- Đặt vấn đề
Lập quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị là những khái niệm đã có từ rất lâu. Lịch sử xã hội và yêu cầu cuộc sống đã làm cho chúng ta vừa hiểu theo cách mở rộng khái niệm đồng thời vừa đặt khái niệm vào môi trường tác nghiệp thực tiễn của chúng ta. Khi hiểu, chúng ta đặt nhóm khái niệm này trong hệ thống lý luận về quy hoạch đô thị. Chẳng hạn, lập quy hoạch đô thị bao hàm hoạt động kiểm soát, tổ chức môi trường sống đô thị, thực hành luật, quy định kiểm soát phát triển; xây dựng, vận hành bộ máy quản lý đô thị; đề ra các tiêu chí, lập và phê duyệt quy hoạch; thực hiện các chương trình đầu tư phát triển đô thị; nghiên cứu đô thị; đào tạo bộ máy nhân lực; trao đổi tranh luận về các vấn đề đô thị, v.v… Khi thực hiện, chúng ta có tính đến những lĩnh vực vừa nêu nhưng không phải luôn chạm đến toàn bộ; bởi lẽ, rất hiếm khi chúng ta có cơ hội lập quy hoạch cho một đô thị hoàn toàn mới, mà chúng ta chỉ lập, thực hiện và quản lý trên nền một đô thị có sẵn. Chuyên đề lớn mà Hội thảo đặt ra là hướng tới sự phát triển đô thị bền vững và đánh giá lại một quá trình hoạt động với những gì làm được, chưa làm được và định hướng cho những năm kế tiếp. Trên tinh thần đó, bài viết tự giới hạn từ góc nhìn của thành phố Đà Nẵng với một số Ý kiến và đề xuất trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị Đà Nẵng với nhóm nội dung: Về lý luận, xây dựng nhịp cầu tương thích giữa lý luận và thực tiễn trong quy hoạch đô thị Đà Nẵng. Về mặt thực tiễn, đặc điểm và giá trị của Đà Nẵng từ quá khứ, hiện tại và nhìn về tương lai. Kết luận. Trong khuôn khổ một bài viết nêu ý kiến, nên tác giả không đi sâu phân tích, mà chỉ xin đưa ra những nhận định mang tính lý luận, thực tiễn cũng như từ nhận thức và kinh nghiệm của bản thân đã học hỏi, nghiên cứu và tác nghiệp ngay trên mảnh đất này.
- Nhịp cầu tương thích
2.1. Lý luận lập quy hoạch đô thị hiện đại đa phần đã thống nhất hai khả năng hoặc lập quy hoạch đô thị gồm khoảng một triệu dân hoặc khoảng từ một triệu đến 50 triệu tính theo tốc độ và thời gian phát triển. Cả hai khả năng này đều phải nằm trong tầm nhìn 50 năm (Severino: New Ideas in City Design: online: 03 Aug 2010). Điều này thật lý tưởng cho thành phố Đà Nẵng, hiện nay đã gần một triệu cư dân. Vấn đề quy hoạch bổ sung là: nhìn lại hiện trạng quy hoạch và thực tiễn phát triển, quy hoạch đã được phê duyệt, từ đó điều chỉnh quy hoạch cho hiện tại và đặt nền móng cho một Đà Nẵng tương lai. Hiện nay, chúng ta mở quỹ đất ồ ạt, đến nỗi chiếm mất rồi để trống đất dự trữ, “đất” nông – lâm – ngư nghiệp. Ngược lại, trung tâm đô thị vẫn ngày càng “nghẹt thở” với sự mọc lên các khu chung cư, khách sạn cao tầng. Một trong những nguyên tắc lập quy hoạch theo hướng mở rộng đô thị là làm sao tận dụng không gian kiến trúc đa chức năng, tiết kiệm năng lượng di chuyển, nhưng vẫn đảm bảo các vùng đô thị hóa đầy đủ hệ thống tiêu chí đô thị, trong đó có tiêu chí bền vững. Bởi lẽ, tiêu chí bền vững không được xác lập và tuân thủ nghiêm ngặt thì đừng nói gì đến tương lai tốt đẹp.
2.2. Nhận thức quy hoạch đô thị không những chỉ giới hạn ở một địa phương, khu vực, quốc gia mà cần có nhận thức toàn cầu (Thomas L. Saaty, Mujgan Sagir: Global awareness, future city design and decision making, 2012). Đà Nẵng nổi lên như một thành phố năng động giữa hai đầu đất nước và miền Trung – Tây nguyên. Đà Nẵng có đường bộ, đường biển, và đường không quốc tế kết nối với các nước trong khu vực và cả thế giới. Vì vậy tính nội địa hóa để vừa giữ bản sắc vừa tránh rủi ro phòng khi thế giới chao đảo là vô cùng cần thiết. Chẳng hạn, tối ưu hóa không gian kiến trúc cảnh quan hai bờ sông Hàn Đà Nẵng, trong đó, tiêu chí văn hóa – lịch sử như giữ gìn, tôn tạo thành Điện Hải,… nhất thiết phải thực hiện nghiêm túc. Mặt khác, tính quốc tế hóa để thúc đẩy hội nhập và bắt kịp tiến bộ của nhân loại, trong đó có ứng dụng khoa học công nghệ là mang tính bắt buộc trong quy hoạch Đà Nẵng. Chẳng hạn, quy hoạch thành phố điện tử, thành phố thông minh…
2.3. Các khái niệm đô thị sinh thái, thành phố sự kiện (eventful city), thành phố du lịch, thành phố thương mại, thành phố công nghiệp, thành phố kinh tế biểu trưng (symbolic economy), thành phố văn hóa… là những khái niệm có khi gần gũi về nội hàm, có khi lại mâu thuẫn gay gắt. Trong lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch, những khái niệm này cần được nghiên cứu thấu đáo, chọn lựa ưu tiên, thứ bậc, và cần được đặt trong mối quan hệ tương thích, cộng hưởng trong phát triển. Tầm nhìn theo những giai đoạn định hướng phát triển ưu tiên gắn với từng khái niệm là một bài toán khó giải. Chẳng hạn, Đà Nẵng trước đây định hướng là thành phố thiên về công nghiệp; dọc biển từ khu An Đồn đến cả Mỹ Khê là một trong những nơi “dành cho” công nghiệp. Nhưng bây giờ đã hoàn toàn khác. Nhưng trong quy hoạch đô thị, khái niệm bền vững là “bền vững” chừng nào các nhà quy hoạch tôn trọng tuyệt đối quy luật tự nhiên và xã hội, dự báo chính xác trong những bước phát triển tương lai. Và quan trọng hơn tất cả, sản phẩm của nhà quy hoạch phải được tôn trọng nghiêm ngặt bởi những người có thẩm quyền cho phép, giám sát và thực hiện quy hoạch cùng những nhà đầu tư. Chẳng hạn, từ góc nhìn của các nhà sinh thái học, các nhà tự nhiên học, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý quy hoạch, nhất là các nhà tương lai học,… họ nhận ra rằng Sơn Trà là báu vật của Đà Nẵng, không những chỉ vì rừng, vì sinh thái cảnh quan, vì quốc phòng, vì văn hóa, mà vì cả nguồn thu kinh tế lớn, lâu dài trong tương lai với sự thu hút mạnh mẽ của thế giới, qua các loại dịch vụ như du lịch hoang dã, sinh thái, văn hóa… khi Sơn Trà lưu giữ được những gì cả thế giới mong đợi và thưởng ngoạn. Sơn Trà cũng có thể là một trong những “thư viện sống” độc nhất của Đà Nẵng dành cho nhiều ngành khoa học của nhân loại.
Từ 2.1., 2.2. và 2.3., ý tưởng xây dựng nhịp cầu tương thích giữa lý luận và thực tiễn về lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cho Đà Nẵng trong hiện tại và tương lai như sau:
+ Nhận thức lý luận và thực tiễn trong quy hoạch dù sâu sắc đến đâu vẫn chưa đủ để khẳng định rằng quy hoạch đang có, hoặc sẽ có là hoàn chỉnh. Điều quan trọng hơn là, tầm nhìn, lương tâm và trách nhiệm của các nhà quy hoạch đối với quá khứ, hiện tại và tương lai là những yếu tố cốt lõi. Các nhà khoa học trong quy hoạch, trong kiến trúc cảnh quan, trong thiết kế đô thị… luôn nói đến tính tương thích giữa nhận thức, lý luận và thực tiễn là ở góc độ xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai trong lập quy hoạch, thực hiện, và quản lý quy hoạch đô thị. Khi gọi tên một trong những sản phẩm của quy hoạch thì cần có sự ứng hợp giữa tên gọi, khái niệm với sự vật. Không thể để nội hàm của khái niệm, của tên gọi bị bóp méo. Ví dụ, quy hoạch đô thị Đà Nẵng đã từng gọi tên một số khu đô thị như khu đô thị sinh thái H, khu biệt thự xanh X…, nhưng nội hàm của các khu này chẳng hề tương thích, đó chỉ là những khu đô thị thiếu vườn hoa, cây cảnh, chủ yếu là đất nền 100m2,…
+ Một điểm đáng lưu ý nữa là: Lập quy hoạch đô thị chỉ có giá trị và ý nghĩa khi thực hiện quy hoạch được tuân thủ toàn vẹn về mục tiêu, tầm nhìn… và nhất là các bước tiến hành khi thực hiện. Chẳng hạn, giả định rằng quy hoạch về bán đảo Sơn Trà cho phép có chừng 300 phòng khách sạn. Khi thực hiện, không phải ồ ạt xây đủ 300 phòng khách sạn, nhưng phải có những bước đi trước rất sớm: Xử lý dòng chảy tự nhiên của Sơn Trà, đường đi uống nước của Voọc và các sinh thể khác, khu rừng cung cấp lá, hoa, trái, bóng mát cho các loài thú…cũng như khoảng cách của những thực thể tự nhiên và những sản phẩm mới… cần phải tính toán và thực hiện theo một quy trình mà quy hoạch cụ thể đã xác định.
+ Quản lý quy hoạch như “con mắt thần” luôn giám sát, định hướng, bổ sung các bước thực hiện quy hoạch và đảm bảo tuyệt đối nội dung trong quy hoạch đã xác lập. Chính quản lý quy hoạch đô thị theo dõi quy trình thực hiện quy hoạch đã được xác lập, và cả khi đã thực hiện xong quy hoạch. Rachel Cooper, Sabine Junginger, và Thomas Lookwood trong Design Thinking and Design Management (2014) có nói: “Quản lý quy hoạch là quản lý quá trình đang diễn ra và cả chỉ đạo các tổ chức quy hoạch, các qui trình quy hoạch và thực hiện quy hoạch và cả những sản phẩm của quy hoạch”.
- Đặc điểm và giá trị của Đà Nẵng từ quá khứ, hiện tại và nhìn về tương lai
Stephen W. Jacobs từng nói: “Tình cảm, trách nhiệm, quan điểm của chúng ta đối với quá khứ sẽ tham gia định hình tương lai về nhiều phương diện” (Stephen W. Jacobs: City Design: Can we insure a future for the past: 2014). Đặc điểm của một đô thị mang tính đa dạng nhưng “cộng lại” sẽ trở thành điểm riêng biệt độc đáo của đô thị ấy.
3.1. Quá khứ đã qua rồi, nhưng lịch sử Đà Nẵng để lại cho chúng ta những giá trị vô giá. Lịch sử tạo dựng Đà Nẵng (Cuahan), lịch sử chiến đấu bảo vệ Đà Nẵng (Tourane, Thái Phiên), và lịch sử phát triển Đà Nẵng. Quy hoạch Đà Nẵng ngày nay và cho mai sau không thể không làm rõ hơn nữa dấu ấn của lịch sử Đà Nẵng. Nếu nhìn lại quy hoạch và sản phẩm của quy hoạch hiện tại, chúng ta cảm nhận rằng mình chưa “phải đạo” với lịch sử. Và chính vì “chưa phải đạo” đã làm cho Đà Nẵng sẽ mất nhiều giá trị, trong đó có giá trị kinh tế – xã hội.
3.2. Về địa lý tự nhiên của Đà Nẵng, các sách thường tóm tắt khi nói về Đà Nẵng như sau: … Đà Nẵng là thành phố cảng lớn nhất miền Trung của cả nước… Từ đỉnh đèo Hải Vân tràn xuống chân núi phía Nam, rồi trải suốt ven bờ một vùng vịnh lớn nơi có cửa con sông Hàn đổ ra biển Đông, lượn theo cánh cung bán đảo Tiên Sa với ngọn Sơn Trà cao gần 700m, thành phố Đà Nẵng hiển hiện với nền chân trời của các ngọn Ngũ Hành Sơn ở phía Nam rặng Trường Sơn ở phía Tây. (Đà Nẵng Xưa và Nay, 1998). Được tạo hóa ban tặng một gia tài tự nhiên đồ sộ và phong phú, với hình hài đầy vẻ quyến rũ của sông, biển, đảo, của núi rừng…rõ ràng Đà Nẵng đặt ra nhiều bài toán cho các nhà quy hoạch và quản lý quy hoạch là làm sao giữ được cốt cách hình hài Đà Nẵng như là một thành phố phát triển đầy năng động giữa công viên trù phú của đất trời êm ả. Điều đó làm chúng ta liên tưởng đến các khái niệm đô thị giữa vườn (Garden City, City in Gardens) như Howard ngay những năm 1888 đã đưa ra khái niệm này và sau đó các thành phố London, Paris, Berlin, và New York từ 1900 – 1940 từng xem là giải pháp chủ đạo khi quy hoạch đô thị tương lai (Peter Hall: Cities of Tomorrow, 2014). Giả dụ vì áp lực kinh tế, chúng ta lấp bớt vịnh, gọt bớt đảo hay bán đảo, chặn méo dòng sông, v.v… có phải là “ăn mòn tương lai” như một số nhà cảnh báo học đã nói hay không; đó cũng là câu hỏi cần được các nhà quy hoạch, các nhà quản lý quy hoạch và các nhà khoa học liên ngành khác trả lời.
3.3. Giá trị địa điểm và phát triển kinh tế – xã hội của Đà Nẵng.
Lập quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch có một mục đích bức thiết nữa là tạo đà phát triển nhanh và bền vững cho Đà Nẵng. Chính vì lẽ đó, lãnh đạo thành phố cùng các nhà quy hoạch (và các nhà khác nữa), ngay sau giải phóng, và nhất là trong vòng 20 năm trở lại đây, đã lấy lập quy hoạch, thực hiện và quản lý quy hoạch như là một trong những đòn bẩy tạo cho Đà Nẵng có được hình ảnh “đáng sống” như hôm nay. Trong quy hoạch nói chung, với nhiều mục đích, trong đó có mục đích kinh tế, thì giá trị địa điểm là đặc biệt lưu ý. Như đã nói ở phần trên, đặc điểm lịch sử, đặc điểm tự nhiên của Đà Nẵng tự nó đã làm cho Đà Nẵng nâng cao giá trị địa điểm. Ngay khi vừa được gọi tên cách đây 300 năm, Đà Nẵng, cùng với Hội An, đã thấp thoáng bóng tàu thuyền và thương nhân nhiều nước. Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Đà Nẵng là vị trí đồn lũy (đối với giặc Pháp, từ 1858, đối với giặc Mỹ, từ 1965), và Đà Nẵng nghiểm nhiên là vị trí quốc phòng quan trọng. Ngoài giá trị địa điểm, vị trí tự thân, trong đô thị Đà Nẵng còn có tiềm năng về giá trị địa điểm: Không gian, đất… ở đô thị Đà Nẵng có thể trở thành những vị trí có giá trị địa điểm kinh tế cao. Giải pháp để tạo giá trị địa điểm kinh tế một cách hài hòa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội mà vẫn đảm bảo phát triển bền vững là những giải pháp quy hoạch khó tính toán nhất.
Các phần từ 2.1, 2.2, và 2.3 cho thấy lịch sử văn hóa, vị trí, địa lý tự nhiên, và giá trị địa điểm của Đà Nẵng trong quá trình phát triển là một sợi chỉ đỏ gắn liền với lập, thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. Quy hoạch luôn tìm giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn đề lớn trọng yếu phát triển của đô thị. Trong quy hoạch tổng thể là những quy hoạch bộ phận. Chẳng hạn, có những quy hoạch có thể xem là quy hoạch công cụ để làm động lực phát triển, như quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan; về phương diện này cần quy hoạch theo hướng phát triển kinh tế, có tính đến các vấn đề sinh thái môi trường và xã hội, định hướng đa chức năng theo trục thời gian và không gian mở mà cốt lõi là vừa gìn giữ và phát huy các giá trị tự thân, cần phải tạo ra các giá trị mới như giá trị địa điểm chẳng hạn, trong đó hiệu quả kinh tế luôn được chú trọng.
- Kết luận
Công tác lập quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch trong những năm gần đây ở Đà Nẵng có sự đổi mới thích nghi tích cực; đã cung ứng các sản phẩm quy hoạch mang tầm chiến lược của vùng với sự phát triển kinh tế XH, chính trị của địa phương. Tuy vậy, bên cạnh tạo ra các sản phẩm, quy hoạch vẫn còn nuông chiều theo lợi ích của Nhà đầu tư, chưa lồng ghép được các QH dung hoà cả lợi ích chính quyền, nhà đầu tư và cộng đồng sử dụng, để làm sao các QH đô thị, dự án phát triển luôn đáp ứng được 3 vấn đề: kinh tế – môi trường – xã hội. Chúng ta không mãi áp dụng quy trình lập báo cáo QH, tiền QH và khả thi QH. Nói cách khác, lập quy hoạch tổng thể sau đến quy hoạch chi tiết mà vấn đề quy hoạch phải được tiến hành trên phương diện lồng ghép cả QH cảnh quan, QH ngành và QH xây dựng và tuỳ theo hoàn cảnh, và cốt cách khu QH mới hay vừa phát triển và bảo tồn mà ta có tầm nhìn cho QH phát triển.
Nói tới phát triển, người ta luôn nghĩ ngay tới nguồn lực/nguồn vốn cho phát triển. Thường thì, chúng ta vẫn quen với khái niệm 3 nguồn vốn cơ bản của phát triển là: tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái; nguồn nhân lực; tài sản xã hội. Tuy nhiên, trong phát triển bền vững xuất hiện thêm một khái niệm mới là vốn văn hóa – xã hội/vốn di sản kiến trúc đô thị – một nguồn lực bổ sung quan trọng cho phát triển đô thị.
Từ quan điểm tiếp cận như trên, chúng ta cần xác định cách lựa chọn chiến lược phát triển mới trên cơ sở bảo tồn và phát huy “vốn văn hóa” của một địa điểm đã được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội, chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả cao về nhiều phương diện, làm nền tảng cho quá trình phát triển bền vững. Tài liệu tham khảo
- Borja De Mozota,B., (2003), Design management, Allworth Press, New York.
- Dramstad, W., Olson, J. D., & Forman, R. T. (1996).Landscape ecology principles in landscape architecture and land-use planning, Island press.
- Fowler, E.P., (2014), Manegement and City Design, Social Forces, Vol. 66, No.2.
- Jacobs S,W., (2014), Can We Insure a Future for the Past?, California Historical Society Quarterly, Vol. 38. No.2.
- Hall, P.(1990), Cities of Tomorrow, Blackwell Publishing Ltd, London.
- Moughtin, C.(1996), Urban Design: Green Dimensions, Architectural Press.
- Racher Cooper, Sabine Junginger, Thoms Lockwood, Design thinking and design management, 2014, online.
- Richards G. & Palmer R., (2010), Eventful Cities,Elsever Ltd, Great Britain.
- Reid, G. W.(1993), From Concept to Form in Landscape Design, Wiley.
- Thomas L. Saaty, Mujgan Sagir, Global awareness, future city design and decision making, 2012, J Syst Sci Syst Eng (september 2012(3) 337-355.
TS.KTS Lê Thị Ly Na
ĐTPT/ số 68-69