cộng, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khác, giảm quỹ đất ở chia lô nhỏ tăng cường nhà ở cao tầng, nhà vườn theo hướng phát triển đô thị bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Đồng thời xem xét việc không tiếp tục quy hoạch các khu dân cư theo kiểu chia lô đất nhỏ như đang xảy ra tràn lan. Kiên quyết không xem xét điều chỉnh quy hoạch theo hướng giảm bớt quỹ đất phúc lợi tăng thêm quỹ đất kinh doanh, thương mại theo nguyện vọng của các nhà đầu tư có tính lợi ích nhóm.
- Cần xem xét điều chỉnh quy hoạch khu vực đô thị phía Nam sân bay Nước Mặn theo hướng xem xét thu hồi lại đất của các nhà đầu tư ven biển để lâu không xây dựng của khu vực này sắp xếp quy hoạch lại để tạo không gian hướng biển gắn kết đô thị Ngũ Hành Sơn được trực tiếp hướng mặt ra với biển.
- Xử lý các khu đất trống các công trình xây nham nhở, dở dang đặc biệt nằm trong khu vực trung tâm thành phố và tại các khu vực có cảnh quan quan trọng khác tồn tại hàng chục năm nay làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan đô thị.
- Tại các khu dân cư hiện trạng có quy mô hàng nghìn ha, nằm trong các khu vực quận trung tâm như: Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà mật độ ở rất cao nhà cửa lụp xụp dạng “ổ chuột”. Chúng ta đã đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống giao thông kiệt hẻm và các hạ tầng kèm theo cho các khu vực dân cư này, đã giải tỏa di chuyển mồ mả nằm xen trong các khu dân cư này để tạo thêm được sự thông thoáng. Tuy nhiên từng đó vẫn chưa thể đủ đáp ứng được tiêu chuẩn cho một khu dân cư đô thị phát triển theo hướng bền vững.
Cần xem xét các giải pháp cơ bản hơn để cải tạo nâng cấp các khu vực dân cư trên nhằm tăng cường các khu vực thông thoáng như: Cây xanh , bố trí thêm các công trình phúc lợi, xem xét mở rộng các tuyến kiệt chính để cải thiện giải thoát giao thông khu vực ..vv..
Về định hướng lâu dài nên xem xét theo hướng xây dựng các khu chung cư tại chỗ hoặc tại khu vực khác để từng bước giảm mật độ ở tại các khu vực dân cư trên. Phấn đấu định hướng đến năm 2030 sẽ cải tạo được một số khu vực dân cư này theo hướng đô thị bền vững .
- Tiếp tục đề nghị chuyển giao đất quốc phòng để phát triển đô thị theo quy hoạch đặc biệt là những khu vực đất thực sự và thực tế đã không sử dụng vào mục đích quốc phòng mà đã xây dựng nhà hàng , khách sạn, cơ sở sản xuất, kho tàng dân dụng..vv..
Có cơ chế phối hợp việc quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng trên đất quốc phòng phù hợp với quy hoạch đô thị.
- Về kiến trúc đô thị: Đã làm khá tốt như phân tích trên tuy nhiên vẫn còn những bất cập như : Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất của công trình còn bất cập. Nhiều khu vực tập trung quá dầy đặc công trình dịch vụ cao tầng, thậm chí ở một số nơi như: khu vực ven biển có tuyến đường chỉ dài 500m đã có tới 50 khách sạn cao tầng.
Việc nén công trình quá lớn cũng sẽ vượt quá mức chịu tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị khu vực, ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị ..vv..
Do vậy nghiên cứu quy hoạch chung lần này cũng cần xem xét nghiên cứu thiết kế đô thị mang tính tổng thể là định hướng cho các thiết kế đô thị khu vực và là cơ sở cho việc ban hành quy định quản lý kiến trúc đô thị cho thành phố và cho từng khu vực đô thị.
- Về hạ tầng kỹ thuật đô thị: Cần có định hướng, lộ trình và các giải pháp kèm theo để đến năm 2030 cơ bản hình thành hệ thống giao thông công cộng đô thị và giảm rõ rệt các phương tiện giao thông hai bánh.
KS. Huỳnh Việt Thành
BanTư vấn phản biện
Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật TP. Đà Nẵng