Nhìn chung, các đô thị đều vấp phải một loạt các vấn đề về mặt dân cư đó là:
– Dân số đô thị tăng nhanh, mật độ dân số rất cao;
– Hệ thống hạ tầng không đáp ứng kịp tốc đô thị hóa, giao thông đô thị quá tải dẫn đến ùn tắc;
– Ô nhiễm môi trường, cảnh quan;
– Mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng với việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bao gồm cả kiến trúc sẵn có.
Ở Hội An, từ sau thời kỳ mở cửa thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhất là sau khi Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới năm 1999; Đô thị, thành phố loại 3 thuộc tỉnh Quảng Nam năm 2008; Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An năm 2009 đã tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Hội An, với nhóm ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch – dịch vụ – thương mại. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm trên góc độ dân cư đó là:
+ Theo số liệu thống kê năm 1999, dân số Hội An là 75.730 người, trong đó dân số thành thị là 34.376 người, nông thôn là 41.354 người. Số liệu thống kê năm 2009 dân số Hội An là 89.716 người, dân số thành thị tăng lên 69.222 người (gấp 2 lần 10 năm trước), còn ở khu vực nông thôn giảm xuống 20.494 người. Dựa theo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cùng các yếu tố, thông số khác, các nhà quy hoạch cho rằng đến năm 2015 dân số Hội An sẽ là 97.000 người, trong đó dân số thành thị tăng lên 82.400 người, nông thôn giảm xuống còn 14.600 người. Đó là chưa kể hàng chục ngàn người (dân số quy đổi) là khách tham quan, lưu trú, sinh viên cao đẳng, đại học. Đi theo vấn đề biến động dân số giữa vùng nông thôn và thành thị, diện tích đất sử dụng phi nông nghiệp cũng tăng lên rất nhanh. Năm 2000 là 1.956,8 ha, năm 2005 tăng lên 2.687,62 ha, đến năm 2010 đã tăng lên 3.296,42 ha. Như vậy, khi quy hoạch Hội An phải tính đến lượng khách du lịch ngày một tăng do phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch. Hạ tầng kỹ thuật và quy mô đất dân dụng phải đáp ứng nhu cầu dân số theo dự báo tăng và hàng vạn khách tham quan, lưu trú trong tương lai. Điều này đồng nghĩa, Hội An phải lo thêm chỗ ở, việc làm và các dịch vụ đời sống khác cho họ. Hiện nay tính theo quỹ đất cứ 40 m2/người (mục tiêu diện tích bình quân đầu người) thì đã phải cần bố trí quy hoạch thêm 88 ha đất dành cho đất ở đô thị. Chỉ riêng về dịch vụ tối thiểu cho 3 hạng mục cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải cũng cần khoảng đầu tư hàng chục triệu USD. Những yếu tố khác cũng rất quan trọng phải tính cho tương lai như: Cần bao nhiêu nhà ở, trường học, bệnh viện… Đó là chưa tính việc tăng dân số cơ học, bởi vì tốc độ đô thị hóa càng cao thì tỉ lệ tăng dân số cơ học càng lớn. Thực trạng nêu trên đặt áp lực cho thành phố cần phải huy động tốt các nguồn lực để có thể đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng dân sinh xã hội phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra theo từng giai đoạn, phù hợp với vai trò của một thành phố/đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch.
+ Thực trạng khảo sát về mật độ dân số năm 2010 cho thấy, Hội An đang đứng trước những áp lực về mật độ dân số tập trung cao tại các phường trung tâm: Minh An 10.157 người/km2, Cẩm Phô 8.551 người/km2, Sơn Phong 6.188 người/km2, một phần phường Tân An 6.661 người/km2 (trong khi mật độ dân số bình quân cả nước là 243 người/km2, TP. Hồ Chí Minh là 3.400 người/km2, TP. Hà Nội là 2.000người/km2, TP. Đà Nẵng là 700 người/km2). Dân cư khu vực này chiếm trên 30% tổng số dân toàn thành phố. Ở đây còn thường trú một lượng đông học viên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Điều này gây một áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng cận khu phố cổ. Mặt khác, theo kết quả điều tra dân số thì độ tuổi lao động và chưa đến tuổi lao động chiếm tỉ trọng lớn sẽ cung cấp nguồn lực cho xã hội hiện tại và tương lai. Nhưng cũng đặt ra áp lực về giải pháp quy hoạch và phân kỳ đầu tư như thế nào để đáp ứng cho nhu cầu theo cơ cấu dân số trẻ. Bình quân mỗi năm thành phố phải lo tạo công ăn việc làm cho hơn 1.500 lao động. Đất giáo dục trước mắt phải đạt 37 ha mới đảm bảo (so với chỉ tiêu 15m2/HS, hiện tại chỉ đạt 20,36 ha). Hiện nay, trong tổng số 89.716 người thì được phân bố trên 21.821 hộ, như vậy bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 4 người. Con số này đặt ra nhu cầu đất theo hộ và việc phát triển kinh tế, gia tăng dân số đối với một đô thị có diện tích nhỏ như Hội An (nhỏ nhất tỉnh) đang là vấn đề nan giải đối với chính quyền thành phố. Trong khi, kinh tế Hội An những năm gần đây phát triển cao dẫn đến nhu cầu lao động lớn, dân cư các khu vực lân cận Hội An đổ về để kiếm sống, kiếm việc làm, chất thải phát sinh từ những hoạt động ngày càng cao, hiện tượng cơ sở hạ tầng của Hội An cũ kỹ, chậm được đầu tư kịp thời, không được quy hoạch một cách đồng bộ nên chưa đáp ứng được các điều kiện để phát triển một cách bền vững…
Những vấn đề nêu trên tạo ra một số mâu thuẫn cũng chính là những áp lực lớn cần phải giải quyết như:
– Một là, Hội An đang là một địa phương phát triển mạnh, toàn diện, tiềm năng đô thị hóa rất nhanh và đa dạng. Tuy nhiên, đô thị hóa là một quá trình tích tụ vốn đầu tư và lao động rất lớn, trong khi đó về khả năng vốn đầu tư cả về phía nhà nước và tư nhân quá hạn chế, không theo kịp, kể cả vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tổ chức quốc tế. Lao động trong độ tuổi qua đào tạo rất hạn chế không đáp ứng đủ nhu cầu.
– Hai là, quá trình đô thị hóa ở Hội An xuất phát từ tính chất là một đô thị – Trung tâm du lịch, dịch vụ, thương mại, văn hóa của tỉnh và khu vực cho nên vừa có cơ hội phát triển nhanh về kinh tế, giao lưu văn hóa nhưng cũng đồng thời chịu sự tác động tiêu cực đến hai giá trị quan trọng là ý thức về tính cộng đồng và môi trường tự nhiên của con người.
– Ba là quá trình đô thị hóa, phát triển ở Hội An những năm qua cũng bộc lộ rõ đặc trưng cơ bản của quá trình đô thị hóa là quy mô dân số lớn, mật độ dân cư cao và sự khác biệt, sự không thuần nhất dân cư được tích tụ trong một không gian hẹp. Do đó, con người có xu hướng trở nên giả tạo hơn trong các quan hệ với nhau và các hành vi phi nhân tính có cơ sở xuất hiện. Có thể nói để đạt tới văn minh thành thị, mật độ dân cư đã tạo ra các áp lực lên nhân cách, ý thức về cuộc sống cộng đồng bị phá vỡ trong sự đông đúc và thờ ơ, sự cô đơn của con người hiện lên trong sự ồn ào. Ngoài ra quá trình đô thị hóa còn chia các gia đình tứ đại, tam đại đồng đường thành gia đình một hoặc hai thế hệ là chủ yếu. Nguyên nhân có thể là do diện tích nhà ở hạn chế, do việc làm ăn buôn bán và nhất là do sự trái ngược nhau về tâm lý giữa các thế hệ. Ở Hội An hiện nay có xu hướng gia đình hai thế hệ là chủ yếu. Vấn đề này đã tạo ra sự cô đơn của những người cao tuổi – những người luôn cần được sống gần con cái khi tuổi đã về già.
Nhìn chung, quá trình đô thị hóa ở Hội An trong những năm gần đây diễn ra nhanh, tác động mạnh mẽ đến tình hình biến động dân cư. Vấn đề này vừa có tính tất yếu của nó, vừa do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan mà hệ quả của nó ngoài yếu tố tích cực còn tạo ra trong tâm lý sự biến đổi ngược chiều nhau. Về góc độ chuyển biến tâm lý dân cư đô thị ở Hội An chúng ta có thể dễ nhận biết qua một số tình hình như sau:
– Người nông dân vùng ven thường quen với công việc đồng áng, trồng trọt, chăn nuôi hoặc họ là những ngư dân quen với việc đánh bắt trên sông nước, biển cả bỗng chốc trở thành cư dân đô thị. Người tiểu thương ở đô thị, công chức trong các cơ quan nhà nước phần lớn gốc gác lại là những cư dân vùng thôn quê chuyển dịch lên phố làm ăn sinh sống. Trong quá trình dịch chuyển, họ mang theo mọi tư tưởng, tác phong, lối hành xử cũ và nhanh chóng tác động đến những nguyên tắc của đô thị bởi ý thức tổ chức kém và những thói quen cố hữu của mình. Chính điều này đã tạo ra một lối sống đô thị nhuốm màu nông thôn. Đó là sự hỗn tạp, suy nghĩ vụn vặt, làm ăn tản mạn, thiếu tổ chức, đề cao kinh nghiệm bản thân, ngại hoặc không tiếp cận các tri thức khoa học. Do đó, có thể cần phải có thời gian dài mới hy vọng khỏa lấp hố ngăn cách này.
– Cư dân du nhập vào thành phố Hội An có thể nói là từ rất nhiều vùng miền khác nhau trong cả nước (từ các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… đến các tỉnh ở phía Bắc, miền Trung, miền Nam – Đông, Tây Nam bộ); Bao gồm nhiều thành phần: Doanh nhân, thợ thủ công, người làm thuê… Trong số đó có không ít người nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau trên thế giới đến, thậm chí kết hôn – lấy vợ là người Việt Nam (ở các địa phương khác hay ở Hội An) thuê nhà hoặc mua đất làm nhà, định cư sinh sống, làm ăn ở Hội An. Theo thống kê sơ bộ, trong khu vực Phố cổ Hội An có trên 80% người từ địa phương khác hoặc người nước ngoài đến thuê nhà hoặc mua nhà mặt tiền tuyến phố cổ để kinh doanh. Có một hiện tượng đang diễn ra trong nhiều năm nay đó là người dân đăng ký thường trú trong khu vực Khu phố cổ trở thành dân tạm trú dài hạn ở vùng ven, ngược lại những người từ các địa phương khác về đăng ký tạm trú thì trở thành những người “thường trú” (ở trong khu vực Khu phố cổ). Trong thành phần này, không ít người từ trước đã sống trong những vùng đất ít màu mỡ, mức sống không cao, luồng di cư lại không thuần nhất, điều đó đã tạo ra những biến đổi phức tạp về tâm lý. Họ vừa muốn thay đổi, vừa muốn níu kéo, lưu giữ và bảo tồn những nét văn hóa, kinh nghiệm sống của vùng quê họ. Mặt khác, đời sống kinh tế của nhiều người dân địa phương, kể cả một số dân nhập cư thay đổi nhanh chóng. Có người bỗng chốc giàu lên do sự phát triển của kinh tế du lịch – dịch vụ, do cơ chế, do may mắn được hưởng lợi từ quy hoạch phát triển khu dân cư đô thị, từ nguồn tài trợ ở nước ngoài hay do con cái, những người thân giúp đỡ. Song, có điều đáng nói là: Sống trong môi trường sang trọng, nhà biệt thự đầy đủ tiện nghi, khu phố hiện đại, nhưng họ vẫn giữ nguyên thói quen sống đã được hình thành bấy lâu như: Vẫn cứ tùy tiện xả rác nơi công cộng, thích tụ tập từng nhóm nhỏ, không tôn trọng luật lệ giao thông, đề cao lệ, coi thường luật, bệnh sĩ còn nặng nề… Đây là cản lực không nhỏ trong quá trình xây dựng nếp sống đô thị. Vấn đề đặt ra là phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp nhằm hạn chế những tư tưởng tiểu nông này.
– Các nhóm xã hội, nghề nghiệp có xu hướng tìm cách bảo vệ lợi ích cục bộ của mình, mà không quan tâm đến lợi ích cộng đồng, con người đang có xu thế hướng về cá nhân vị kỷ, lạnh nhạt, thờ ơ không quan tâm đến người khác, chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân, đời sống kinh tế thì thiếu tính bền vững. Do họ giàu nhanh từ cơ hội phát triển của nhóm ngành du lịch, dịch vụ, thương mại hay giàu lên từ bán đất,… nhưng hướng chuyển nghề từ nông dân, ngư dân đánh cá sang nghề sinh sống khác không hoặc chưa có.
– Số dân Hội An hiện nay không lớn (dưới 100 nghìn dân), nhưng với vị thế địa lý, địa hình, hệ sinh thái – sinh quyển, sinh thái nhân văn vô cùng phong phú, đa dạng, cùng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử dân cư đã tạo nên tính cách khá đặc trưng của người Hội An. Điều này đã tạo lực đẩy ngược chiều nhau: Một mặt, tính cố kết cộng đồng có thể tạo sức mạnh giúp cộng đồng vượt qua những khó khăn, bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống, gìn giữ được lối sống trọng tình nghĩa, đùm bọc, keo sơn. Đó là giá trị cần được bảo tồn, phát huy, nhưng mặt khác, lại tạo cho lối sống đô thị khá nhiều phiền toái, họ sẵn sàng cãi vã nơi công cộng, hạn chế tầm nhìn nên cách thức tổ chức cuộc sống luộm thuộm, thiếu ngăn nắp, ít thích đổi mới, không chấp nhận thay đổi, nói năng ề à, coi thường người nghe, không mạnh dạn đầu tư lớn…
– Những năm gần đây, Hội An đã có những thay đổi căn bản về quy hoạch đô thị, được xem là kiểu mẫu trong việc chỉnh trang phát triển thành phố, mở rộng các khu dân cư theo định hướng thành phố/đô thị Sinh thái – Văn hóa – Du lịch. Điều này đã tác động tích cực đến đời sống của đại đa số người dân trên nhiều mặt, nhất là lối sống. Tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận rằng còn quá nhiều bất cập trong quy hoạch đô thị; công viên, khu giải trí còn hạn chế… Từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư thành phố. Nơi ở của cư dân ở vùng ven, cận khu vực trung tâm còn nhiều bất cập, chưa ngăn nắp, còn nhiều lộn xộn trong kiến trúc và đang có xu hướng tùy tiện trong xây dựng, với những gam màu pha trộn đủ thứ.
Nhìn chung, Hội An đang đứng trước nhiều áp lực về dân số, dân cư xuất phát từ tính tất yếu của đô thị hóa. May rằng, Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hội An đã sớm nhận thức được nhiều vấn đề, đưa ra chủ trương xây dựng thành phố Hội An trở thành Thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch với những tiêu chí cụ thể, xác thực. Đây là những chủ trương lớn có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng đến sự phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống và bộ mặt của thành phố Hội An, hướng đến các mục tiêu: Đảm bảo cho thành phố Hội An bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống, có không gian xanh; không ô nhiễm; cảnh quan đẹp; giao thông thông suốt, không tắc nghẽn; hệ thống cơ sở hạ tầng tốt nhất; có hệ thông thông tin môi trường; quy hoạch dân số cân bằng sự phát triển kinh tế – xã hội theo từng giai đoạn; bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học; quy hoạch sử dụng đất đa dạng hiệu quả và phân bố hợp lý; phát triển du lịch bền vững; thiết kế các công trình gắn bó, hài hòa; kinh tế thành phố hướng đến sự phát triển bền vững; bảo tồn và khai thác tài nguyên thiên nhiên hợp lý; công tác bảo vệ môi trường được xã hội hóa rộng rãi. Hướng tiếp cận mô hình “thành phố sinh thái” sẽ là một giải pháp hoàn toàn hợp lý để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên tất yếu không thể không quan tâm đến một loạt những áp lực đặt ra về mặt dân cư này
—————————
Ngày nay, toàn cầu hóa – hội nhập, đô thị hóa được nhìn nhận như một quá trình, xu hướng và đã trở thành một làn sóng không ngừng gia tăng mạnh mẽ. Nó thúc đẩy mối quan hệ, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau của tất cả các khu vực, các quốc gia, dân tộc, các lĩnh vực trên toàn thế giới. Trong đó có sự biến động mạnh mẽ về dân cư, đô thị, tạo nên nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những thách thức, bắt buộc các khu vực, quốc gia, dân tộc, lĩnh vực phải đối mặt. Tất yếu trong đó có cả các đô thị di sản văn hóa và thiên nhiên như Hội An. |
NGUYỄN CHÍ TRUNG
ĐTPT số 37/2012