Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / Kiến trúc chùa Huế

Kiến trúc chùa Huế

Huế không chỉ có Kinh thành, Hoàng thành, cung điện, lăng tẩm, nhà vườn, sông hương núi ngựmà còn có khoảng vài trăm ngôi chùa cổ kính cả lớn cả nhỏ. Bởi lẽ, Huế đã là thủ đô của Phật giáo xứ Đàng Trong trong hơn ba thế kỷ và bảo quản một kho tàng vô giá về văn hóa của Phật giáo. Sẽ thiếu sót trong chương trình thăm quan Huế mà chỉ đặt chân đến Hoàng thành, lăng tẩm uy nghi của triều Nguyễn mà không ghé thăm những ngôi chùa cổ kinh như Thiên Mụ, Tây Thiên, Diệu Đế,Từ Đàm, Huyền Tôn, Từ Hiếu, Báo Quốc, Bà La Mật…

Chùa là nơi thờ Phật và truyền bá Phật giáo cho dân chúng. Tuy nhiên, chùa Huế ngoài thờ Phật còn thờ thánh như chùa Từ Hiếu thờ Quan Công , chùa Quốc Ân thờ Thánh Mẫu, chùa Báo Quốc tuy là chùa Phật nhưng có một ngôi chùa thờ đa thần trong đó Phật giáo là chính rồi đến Lão giáo và Khổng giáo…

Ca dao Việt Nam có câu “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”, các ngôi chùa đa số thuộc về cộng đồng làng xã. Xây chùa bao giờ cũng là một việc trọng đài đối với làng quê Việt Nam. Việc chọn đất xây chùa là điểm rất quan trọng bởi sự chi phối quan niệm phong thủy. “Xây dựng chùa, phải chọn đất tốt, ngày tốt, giờ tốt. Đất tốt là nơi bên trái trống không, có sông ngòi hoặc áo hồ bao bọc. Núi ở bên phải cao dày, lớp lớp quay đầu lại hoặc có hình hoa sen…”. Chính vì vậy, hàng trăm ngôi chùa cổ ở Huế đều nằm trên sườn đồi cây cao bóng mát, cảnh trí thiên nhiên u nhàn tĩnh lặng; làm cho chùa Huế trở thành những nơi bảo vệ được môi trường thiên nhiên trong lành, mát mẻ và đường đi lên các chùa trở thành những cảnh đẹp thiên nhiên tuyệt vời thu hút du khách đến thăm quan.

Chùa Huế thường được xây dựng bằng các thứ vật liệu quen thuộc tre, tranh cho đến gỗ, gạch, ngói… Nhưng người ta thường dành cho chùa những vật liệu tốt nhất. Vật liệu cũng như tiền bạc dùng trong việc xây chùa thường được quyên góp trong mọi tầng lớp dân cư, gọi là “công đức” để hưởng phúc khi đem vật liệu và tiền bạc cúng cho nhà chùa. Đặc biệt, chùa ởHuế dưới thời các vua nhà Nguyễn không chỉ cho trùng tu, sửa chữa và tái thiết mà còn cho xây dựng thêm như chùa Hoàng Giác được xây dựng thời Minh Mạng, chùa Diệu Đế xây dựng thời Thiệu Trị, chùa Từ Hiếu xây dựng thời Tự Đức…

Ở Huế có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, do nhiều tầng lớp trong xã hội xây dựng. Vì vậy, chúng tôi phân loại chùa Huế có mấy loại sau: Chùa vua: chùa được các vua xây dựng nên hoặc trùng tu một ngôi chùa đã có ở một nơi thắng cảnh tối ưu nhưng không biết chùa do ai xây dựng và có từ bao giờ như: chùa Thiên Mụ được Chúa Nguyễn trùng kiến năm 1601, chùa Thánh Duyên do vua Minh Mạng trùng kiến năm 1838, chùa Diệu Đế do vua Thiệu Trị xây dựng năm 1844, chùa Từ Hiếu do vua Từ Đức trùng kiến năm 1848. Chùa Tổ: do các vị sư Tổ trong Phật giáo lập nên thường chọn nơi núi non xa vắng, cảnh trí u nhàn. Chùa dân lập: lúc đầu do một người trong làng đứng ra lập, sau đó cúng lại như chùa Bà La Mật do bà Thanh Trất Từ Thiên phu nhân lập năm 1886 ở làng Nam Phổ: Chùa Khuôn: do các khuôn hội Phật giáo Tịnh độ lập nên làm nơi sinh hoạt cho các hội viên. Chùa làng: loại chùa này xuất hiện từ lâu, có trước triều Nguyễn rất xa. Cách thờ tự của chùa làng có nét riêng biệt với các ngôi chùa khác, chủ yếu thờ cả ba đạo Phật, Lão, Khổng.

Kiến trúc chùa Huế tương đối giống kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Trước hết, giống nhau trong việc bố trí cảnh quan, cỏ cây theo một thức rất Huế. Hầu hết các ngôi chùa Huế đều chọn địa điểm tọa lạc gắn liền với núi, sông suối. Điểm đặc biệt, kiến trúc chùa Huế được thiết kế tiền đường và điện thờ theo kiểu “trùng lương” hay “trùng thiềm” là kiểu nhà đặc trưng của Huế, không đâu có; cách bố trí các hoa văn trang trí trên nóc nhà long, lân, quy, phụng; mái lợp ngói âm dương có màu ảnh hưởng kiến trúc cung đình; còn kiểu trang trí hoa sen, chữ vạn, lá bồ đề, Pháp luân của chính Phật giáo tạo nên cho chùa Huế có nhiều sắc thái.

Kiến trúc chùa Việt Nam được xây dựng và phát triển khá đa dạng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau, không gian khác nhau. Ở miền Bắc chùa kiểu chữ Đinh phổ biến, ở miền Nam kiểu chữ Tam. Trong khi đó, Chùa Huế đa số xây dựng theo kiểu kiến trúc chữ “Khẩu”. Chùa hình chữKhẩu đặc trưng về phong cách kiến trúc của chùa chiền xứ Huế. Điện thờ Phật ở trước, hai bên có hai nhà: tăng xá và nhà khách; sau có nhà hậu đường. Bốn ngôi nhà khép kín thành một hình vuông giống như chữ “khẩu”. Khoảng trống ở giữa làm nơi trồng hoa cây kiển. Phần hậu điện thờ Tổ và ba nhà kia đều mở cửa nhìn ra khoảng vuông trồng hoa cảnh này, tiêu biểu là chùa Tây Thiên, chùa Từ Đàm, chùa Diệu Đế, chùa Báo Quốc, chùa Ba La Mật, chùa Phổ Quang…

Toàn bộ chùa Huế gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ khác nhau, được bố trí hài hòa trong cách thờ tự, sinh hoạt và tiếp khách. Từ ngoài vào trong chùa Huế được xây dựng theo thứ tự: cổng, sân vườn, lầu chuông,chính điện, tăng xá, nhà khách, hậu đường.

Cổng là một bộ phận khổng thể thiếu trong thành phần chùa Huế, đa số cổng chùa Huế thường xây dựng theo kiểu tam quan là một ngôi cổng có ba cửa ra vào, có nhiều chùa hai tam quan, một tam quan. Bên cạnh đó, có một số chùa xây dựng bốn trụ cột dùng để tạo Tam quan như kiểu chùa Thiên Mụ, chùa Kim Sơn… mỗi trụ cột có một vế đối bằng chữ Hán. Qua cổng tam quan là đến sân chùa. Sân chùa thường đặt các chậu cây cảnh, hòn non bộ với mục đích làm tăng thêm cảnh quan thiên nhiên cho ngôi chùa, điểm đặc trưng của chùa Huế là có nhiều câythị, cây bồ đề, cây tùng, cây mai, cây nhãn, cây thông và nhiều loại hoa thơm. Mùa hè đến lá thì xanh, quả thì chín vàng thơm ngát trong gió lộng. Trong sân chùa Huế thường có các ngọn tháp được xây dựng ở đây như chùa Thiên Mụ, chùa Tây Thiên, chùa Từ Hiếu, chùa Huyền Tôn…

Từ sân chùa lên một số bậc thềm là tiền đường, chính điện. Trong đó, tiền đường và chính điện được hợp thành theo kiểu kiến trúc “trùng thiềm”. Đây là kiểu kiến trúc đặc trưng của Huế. Chính điện và tiền điện nối kết với nhau qua một hệ thống trần thừa lưu, phía trên trần thừa lưu là một máng xối dùng để thoát nước từ hai mái. Số lượng của tiền đường tùy thuộc vào qui mô của chùa, lớn nhất 5 gian không thiết kế chái, thông thường chùa Huế 3 gian không thiết kế chái. Qua tiền đường là chính điện. Chính điện là phần quan trọng nhất của ngôi chùa vì nơi đây bày những pho tượng Phật chủ yếu, nên được thiết kế theo lối 3 gian 2 chái. Toàn bộ tòa nhà được đặt trên nền cao từ 0,65m – 1m bó vĩa bằng đá cẩm thạch.

Bộ mái của chùa được lớp ngói âm dương, mái chia làm hai lớp để giảm bớt sự nặng nề. Đỉnh nóc của chính điện trang trí lưỡng long chầu chữ vạn hoặc lưỡng long chầu pháp luân . Trên nóc mái của tiền đường đắp hình rồng đội pháp luân hoặc hoa sen, bốn góc bờ quyết có hình tượng long, lân, quy, phượng hay dạng hoa văn uốn theo dạng rồng. Hàng cột mái thanh thoát cắm xuống sân, tạo cho ngôi chùa một “chiều cao ảo”, nhằm hạn chế cảm giác ngôi chùa quá thấp khi nhìn từ ngoài vào.

Các mô típ trang trí ở các kiến trúc như: cổng chùa, nhà bia, tiền đường, chính điện với những hoa tiết trang trí mang đậm tính mỹ thuật Huế. Ngoài ra, các vì kèo được thiết kế theo lối chữ công, vì kèo canh ác hay các vì kèo hình cá chép các nghệ nhân xưa chạm lộng, chạm nổi, chạm trổ một cách khéo léo và tinh xảo khiến người ta quen đi chức năng nâng đỡ của nó để nghỉ đó những chí tiết làm đẹp.

Phần trang trí trong nội thất của chùa Huế cũng đáng chú ý. Tầng cao nhất của bàn thờ ở chính điện, thường có ba pho tượng gọi là “Tam thế Phật” tức là các vị Phật của ba thời gian: Phật quá khứ là Phật A Di Đà; Phật hiện tại là Thích Ca Mầu Ni; Phật tương lai là Phật Di Lặc. Trên bàn thờ chính ở gian giữa chính điện thường thấy pho tượng Phật Thích Ca đản sinh và tượng Chuẩn Đề nhiều, phía dưới bàn kinh và chuông mỏ . Gian bên trái thờ tượng Bồ Tát Quan Thế Âm; gian bên phải thờ tượng Bồ Tát Đại Thế Chí. Ngoài ra, còn có một số chùa gian ở giữa thờ Phật; gian bên trái thờ thánh; gian bên phải thờ Địa Tạng; có chùa thờ tam giáo như: Thích giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni, Nho giáo của Khổng Tử, Đạo giáo của Lão Tử

Dãy nhà đối diện chính điện nằm ở phía tây bên phải là tăng xá dùng làm nơi ở cho các nhà sư mỗi sư được một phòng; các vị đồng tu, sống cuộc sống “lục hòa”, cùng thờ vị Hòa thượng trù trì chùa đó. Năm ở phía đông bên trái đối diện chính điện là dãy nhà khách và nhà ăn. Phía sau Hậu điện là nơi thờ các vi khai sơn chùa.Có thể nói, Huế ngày này còn bảo lưu một khối lượng lớn những di sản vật chất và tinh thần mang tính văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ngoài ra, Huế từng là thủ đô Phật giáo của Việt Nam một thời, Huế còn lưu giữ khoảng một trăm ngôi chùa lớn, nhỏ hiện tọa lạc giữa những thung lũng của vùng gò đồi tĩnh mịch hay trong các thôn làng hẻo lánh. Đặc biệt, là sự hợp thành tiền đường hay chính điện làm theo kiểu “trùng thiềm” là kiểu nhà đặc trưng của Huế, không đâu có. Bên cạnh cách bố trí các mô típ long, lân, quy, phụng, mái lợp ngói âm dương, ảnh hường kiến trúc cung đình thời Nguyễn; còn có kiểu mô típ hoa sen, pháp luân, chữ vạn, lá bồ đề của Phật giáo, tạo cho chùa Huế có nhiều sắc thái được giới nghiên cứu văn hóa đánh giá rất cao và nghiên cứu tỉ mỉ với thời gian lâu. Để góp vào kho tàng văn hóa Việt Nam một nét đặc biệt không thể bỏ qua được.

Nguyễn Văn Tưởng
ĐTPT số 14/2008

Check Also

df4c8f78-8baa-4003-93de-f50193785257

Kiến trúc cầu Việt Nam dưới góc nhìn của nhà phê bình mỹ thuật

Sự kiện công bố phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo theo kiểu “xứ …