Home / TRÊN ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN / ĐÀ NẴNG – NHÌN TỪ QUÁ KHỨ

ĐÀ NẴNG – NHÌN TỪ QUÁ KHỨ

      Miền Trung nước ta có thể chia làm ba tiểu vùng địa lý: Bắc Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Huế), Trung Trung bộ (Đà Nẵng đến Bình Định) và Nam Trung bộ (Phú Yên – Bình Thuận). Đà Nẵng ở vị trí trung điểm và là đầu mối giao thông (đường biển, đường bộ, đường không) ra Bắc vào Nam lên (núi) Tây và xuống (biển) Đông.

     Nằm giữa đèo Hải Vân và đèo Cù Mông, Trung Trung bộ là một “tiểu vùng văn hóa” trong vùng văn hóa miền Trung. Đây là hai ngọn đèo nổi tiếng về sự hiểm trở, đồng thời cũng là hai cái mốc trong địa lý lịch sử nước ta. Đèo Hải Vân vốn là đất hai châu Ô, Lý của vương quốc Chăm – Pa, từ năm 1306 đám cưới của vua Chế Mân và công chúa nhà Trần Huyền Trân đưa vùng đất này thuộc về Đại Việt, Hải (Ải) Vân trở thành ranh giới giữa Chăm – Pa và Đại Việt. Cho đến 1471, sau trận chiến ác liệt của vua Lê Thánh Tông ở thành Đồ Bàn, đèo Cù Mông trở thành ranh giới mới giữa hai quốc gia: phía Bắc thuộc về Đại Việt và phía Nam, theo sử sách thì vua Lê đã chia làm ba tiểu quốc: Hoa Anh, Nam Bàn và Chăm – Pa. Mãi đến 1611 khi thành lập Phủ Phú Yên thì đèo Cù Mông mới hết vai trò ranh giới “quốc gia”. Từ thế kỷ 17 công cuộc “Nam tiến” bớt nạn binh đao mà phần lớn là nhờ “nông dân đi trước làng nước (chính quyền) theo sau”.

        Như vậy khu vực Trung Trung bộ (Nam – Ngãi – Bình – Phú) bên cạnh những xung đột, tranh chấp về chính trị và quân sự còn diễn ra quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Việt (Kinh) là cộng đồng dân cư mới đến có/dưới sự bảo trợ của chính quyền mới – với cộng đồng bản địa là người Chăm và nhiều tộc người khác ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Xứ Quảng (Nam) là “vùng biên” chính trị – văn hóa của Việt – Chăm, trong khoảng ba thế kỷ đã hội tụ những truyền thống vốn có của các tộc người và làm nảy sinh nhiều truyền thống mới.

Đà Nẵng sau 1975
Đà Nẵng sau 1975 – Ảnh tư liệu

     Từ vị thế Địa – Văn hóa, Địa – Lịch sử, xứ Quảng hình thành một vùng văn hóa đa sắc thái: núi, trung du, đồng bằng, ven biển, biển và đảo. Miền núi Quảng Nam phong phú tài nguyên rừng từ hương liệu đến khoáng sản, đồng bằng Quảng Nam là một trong hai đồng bằng lớn nhất và màu mỡ nhất miền Trung, cửa sông Thu Bồn có Đại Chiêm hải khẩu được các chúa Nguyễn phát triển thành cảng thị Fai Fo Hội An, rồi từ thế kỷ 19 Đà Nẵng là cảng biển phòng thủ quan trọng nhất của nhà Nguyễn, là nơi bị thực dân nổ tiếng súng đầu tiên trong cuộc xâm lược Việt Nam.

       Đà Nẵng như một cánh cửa mở vào xứ Quảng, nhưng dường như có sự “đứt gãy” kỳ lạ giữa quá khứ vùng đất Amavarati đầy biến động và một thời lừng lẫy và đô thị – quân cảng, hải cảng Tourane/Đà Nẵng từ giữa thế kỷ 19 đến nay.

       Lần đầu tiên tôi đến Đà Nẵng vào một ngày cuối năm 1978. Khi ấy thành phố trông nhỏ bé và nhếch nhác, biến cố bất ngờ từ những ngày cuối tháng 3.1975 đến lúc đó như vẫn còn hiện diện: thành phố ít dân cư, người buôn gánh bán bưng đi lại vội vã, nhà cửa lô nhô, những chiếc xe đò cũ kỹ chạy qua nhả khói than đen sì, thành phố ngủ sớm mà dậy trễ… Dường như nơi này người ta chỉ đi qua để vô Nam, vào Hội An, ra Huế. Bãi biển Mỹ Khê tuyệt đẹp còn hoang vắng, “Cổ viện Chàm” lặng lẽ bên đường ít người lui tới. Ấn tượng lần đầu của tôi là giọng Đà Nẵng khó nghe, âm sắc vội vã như luôn thấp thỏm lo âu.

        Khoảng mười năm gần đây tôi đến Đà Nẵng nhiều hơn, có khi ở vài ngày, khi chỉ ghé qua trên con đường Nam Bắc. Lần nào Đà Nẵng cũng làm tôi bất ngờ về sự đổi thay từ cảnh quan đến con người. Dân cư thành phố tăng nhanh, chính sách ưu đãi của chính quyền đã thu hút “nhân tài” từ nhiều nơi đến đây làm việc và sinh sống. Phải chăng vì vậy “giọng Đà Nẵng” bây giờ đã dễ nghe, tự tin hơn. Nhiều người Đà Nẵng tự hào khi nói về thành phố của mình bởi vì không còn là một “tỉnh lẻ”, hôm nay nó đàng hoàng bước cùng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong việc xây dựng “thành phố văn minh hiện đại”.

Đà Nẵng ngày nay
Đà Nẵng ngày nay – Ảnh: Thanh Bình

       Mỗi lần đến Đà Nẵng bằng máy bay, chuẩn bị hạ cánh là lúc thành phố hiện ra bên dưới ô cửa nhỏ, tôi nhận thấy Đà Nẵng ngày càng mở rộng và quy củ trật tự, hơn hẳn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhất là khu vực quanh sân bay đến hai bên bờ sông Hàn, dọc theo bãi biển từ phía Hải Vân vào đến Hội An. Điều này chứng tỏ quy hoạch đô thị ở đây đã đi trước một bước không chỉ trên “bản vẽ” mà cả sự đầu tư của chính quyền vào hạ tầng, nhờ vậy kiểm soát được sự tự phát và phát triển ngoài quy hoạch.

      Chỉ một thời gian ngắn xuất hiện thêm hệ thống giao thông ở khu vực đô thị mới, những con đường cũ nối liền với đường vành đai. Nhiều tuyến đường đông đúc nhưng hiếm khi tắc đường kẹt xe do người đi đường tuân thủ tốt luật giao thông. Vỉa hè rộng và thông thoáng không bị quán xá lấn chiếm. Thành phố mở rộng qua bên kia sông Hàn, cầu mới được xây dựng ngoài chức năng giao thông còn tạo cảnh quan đẹp cho thành phố nhất là về đêm. Đà Nẵng đã khéo tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển đẹp hơn ở hai bên bờ sông Hàn, bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê, núi Bà Nà…

       Cũng từ đó Đà Nẵng trở thành thành phố du lịch với nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp. Được thiên nhiên ưu đãi có núi có biển có sông, có nhiều thắng cảnh, lại là “tâm điểm” của ba di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn, Hội An và Huế, ngành du lịch Đà Nẵng hướng vào phân khúc khách hàng trung lưu và thượng lưu cả trong và ngoài nước là một lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, cũng như nhiều trung tâm du lịch khác, điều cần lưu ý là di sản văn hóa và thiên nhiên là tài sản của mọi người dân, trước hết là người dân địa phương. Do đó phát triển du lịch nhưng phải đảm bảo quyền lợi của cộng đồng, đồng thời phải bảo vệ, bảo tồn cảnh quan tự nhiên. Chỉ khi nào quyền lợi của cộng đồng, bao gồm quyền lợi kinh tế, quyền hưởng thụ văn hóa và môi trường tự nhiên được đảm bảo thì phát triển nói chung và phát triển du lịch nói riêng mới có thể bền vững.

       Còn nhớ cách đây không lâu, tỉnh bạn đã phải rút giấy phép một công ty Trung Quốc xây dựng khu du lịch trên đèo Hải Vân, nơi có thể khống chế toàn bộ bán đảo Sơn Trà và thành phố Đà Nẵng. Trong lịch sử, cảng thị Hội An và tiền cảng Cù Lao Chàm từng phát triển thương mại mạnh nhất ở Đàng Trong và bây giờ chỉ cách Đà Nẵng hơn nửa giờ xe bus. Còn nữa, từ đầu triều Nguyễn đã thiết lập chủ quyền và khai thác quần đảo Hoàng Sa ngoài biển Đông mà nay, Hoàng Sa là một huyện của thành phố Đà Nẵng nhưng từ 1974 đến nay chưa trở về với Tổ quốc. Như vậy đủ thấy vị thế Địa – Chính trị của Đà Nẵng quan trọng như thế nào!

        Nhiều năm thân thuộc với con người và vùng đất này, tôi luôn tự hỏi, nếu đèo Hải Vân – tiền đồn và cửa ngõ phía Bắc, và Hội An – biển Cửa Đại gắn với cửa Hàn một thời sầm uất – thuộc về thành phố Đà Nẵng thì hay biết bao! Khi quá khứ được nối dài trở thành một phần của hiện tại sẽ tạo ra nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển toàn diện của Đà Nẵng trong tương lai.

Tùy bút Nguyễn Thị Hậu

Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam

ĐTPT số 67