Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng, thách thức với hoạt động giao thông vận tải

Biến đổi khí hậu – Nước biển dâng, thách thức với hoạt động giao thông vận tải

    Là một quốc gia nằm bên bờ Biển Đông thông ra Thái Bình Dương, với hơn 75% dân số sống dọc theo một bờ biển dài hơn 3.200km, Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do BĐKH – NBD. Tại Việt Nam, BĐKH có những biểu hiện rất rõ nét về biến động của thời tiết, mực nước dâng, các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán trong vòng 50 năm qua và dễ dàng nhận thấy trong những năm gần đây.

     Những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra
BĐKH được biểu hiện theo các hiện tượng, bao gồm biến động khí hậu, nước biển dâng và các hiện tượng khí hậu cực đoan. Khi nhiệt độ trái đất tăng, khối nước đại dương sẽ nở ra và những khối băng vĩnh cửu tại Greenland và Nam Cực sẽ bị đốt nóng, tan băng và mực nước biển sẽ dâng cao. Lượng nước của những khối băng này đủ làm cho mực nước biển dâng cao 70m. Theo dự báo của tổ chức biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, khi nhiệt độ tăng khoảng 10oC trong giai đoạn 2010 ÷ 2039, mực nước biển tăng khoảng 20cm; giai đoạn 2070 ÷ 2099, khi nhiệt độ tăng khoảng 30oC ÷40oC, mực nước biển dâng thêm khoảng 1m. Nhiệt độ trái đất tăng làm cho những diễn biến về ENSO (gồm pha nóng El Nino và pha lạnh El Ninna xảy ra trên vùng biển xích đạo – Thái Bình Dương) trở nên phức tạp hơn. Dù tổng lượng mưa ít thay đổi , nhưng thời điểm mưa đã thay đổi , mùa khô kéo dài hơn, mùa mưa mưa nhiều hơn, khiến cho hạn hán và lũ lụt đều có chiều hướng tăng lên. Dễ nhận thấy nhất khi nước biển dâng, đất bị ngập vĩnh viễn, kéo theo đó là những biến động về chế độ động lực biển như sóng ven bờ mạnh lên, tiềm ẩn nguy cơ gây xâm thực đường bờ và vùng cửa sông ven biển; phông mặn chuyển dịch vào sâu hơn về phía đất liền là thay đổi chế độ cung cấp nước và diễn thế sinh thái toàn vùng. Nếu mực nước biển dâng 1m vào năm 2010 do BĐKH, 14.528km2 tức khoảng 4,4% lãnh thổ của Việt Nam sẽ vĩnh viễn chìm trong nước biển; hơn 60% hay 39 trong 64 tỉnh thành và 6 trong 8 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng; gần 20% tức 2.057 xã trong tổng số 10.511 xã sẽ bị nhấn chìm một phần hoặc toàn bộ; 4,3% tức 9.200km hệ thống đường giao thông hiện có ở các địa phương và toàn quốc sẽ bị ngập vĩnh viễn. Với 80% diện tích có cao trình trung bình dưới 1m, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ngập vĩnh viễn do nước biển dâng, sau là thành phố Hồ Chí Minh rồi đến vùng Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định. Khi nước biển dâng, triều cường kéo theo động lực sóng tác động lên các đối tượng này sẽ mạnh lên, hậu quả là quá trình xâm thực đường bờ và các cửa sông sẽ tăng về cường độ và quy mô, đe dọa trực tiếp sự tồn tại của các công trình giao thông, các công trình xây dựng, công nghiệp và một số đô thị. Nhiều vùng cửa sông và đường bờ kế cận thường có các thảm thực vật ngập mặn làm giảm động năng của sóng trước khi tiếp cận bờ; tình trạng xâm thực bờ hoặc được ngăn chặn hoặc giảm về mức độ. Tuy nhiên, BĐKH – NBD sẽ gây ngập chìm vĩnh viễn bộ rễ, cây ngập mặn bị chết, diện tích rất  lớn thảm thực vật sẽ bị mất đi. Nếu mực nước biển dâng 1m năm 2010, 27% diện tích rừng ngập mặn và 20% diện tích rừng đầm lầy ở Việt Nam sẽ bị mất vĩnh viễn. Vùng đất ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định là các khu vực dự báo sẽ bị xâm thực mạnh. Ngoài ra, đối với bờ biển Duyên hải Miền Trung, nó có đường bờ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tương tác giữa lũ thượng nguồn và triều cường Biển Đông cũng là đối tượng dự báo sẽ bị xâm thực khá mạnh. Phông mặn sẽ xâm thực theo hướng sâu vào sâu trong đất liền. Không chỉ gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân, sự thay đổi này sẽ làm cho mức độ ăn mòn kim loại tại các công trình tăng lên.

    Xuất hiện khí hậu cực đoan
Mưa tăng cường độ; vùng bão dịch chuyển về phía Nam; tần suất và cường độ của các cơn bão tăng nhanh là những minh chứng cho sự thay đổi khí hậu Trái đất theo hướng cực đoan – một biểu hiện rất đặc trưng của BĐKH. Những hình thái thời tiết này không chỉ trực tiếp tạo ra thiên tai mà kéo theo đó là lũ lụt ngập úng vùng châu thổ; các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở lớn các vùng đất ở hai bên bờ; cồn, bãi bồi gây lấp dòng chảy các sông, nhánh sông. Lũ quét lũ bùn đá không còn giới hạn tại vùng núi cao ở phía Tây mà đã xuất hiện tại một số vùng đất ven biển. Miền Trung, đặc biệt là vùng núi phía Tây sẽ là nơi hứng chịu nhiều nhất những thiệt hại do BĐKH, do nằm trên dải đất hẹp, sự ổn định của địa mạo     Miền Trung bị đe dọa từ hai phía: phía Tây dốc, rừng bị tàn phá là nơi sinh lũ quét, lũ bùn đá dưới ảnh hưởng của lượng giáng thủy lớn, tập trung, đột ngột và kéo dài; phía Đông là vùng bờ biển bị đe dọa bởi triều cường, nước biển dâng. Trên một dải đất hẹp nằm giữa, khi hứng chịu các cơn lũ chảy tràn và lũ quét đổ ra Biển Đông mang theo nhiều vật liệu xói lở từ thượng nguồn, lòng các hồ đập bị lấp dần. Lòng sông, địa mạo các cửa sông thay đổi nhiều sau mỗi mùa lũ theo xu thế bất lợi đã tạo ra trên dải đất này một loại tai biến điển hình khó khắc phục.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng chịu ngập lũ vào thời kỳ nhất định trong năm. Tuy nhiên, khí hậu cực đoan đã làm thay đổi quy này. Trong quá khứ, Đồng bằng sông Cửu Long rất ít khi hứng chịu bão. Nhưng, trong những năm trở lại đây, số cơn bão đổ bộ vào khu vực này nhiều hơn, chậm sau tháng 10, thậm chí sang cả tháng 12, gây lũ lụt tạo ra hậu quả nặng nề cho người và tài sản, điển hình là cơn bão Linda (1997) và Durian (2006). Vùng núi phía bắc, Tây Nguyên dù không chịu tác động trực tiếp do BĐKH – NBD từ phía Biển Đông, nhưng với các đồi núi có thảm thực vật bị khai thác mạnh làm lộ ra nhiều vùng đất trống, tiềm ẩn xói, lở sập, đá nhảy, lũ quét khi có mưa lớn, trái mùa xảy ra đột ngột với cường suất lớn xuất hiện sau một thời gian dài chịu khô hạn. Hạ du các hệ thống sông lớn dọc bờ biển Việt Nam cũng là đối tượng chịu hậu quả tạo ra từ chuỗi nguyên nhân bắt đầu từ nhiệt độ Trái đất tăng, BĐKH, thời tiết cực đoan dẫn đến lũ lụt gây biến động chế độ thủy văn thủy lực. Hiện tượng mở rộng diện tích các vùng đất bị ngập úng sâu, kéo dài tại các châu thổ vào mùa mưa lũ; các dòng sông tăng cường xâm thực ngang gây sạt lở lớn tại các vùng dân cư tập trung ở hai bên bờ và biến động các cồn bãi diễn ra thường xuyên tại các vùng hạ du sông Thái Bình, sông Hồng, sông Lam, sông Sài Gòn, sông Tiền và sông Hậu…

     Hoạt động giao thông vận tải – đối tượng góp phần gây nóng lên toàn cầu
Sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động GTVT là một trong những nguồn làm tăng KNK, nhưng chính GTVT lại là đối tượng nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhất trước những hậu quả BĐKH –NBD. Mức độ tổn thương phụ thuộc vào tính chất, mức độ BĐKH và khả năng thích ứng của đối tượng trước sức ép do nó tạo ra. Các loại hình GTVT chủ yếu chịu sức ép từ BĐKH là cảng biển, đầu mối giao thông được kết hợp với các công trình xây dựng dưới nước và trên bờ cùng các thiết bị đảm bảo cho tàu đậu an toàn, đồng thời cho phép bốc dỡ hàng hóa nhanh chóng, thuận tiện. Cảng biển chịu tác động của các yếu tố tự nhiên hình thành nên động lực biển: sóng, gió, bão, thủy triều, hải lưu, xở lở – bồi tụ… Luồng tuyến và cảng bến đường thủy nội địa hoạt động dựa trên đặc điểm sông ngòi, bao gồm chiều rộng lòng dẫn, độ sâu mức nước và độ dốc của dòng chảy sau mỗi mùa lũ là thách thức lớn nhất đối với hoạt động giao thông đường thủy. Đường bộ, một trong những thách thức lớn nhất là những nguy cơ gây sạt lở tại các vùng núi phía bắc, phía tây và tại các dãy núi đâm ngang do mưa bão và sụt lún tại các vùng nền địa chất yếu trên quy mô rộng (ĐBSCL, hạ lưu hệ thống sông lớn). Ngập lụt tại các thung lũng sông, tại vùng đồng bằng hẹp miền Trung, ĐBSCL cũng là mối đe dọa tới sự ổn định của đường bộ Việt Nam. Một thách thức nữa cũng cần nhắc tới liên quan tới các công trình trên đường bộ là tính ổn định của công trình bị đe dọa, đặc biệt là công trình vượt sông trước sự xâm thực của quá trình tự nhiên như ăn mòn hóa hoặc do độ mặn, các ion chứa gốc axit hoặc xói lở do dòng chảy. Khác với đường bộ, mạng đường sắt Việt Nam không nằm khá sâu trong vùng núi phía bắc và phía Tây, cũng như quá sát về phía biển. Do vậy, ngoài nguy cơ xâm thực của các công trình, thách thức lớn đối với hệ thống đường sắt Việt Nam là những nguy cơ gây sạt lở tại các dãy núi đâm ngang do mưa bão và ngập lụt tại vùng đồng bằng hẹp miền Trung.

    Ứng xử với BĐKH – NBD của ngành GTVT
Với cách tiếp cận giao thông vận tải vừa là chủ thể có đóng góp đáng kể tới BĐKH vừa là đối tượng chịu hậu quả do BĐKH. Ngành GTVT phải xây dựng cho mình Chương trình tiết kiệm nhiên liệu giảm thiểu phát thải KNK và Chương trình hành động ứng phó BĐKH chuyên ngành GTVT, bao gồm các nhóm giải pháp cơ bản sau:
Nhóm giải pháp thứ nhất: Giảm phát thải KNK thông qua các hành động liên quan tới tiết kiệm nhiên liệu và năng lượng.
Nhóm giải pháp thứ hai: Nâng cao nhận thức về kiến thức về BĐKH – NBD cho các đối tượng có liên quan, đặc biệt là các đối tượng quản lý và đối tượng là các đơn vị sản xuất.
Nhóm giải pháp thứ ba: Rà soát các chiến lược và quy hoạch về GTVT. Đưa nội dung BĐKH – NBD là yêu cầu bắt buộc cần phải xem xét trong công tác lập chiến lược và quy hoạch.
Nhóm gải pháp thứ tư: Rà soát điều chỉnh các quy trình, tiêu chuẩn thiết kế phù hợp với những biểu hiện và diễn biến của BĐKH.
Nhóm gải pháp thứu năm: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỷ thuật cụ thể cho từng loại công trình hiện đang khai thác tại các vùng miền khác nhau trước những diễn biến của BĐKH.

Phạm Văn Xuân – Ngô Thế Hùng
ĐTPT Số 36/2011
(ảnh minh họa)

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …