Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / Vai trò của Khu kinh tế mở Chu Lai trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam

Vai trò của Khu kinh tế mở Chu Lai trong quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam

Những kết quả đạt được

Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam – khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam – được thành lập tại Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Sau hơn 8 năm triển khai xây dựng và phát triển, bộ mặt Khu kinh tế đầu tiên của Việt Nam bước đầu đã được hình thành. Trước hết là đã hoàn chỉnh lập và phê duyệt tất cả các quy hoạch liên quan làm cơ sở định hướng đầu tư và phát triển. Thứ hai là đã từng bước sắp xếp lại dân cư, giải phóng mặt bằng phục vụ mục tiêu kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế xã hội. Thứ ba là đã đầu tư những công trình hạ tầng kinh tế, xã hội cơ bản như các tuyến giao thông, sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, hệ thống cấp điện, nước, thông tin liên lạc, hạ tầng các khu công nghiệp, khu dân cư, khu nghĩa trang nhân dân… Từ những việc làm trên cộng với việc tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mà đến nay hoạt động của KKTM Chu Lai đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, từ chỗ trước đây chỉ là những khu vực cát trắng, sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp thì đến nay có nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch.. đã mọc lên. Hiện nay trên địa bàn KKTM Chu Lai có tổng cộng 68 dự án đầu tư được cấp phép với tổng vốn đăng ký hơn 5,7 tỷ USD, trong đó có 45 dự án đang hoạt động. Tổng vốn thực hiện đầu tư khoảng 700 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn đã đầu tư như Tổ hợp Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải, các nhà máy ôtô tải, ôtô du lịch, ôtô khách, các nhà máy cơ khí, sản xuất phụ tùng và công nghiệp phụ trợ với tổng công suất 55.000 xe/năm, tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD; Nhà máy kính nổi Chu Lai công suất 1.300 tấn/ngày đêm, vốn đầu tư khoảng 150 triệu USD; Nhà máy sản xuất soda Chu Lai công suất 200.000 tấn/năm, vốn đầu tư 120 triệu USD; Khu du lịch sinh thái Chu Lai với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD; Khu du lịch sinh thái Cát Vàng Chu Lai tổng vốn đầu tư 50 triệu USD …

Từ những kết quả bước đầu đó mà vai trò của KKTM Chu Lai từng bước được khẳng định trong sự phát triển chung không chỉ của tỉnh Quảng Nam, mà còn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đóng góp của Khu kinh tế mở Chu Lai vào quá trình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam rất lớn, đó là:

  1. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội của KKTM Chu Lai chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu của tỉnh, tốc độ tăng trưởng bình quân cao hơn tốc độ tăng trường chung của tỉnh:

Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2006-2010 đạt 3.525 tỷ đồng (giá cố định 1994) chiếm 10,34% giá trị toàn tỉnh, trong đó năm 2010 đạt 1.341 tỷ đồng, chiếm 13,24% toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân 50,3%/năm (tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh là 25,5%/năm); năm 2011 đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2010.

Giá trị xuất khẩu giai đoạn 2006-2010 đạt 95,8 triệu USD chiếm 9,37% toàn tỉnh, trong đó năm 2010 đạt 36 triệu USD, gấp 6 lần năm 2006 (6,1 triệu USD) và chiếm tỷ trọng 13,85% toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân 55,9%/năm (tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh là 18,2%/năm); năm 2011 đạt 45 triệu USD, tăng 21% so với thực hiện năm 2010

Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2006-2010 đạt 4.532 tỷ đồng chiếm 39,37% toàn tỉnh, trong đó năm 2010 đạt 2.477 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2006 (224 tỷ đồng) và chiếm tỷ trọng 58,5% toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân 82,37%/năm (tốc độ tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh là 16,10%/năm).

  1. Tạo ra sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh Quảng Nam (ôtô, kính xây dựng, sản phẩm điện tử..). Riêng lĩnh vực sản xuất và lắp ráp ô tô đã góp phần vào việc phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô tô Việt Nam, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay Công ty ô tô Chu Lai Trường Hải là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất và lắp ráp đủ cả 3 dòng xe tải, xe khách và xe du lịch với tỷ lệ nội địa hóa cao nhất (xe khách khoảng 52%, xe tải khoảng 46% và xe du lịch khoảng 16%).
  2. Tăng thu ngân sách cho tỉnh Quảng Nam, riêng năm 2011 thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKTM Chu Lai đạt 4.200 tỷ đồng, chiếm gần 65% thu ngân sách toàn tỉnh Quảng Nam, trong đó Công ty cổ phần ô tô Chu Lai Trường Hải nộp 3.871 tỷ đồng, chiếm 59,55 thu ngân sách toàn tỉnh.
  3. Tham gia giải quyết việc làm cho nhân dân vùng dự án, góp phần tạo sự ổn định chính trị xã hội, riêng năm 2011 giải quyết việc làm mới cho 1.200 lao động, nâng tổng số lao động làm việc thường xuyên tại Khu KTM Chu Lai hơn 11.000 người, ngoài ra còn một số lượng lớn lao động gián tiếp và công nhân xây dựng tại các dự án.
  4. Hiệu quả đầu tư vốn ngân sách cho KKTM Chu Lai cũng được phát huy tối đa, theo tính toán cho thấy, một đồng vốn ngân sách đầu tư thu hút được hơn 50 đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp và năm 2011 tạo ra hơn 3 đồng nộp ngân sách.

Định hướng phát triển

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và Chính phủ về việc cấu trúc lại nền kinh tế, hiện nay các Bộ ngành Trung ương đang tiến hành rà soát, đánh giá lại quá trình phát triển khu kinh tế ven biển trong thời gian qua và sẽ xem xét lựa chọn một số khu kinh tế ưu tiên phát triển trong thời gian tới. Theo đánh giá của các chuyên gia cũng như các cơ quan liên quan thì KKTM Chu Lai là một trong những khu kinh tế ven biển thành công nhất, đã tạo ra sản phẩm cụ thể. Đây là cơ hội lớn để phát triển KKTM Chu Lai thành khu kinh tế mang tấm quốc gia. Vì vậy định hướng phát triển KKTM Chu Lai trong thời gian đến được xác định là xây dựng Khu kinh tế tổng hợp, lấy công nghiệp kiểm soát ô nhiễm môi trường, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao làm trung tâm, hạt nhân là dự án Khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô tập trung làm hạt nhân; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, đô thị, vận tải hàng hóa và hành khách quốc tế bằng đường biển và hành không, lấy sân bay Chu Lai là dự án hạ tầng động lực.

Mục tiêu cụ thể
Với định hướng như trên, Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã đề ra những mục tiêu cụ thể như sau:

  1. Phấn đấu xây dựng KKTM Chu Lai thành một trong những khu kinh tế trọng điểm của quốc gia và được hưởng những cơ chế đầu tư hạ tầng cũng như cơ chế ưu đãi đầu tư đặc thù.
  2. Phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, nằm trong chuỗi giá trị toàn cầu; đẩy mạnh xuất khẩu và mở rộng ra thị trường thế giới.
  3. Tạo việc làm, tập trung đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài.
  4. Đầu tư xây dựng KKTM Chu Lai đến năm 2020 trở thành khu vực phát triển năng động, một trung tâm công nghiệp – du lịch dịch vụ của tỉnh Quảng Nam, đóng vai trò quyết định thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành tỉnh công nghiệp và góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế quốc gia.
  5. Đến năm 2015 đạt một số chỉ tiêu cụ thể như sau:

– Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.712 tỷ đồng (giá cố định 1994), chiếm khoảng 25,57% toàn tỉnh;
– Giá trị xuất khẩu giai đoạn đạt 150 triệu USD, chiếm khoảng 21,26% toàn tỉnh;
– Thu ngân sách đạt 6.192 tỷ đồng, chiếm khoảng 65% toàn tỉnh;
– Cơ bản lấp đầy Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Khu công nghiệp Tam Hiệp, Khu công nghiệp cơ khí ôtô Chu Lai Trường Hải, một phần khu công nghiệp cơ khí đa dụng và ô tô tại Tam Anh; hình thành được Khu công nghiệp – đô thị Hàn Quốc tại KKTM Chu Lai.
– Đưa vào hoạt động một số khu du lịch cao cấp ven biển tại Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ và Núi Thành;
– Kêu gọi đầu tư Khu công nghiệp Tam Thăng, hình thành Khu đô thị Tam Hiệp (Núi Thành), Nam Tam Phú (Tam Kỳ) và một số cơ sở đào tạo tại Tam Kỳ, Núi Thành.
– Tất cả các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động phải có hệ thống xử lý môi trường.
– Lượng hành khách qua cảng hàng không Chu Lai là 2.248.000 lượt khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa.
– Lượng hàng hóa qua cảng Kỳ Hà và cảng Tam Hiệp là 2,1 triệu tấn.

Giải pháp thực hiện
Để đạt được những mục tiêu trên, Ban Quản lý KKTM Chu Lai sẽ tập trung thực hiện những nhóm giải pháp sau:

  1. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và đẩy mạnh công tác hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án tại KKTM Chu Lai.
  2. Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như ưu đãi đầu tư đảm bảo điều kiện cần và đủ để thu hút các dự án lớn mang tính đột phá.
  3. Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng như nguồn vốn ngân sách, vốn ứng trước của các nhà đầu tư; khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ mục tiêu phát triển; khuyến khích các hình thức đầu tư BOT, BT, PPP…; tăng cường công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
  4. Thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư và đảm bảo an sinh xã hội:
  5. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý môi trường.<

6. Phát triển và đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, đảm bảo cung ứng đủ cho các dự án đầu tư

Huỳnh Khánh Toàn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiêm Trưởng Ban Quản lý KKTM Chu Lai
ĐTPT số 37/2012

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …