Home / QUY HOẠCH / KIẾN TRÚC / BÀN VỀ ĐÔ THỊ

BÀN VỀ ĐÔ THỊ

Đề tài ĐÔ THỊ là một đề tài rất rộng lớn, khó đề cập đến một cách mạch lạc và đầy đủ. Đây là loại đề tài tự nó đã có mâu thuẫn với chính nó. Lúc nào chúng ta có khả năng định nghĩa được rõ ràng thế nào là một đô thị thì chính lúc đó đề tài đô thị sẽ tự mất đi, vì đô thị là một môi trường sống linh động, khi bị đóng khung thì sẽ tự bị hủy hoại. Cũng như những đề tài về con người, nếu ngày nào đó chúng ta có một định nghĩa về con người dưới các nét rõ ràng về hình dáng, vẻ đẹp, tâm lý… thì chính lúc đó, những bộ môn như văn chương, điện ảnh sẽ không còn lý do để tồn tại nữa, những văn hào lớn, những tác phẩm lớn về văn chương và điện ảnh, phân tích con người sẽ trở thành thừa. Vì thế chúng tôi nghĩ không nắm được thế nào là một đô thị là một điều may mắn, điều này có nghĩa đây là một đề tài mở và sống, không thể đóng khung được trong không gian và thời gian.

Như đã nói, đây là một đề tài rộng, sách viết về đô thị trong phạm vi văn hóa châu Âu, châu Mỹ rất nhiều. Tuy nhiên đến nay các tác giả vẫn thường mỗi người nhìn vấn đề chỉ dưới một số khía cạnh thôi. Mặc dù sự phát triển đô thị đã xảy ra một cách rõ ràng từ khi có cuộc cách mạng công nghệ qua sự nhận thức của Engels về điều kiện nhà ở của các công nhân Anh thời ấy nhưng những quan niệm về đô thị thật ra đã có từ thời thượng cổ qua những nhà triết học như Platon, kiến trúc sư như Vitruve khi ông khuyên César phải biết lựa nơi lành mạnh để lập thành phố, có sông, có khí thông thoáng; thời trung cổ qua các tác phẩm như như La cité de Dieu cua Saint Augustin; thời phục hưng với quan niệm của Thomas More qua quyển sách La Cité Idéale; thế kỷ 19 với các quan niệm của Camillo Sitte về thẩm mỹ đô thị, của Raymond Unwin về sự liên hệ giữa đô thị và đồng quê, của Cerda về quy hoạch thành phố và chính ông là người đầu tiên đặt ra chữ Urbanisme để chỉ định bộ môn này, và với sự cấu tạo lại thành phố Paris của Napoleon 3 và nam tước Haussmann, đi thẳng vào thực hành, không qua lý thuyết; đầu thế kỷ 20 với các KTS như Le Corbusier và tập đoàn CIAM và quyển sách La Charte d’Athène, đề nghị đi đến những giải pháp cực kỳ mới mẻ, với quan niệm phải phá bỏ hết những thành phố cũ vì cho rằng những thành phố này không còn đáp ứng được với điều kiện sống hiện đại. Ngoài ra, những nhà nghiên cứu về đô thị cũng rất nhiều, với trường phái Pháp qua quyển L’Urbanisme của Marcel Poète, về địa lý đô thị (géographie urbaine) của Lavedan, gần đây với những tác phẩm rất quan trọng của bà Francoise Choay, của Paul Asher, phía Anh Quốc với Christopher Alexander qua khuynh hướng rất toán học, với Lynch của Mỹ qua quyển Image de la cité, với Lewis Mumphor, với Benovolo của Ý, với Max Weber thiên về tổ chức hành chính.v.v.. Chúng tôi muốn nói tóm tắt rằng những sách bàn về đô thị đã có rất nhiều, vậy thì tại sao ngày hôm nay đề tài đô thị vẫn được đề cập, phải chăng đây là đề tài không thể có câu trả lời chính xác và đầy đủ được, hay ngược lại, đây là một đề tài rất bé nhưng phải được đề cập đến một cách cụ thể: cho trường hợp nào, nơi nào…chỉ đơn giản vậy thôi.

Thủ đô Paris - Pháp
Thủ đô Paris – Pháp

BÀN VỀ ĐÔ THỊ TRONG TRƯỜNG HỢP ĐÀ NẴNG

Qua những nhận xét nói trên, qua quá trình lịch sử của các đô thị phương tây, chúng ta có giữ lại được kinh nghiệm nào không?

Đặt vấn đề: trước khi xem có thể thu thập gì qua các kinh nghiệm phương tây, chúng tôi nghĩ phải không quên những điểm sau:

Nói tóm lại, đô thị trước hết là mỗi hình thức của môi trường sống, trong nghĩa rộng, bao gồm điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, địa lý, khí hậu, văn hóa, lịch sử của mỗi trường hợp khi vấn đề  đô thị được đặt ra.

Ngoài ra, trên cơ bản nói trên như những điều kiện tất yếu, chúng ta hiện cũng đang trong tình trạng của những biến đổi quan trọng như là cuộc cách mạng công nghệ của thế kỷ 19, là cuộc cách mạng về tin học, viễn thông, điện thoại cầm tay, mạng internet.. Chúng ta đang đi dần vào thế giới không thật (monde virtuel) vừa về kinh tế, vừa về liên hệ. Ngày hôm nay có thể kiến trúc văn phòng sẽ bị thay đổi mạnh, một văn phòng tại Pháp có thể làm việc trực tiếp với một văn phòng tại Việt Nam qua thời giờ thật (temps réel) mà không phải di chuyển bằng máy bay để gặp nhau. Về đòi hỏi vật chất, một văn phòng sẽ chỉ cần diện tích rất bé, người làm việc có thể ở bất cứ nơi nào, điều này dẫn đến xu hướng một văn phòng chia cho nhiều người sử dụng để giảm phí tổn không cần thiết. Hiện nay, những nhà kinh tế và xã hội học như ông Attali của Pháp cho rằng xã hội châu Âu sẽ đi dần vào xã hội của những người không ở cố định (nomade).

Lại một lần nữa, trùm lên những biến đổi về công nghệ (technologie) như thể chúng ta lại có thêm sự biến đổi về thời tiết trên toàn thế giới, bắt chúng ta phải đặt ra câu hỏi làm thế nào bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường thiên nhiên, tìm cách giảm việc các ngành kỹ nghệ thải khí CO2 ra quá nhiều làm tăng độ nóng, thay đổi hình dạng môi trường địa lý vì nước biển sẽ dâng lên đe dọa những thành phố ven biển. Những lo lắng này dẫn đến quan niệm phát triển bền vững, tìm cách giảm bớt CO2 thải ra, giảm sử dụng nhiều năng lượng, tìm cách dùng những năng lượng gọi là sạch từ mặt trời, gió, biển thay cho những năng lượng hiện dùng như dầu hỏa, than…

Dĩ nhiên quan niệm này sẽ mang lại nhiều thay đổi trong việc cấu tạo đô thị, kiến trúc, tìm cách giảm độ xa của di chuyển bằng cách tăng mật độ xây dựng, dùng vật liệu tự phân hủy để không làm hỏng môi trường, cần ít năng lượng trong quá trình sáng tạo và sử dụng. Tuy nhiên, như mọi vấn đề, tất cả các quan niệm này hiện nay đều có mâu thuẫn của chính nó.

Nói một cách cụ thể, như hiện nay bên Pháp, vấn đề hành chính đang được thay đổi rất nhiều, người công dân không còn cần phải đi đến các trụ sở hành chính để xin đơn, nộp đơn mà có thể làm tất cả các việc đó qua mạng. Như vậy các cơ quan hành chính sẽ được bố trí ra sao?

Cũng thế, hiện nay việc mua bán qua mạng ngày càng phát triển, vậy các cửa hàng, dịch vụ sẽ ra sao, chúng ta còn thấy những quan cảnh thành phố với các cửa hàng tấp nập nữa không, chúng ta có càng ngày càng đi vào thế giới giả (monde virtuel) không ?

Với hệ thống mạng internet, các sự liên hệ đều bị thay đổi theo bề sâu, vậy thì đô thị còn có lý do để tồn tại nữa không?

Đầu thế kỷ 20, nhóm CIAM cho rằng các thành phố cũ không còn đáp ứng được với đời sống mới, nhất là với sự phát triển chưa từng thấy của hệ thống giao thông bằng ô tô, đường phố cũ quá chật hẹp tạo ra khó khăn trong vấn đề di chuyển, làm mất nhiều thời giờ.

Ngày hôm nay, với quan niệm phát triển bền vững, các nước phương tây đang đi đến giải pháp bỏ xe ô tô cá nhân, khuyến khích mọi người sử dụng phương tiện công cộng như xe điện ngầm, tramway.. Paris sau khi bỏ tramway nay lại đang cấu tạo lại hệ thống này vì ít ô nhiễm không khí thành phố. Như thế, chúng ta nhận thấy tự nhiên các thành phố lại trở nên có thể đáp ứng được cho đời sống hiện nay vì không cần nhiều không gian hơn mà ngược lại các nhà quy hoạch đang tìm cách tăng mật độ xây dựng của các thành phố này bằng cách cho xây cao hơn.

Qua sự biến đổi quá nhanh về công nghệ, mọi người đều biết là hiện nay chúng ta không còn khả năng để tìm hiểu các biến đổi trong tương lai về đời sống hàng ngày ra sao, vì thế chúng tôi nghĩ rằng đô thị ngày hôm nay phải được suy nghĩ như một hệ thống mở (système ouvert), dựa trên sức mạnh phát triển của thông tin (information), xã hội ngày hôm nay sẽ là xã hội của liên lạc (communication).

TẤT CẢ CÁC QUAN NIỆM VỀ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN ĐỀU PHẢI ĐƯỢC SUY NGHĨ LẠI

Ngoài ra, chúng tôi nghĩ phải nghiên cứu theo từng trường hợp cụ thể, không thể đặt vấn đề một cách mông lung.

PHẠM ANH DŨNG

ĐT&PT SỐ 66/2017

                                                                                                                        

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …