Home / QUY HOẠCH / Lựa chọn mô hình: PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG BỀN VỮNG

Lựa chọn mô hình: PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG BỀN VỮNG

Mỗi đô thị có một vị trí địa lợi và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, việc quy hoạch biết phát huy đầy đủ mọi lợi thế, tạo nên một cấu trúc phát triển hài hòa của thành phố là một bước quan trọng, tuy nhiên quá trình kiểm soát phát triển đòi hỏi phải có những chiến lược thích hợp với từng giai đoạn, vừa cần những khung đột phá tạo sức bật cho thành phố phát triển nhưng cũng cần sự thận trọng khi khai thác những tài nguyên quý hiếm của chính mình…

2_cmykHơn hai thập niên qua thành phố Đà Nẵng đã chuyển mình với một vóc dáng hoàn toàn mới, rất nhiều những bài báo ca ngợi về sự phát triển của thành phố, với nhiều cung bậc khác nhau. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế cũng đã xếp hạng thành phố Đà Nẵng là một trong những thành phố năng động và đáng sống nhất ở Việt Nam. Tôi cũng là một trong những người được có cơ hội tham gia nghiên cứu Quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng từ những năm đầu của quá trình đột phá, đã chứng kiến từng bước đổi thay của thành phố, từng chiếc cầu lần lượt được xây dựng, để quyết tâm nối hai bờ sông Hàn, làm bừng lên sức sống mới của khu bờ đông sông Hàn và cả vùng ven biển Sơn Trà, Mỹ Khê, và Non Nước. Bắt đầu từ chiếc cầu quay khu vực trung tâm, khi đó còn phải huy động kinh phí từ cộng đồng, chắt chiu nguồn kinh phí hạn hẹp để xây dựng.

Quy hoạch nối tiếp quy hoạch, dự án nối tiếp dự án, các không gian đô thị càng ngày càng có những màu sắc mới với nhiều cây cầu hiện đại, hình dáng đẹp, tự tin vươn qua các khúc sông Hàn, hai bên sông được trau chuốt cảnh quan với những lối đi bộ và những điểm cảnh, khu vực ven biển cũng thay đổi hoàn toàn, vừa được tập trung đầu tư hạ tầng hiện đại, vừa có biện pháp quản lý môi trường tốt, biển sạch và hấp dẫn hơn với các quảng trường biển, tượng đài, hoa và hệ thống đèn chiếu sáng, cây xanh cảnh quan và những đàn chim hòa bình tạo nên một không khí thanh bình êm ái với nhiều sắc màu ban ngày cũng như ban đêm. Đặc biệt thành phố đã mạnh dạn khai thác bán đảo Sơn Trà, với một số công trình khách sạn cao cấp và công trình tâm linh, điểm tượng Phật Bà Quan âm với hướng nhìn độ lượng tỏa hào quang cho thành phố. Đỉnh núi Bà Nà không thể không nhắc đến bởi sức hút du lịch mạnh mẽ, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc xây dựng khai thác trên đỉnh núi quá nhiều công trình đồ sộ, nhưng trước mắt đã đáp ứng nhu cầu du lịch của khách trong nước và quốc tế, phần nào cũng tạo được những điểm vệ tinh quan trọng cho sự phát triển của Thành phố Đà nẵng hôm nay.

(Từ năm 1997, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực. …. Đà Nẵng đã liên tục thay đổi gương mặt của mình. Chưa bao giờ trong quá trình phát triển, Đà Nẵng quyết liệt như thế trong nhu cầu tự làm mới mình. Sự phát triển Đà Nẵng vừa là nhu cầu tự thân, vừa là để đáp ứng yêu cầu của một thành phố đầu tàu có sứ mệnh liên đới trách nhiệm đối với miền Trung trong giai đoạn mới của đất nước – Theo Đà Nẵng toàn cảnh – NXB Đà Nẵng, 3. 2010)

Thành phố ngày càng vươn cao hơn với nhiều công trình kiến trúc cao tầng hiện đại, dài rộng hơn với những mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đường rộng hơn dài hơn, mênh mang với biển rộng sông dài. Thành phố bên bờ biển xanh với hàng trăm km bờ cát trắng mịn bãi tắm thoải dài hấp dẫn, nhiều khách sạn cao cấp phát triển, tiềm năng cho một tương lai rộng mở. (Biển Đà Nẵng đã được xếp hạng là một trong những biển đẹp nhất trên Thế giới).

Trước đây, khi nói đến Đà Nẵng ai cũng hiểu đó là thành phố cảng biển, trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung. Cảng Tiên Sa vẫn là một trong những mũi nhọn kinh tế của Thành phố và vùng miền Trung, cảng biển vẫn là một cơ cấu không thể thiếu được, nhưng hiện nay du lịch cũng đang vươn lên song hành với kinh tế cảng biển, thậm chí đã trở thành tính chất chính của thành phố tạo nên sức mạnh cộng hưởng, là động lực của Kinh tế Biển khu vực miền Trung.

(Tính chất của Thành phố Đà Nẵng: Là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, trung tâm kinh tế lớn của quốc gia về du lịch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ tài chính ngân hàng, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia; Là trung tâm văn hóa thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, trung tâm khoa học kỹ thuật và công nghệ của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; Là đầu mối giao thông, viễn thông quan trọng trong vùng, quốc gia và quốc tế; Là một trong những địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước – theo Quyết định số 2357/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2013 của Thủ Tương Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050).

Phát triển nhanh và nóng, sức bật mạnh có thể tạo nên sự chuyển mình đáng kể của thành phố, nhưng không khỏi có những điểm hạn chế, hoặc là va vấp, có thể sẽ là nguy cơ của sự mất cân bằng sinh thái của thành phố Đà Nẵng nếu không kịp thời cân nhắc và điều chỉnh. Bài viết sẽ đề cập đến một số vấn đề cho sự cân nhắc để định hướng cho thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.

6_cmyk

1/ Vấn đề sử dụng tài nguyên đối với các hệ sinh thái

Hệ sinh thái của thành phố Đà Nẵng là một hệ sinh thái đa dạng tổng hợp với đầy đủ từ hệ sinh thái núi đồi, đồng bằng, sông, biển, bán đảo và hải đảo xa (Quần đảo Hoàng Sa). Đối với thành phố du lịch biển, tài nguyên quan trọng nhất là hệ sinh thái biển và ven biển, thành phố Đà Nẵng có điều kiện tự nhiên ưu đãi với chiều dài bờ biển hơn 60km với nhiều khu vực đặc thù khác nhau, theo chiều dài ven biển, chất lượng sử dụng và phương thức sử dụng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của thành phố. Dải ven bờ biển Đà Nẵng có thể chia thành 2 khu vực có đặc thù khác nhau: Khu ven bờ Bắc thuộc vùng Vịnh Đà Nẵng (khoảng gần 20km), có tiểu khí hậu vùng vịnh chịu ảnh hưởng gió Bắc và sinh thái biển khác với khu ven bờ Đông. Hầu hết bãi biển Đông từ Sơn Trà đến Ngũ Hành Sơn, trực tiếp với biển Đông bãi biển thoải cát trắng, nước trong xanh. Việc sử dụng và giao đất dự án ven bờ biển đã rất bất cập (các khu vực có điều kiện tắm biển tốt) hầu như cơ bản đã hết quỹ đất, thậm chí là từ khu vực bãi Sao Biển đến hết giới hạn phía Nam của thành phố, các dự án đã khoanh đất để chuẩn bị xây dựng (bao kín bờ biển đến 80%).

Việc khai thác quỹ đất ven biển vào du lịch một cách ồ ạt và triệt để như vậy (chỉ trong vòng hơn 10 năm) có thể tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu đất vàng của thành phố, kích thích du lịch phát triển, tuy nhiên sự ồ ạt và dàn trải, chiếm lĩnh hầu hết bờ biển đẹp đã vô hình tự bóp nghẹt thành phố trong tương lai, kiểu (hết nạc mới vạc đến xương), (phần ngon ăn trước, dở để cho sau), vì không có chiến lược sử dụng và khai thác tài nguyên theo từng phần đồng bộ, dẫn đến khi phía Đông ồ ạt xây dựng che chắn hết mặt tiền với biển, phần phía tây còn lại sẽ mất đi cái giá trị đáng có của nó, hạn chế giá trị sử dụng tài nguyên cho tương lai.

Hệ sinh thái ven sông Hàn trong 20 năm qua cũng đang được khai thác triệt để, việc tích cực chuyển đổi một số chức năng sử dụng đất ven sông cho mục đích du lịch và cảnh quan, cùng với việc xây dựng hệ thống cầu đô thị qua sông đã phần nào đổi mới bộ mặt thành phố thêm văn minh hiện đại và cũng có cái riêng (bản sắc của đô thị – hình ảnh riêng). Tuy nhiên hai bên bờ sông cũng có những giới hạn sinh thái của nó, sự lan tỏa từ khu vực trung tâm đến khu vực ven đô cũng  gần như được sử dụng một cách triệt để. Đồ án Quy hoạch chung mới được duyệt cũng chủ yếu tập trung khai thác khu vực ven sông và ven biển, khu vực đồng bằng hầu như chưa có chiến lược hợp lý cho tương lai.

2/ Công bằng xã hội và hệ sinh thái nhân văn xã hội

Để hướng tới một môi trường sinh thái xã hội nhân văn bền vững của thành phố Du lịch, sự cộng sinh, tương tác giữa các cộng đồng dân cư với khách du lịch là vô cùng cần thiết. Người dân đô thị chính là Chủ thể của thành phố và khách du lịch là Khách thể không thể thiếu được đối với thành phố du lịch. Sự giao thoa giữa văn hóa bản địa với các nền văn hóa khác nhau của khách du lịch tạo nên một sắc thái đa dạng và phát triển cho môi trường du lịch. Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức tốt lễ hội Pháo hoa quốc tế, tuy các không gian dành cho cộng đồng dân cư của thành phố cũng còn hạn chế nhưng phần nào cũng đã khai thác tốt được cảnh quan không gian và sự giao lưu cộng đồng quốc tế với thành phố. Quy hoạch thành phố cần phải nghiên cứu để tạo được nhiều không giao tiếp cộng đồng có quy mô và điều kiện thích hợp sẽ là những điểm thu hút cho chủ thể và khách thể được kết nối và tụ hội, trao đổi giữa các nền văn minh trên thế giới.

Người dân của thành phố cũng có quyền được hưởng thụ những tài nguyên sinh thái của thành phố như nhu cầu của khách du lịch, do đó nếu thành phố có quá nhiều khu vực biệt lập (các khu resorts) cho du lịch ở các điểm đẹp nhất sẽ là không công bằng với người dân thành phố, đặc biệt là số đông người có thu nhập trung bình, đã sống nhiều đời ở thành phố, có thể chẳng bao giờ được hưởng những điều kiện tuyệt vời của thành phố nơi mà họ sinh sống. Những chủ thể có thể chính là những người làm những công việc phục vụ cho các khu du lịch hoặc cung ứng tiếp phẩm vv…

Hướng tới tương lai phát triển một thành phố du lịch cao cấp, các khu vực lưu khách và dịch vụ du lịch đã và đang có xu hướng xây dựng theo chất lượng cao, đây là điều đáng mừng cho tương lai thành phố. Tuy nhiên muốn phát triển một cách cân bằng, khu vực đô thị nói chung và khu dân cư (khu ở của dân cư đô thị) cũng phải được quan tâm đầu tư hợp lý với chất lượng cao hài hòa trong tổng thể phát triển, tránh để tồn tại những khu nghèo, khu đô thị ô nhiễm lộn xộn nhếch nhác.

MO HINH

3/ Môi trường sinh thái và tác động của Biến đổi khí hậu

Hệ sinh thái tự nhiên có một cấu trúc rất chặt chẽ, nó có thể tự chuyển hóa để lấy lại cân bằng một cách tự nhiên trong sự tương hỗ của các hệ sinh thái. Thành phố Đà Nẵng là khu vực không lớn nhưng chứa đựng một cấu trúc sinh thái tự nhiên liên hoàn từ núi đến đồng bằng, sông, biển, đảo, sự liên kết đó trong một tiểu vùng vi khí hậu miền Trung Trung bộ là một môi trường sinh thái tự nhiên  khá hoàn hảo. Quá trình đô thị hóa với hơn 1 triệu người đã và đang khai thác tài nguyên của khu vực để phát triển một thành phố ngày một đồ sộ hơn về khối tích xây dựng, và bỏ ra môi trường một lượng chất thải khủng khiếp, chưa kể lượng hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm. Môi trường sinh thái suốt dọc bờ biển đã bị khai thác phục vụ du lịch, hệ sinh thái ven bờ bị ô nhiễm, nhiều khu vực san hô đã bị hủy hoại (khu vực chân bán đảo Sơn Trà)…chỉ còn là những bãi xác San hô. Mặc dù thành phố Đà Nẵng là một trong những thành phố sạch, công tác quản lý môi trường khá tốt, nhưng nhu cầu đô thị hóa ngày càng cao, lượng xe cơ giới ngày càng nhiều, sự đan cài giữa đường xe tải lớn (Contener) chở hàng từ cảng qua khu dân cư và khu du lịch vvv..đang gây ra nhiều bất cập đối với môi trường thành phố.

            Những dự án đã và đang chuẩn bị xây dựng ven sông, ven suối và đặc biệt ven biển, có thể vì lợi nhuận và lợi ích khu vực trực tiếp khai thác có thể làm phá vỡ cấu trúc sinh thái tự nhiên, và phát sinh những tác hại cho các khu vực lân cận hoặc khu vực ảnh hưởng khác. Ví dụ một số khu vực do xây thêm kè cứng và một số cầu cảng, khu vui chơi ở bờ biển sát nước, đã vô tình gây tác động làm thay đổi dòng hải lưu, ảnh hưởng đến các bãi tắm ở cách hàng chục km, bị xói lở và mất hẳn cấu trúc bãi tắm vv.. điều này cho thấy một số khu vực của Đà Nẵng đang có dự kiến xây dựng khu Thủy cung ở Nam bán đảo Sơn Trà … cần hết sức thận trọng, có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp ngay các bãi biển Mỹ Khê và các bãi khác. Việc xây dựng quá dày đặc các khu vực ven sông và ven biển cũng làm hạn chế các dòng tụ thủy từ trên núi ra sông, biển, gây úng lụt trong mùa lũ ở thượng nguồn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đối với thành phố Đã Nẵng mà còn các khu vực tỉnh khác trong vùng sinh thái.

Biến đổi khí hậu có tính chất toàn cầu, nhiều tổ chức Quốc tế đã cảnh báo đối với Việt Nam (VN là 1 trong 5 quốc gia có nguy cơ bị tác động rủi ro nhất), đặc biệt là các thành phố ven biển Việt Nam. Những năm gần đây khí hậu cực đoan đã thể hiện khá rõ ràng, ngay khu vực Cửa Đại  tỉnh Quảng Nam, mưa to, sóng lớn đã làm xói lở hàng km bờ biển, hàng loạt các Resorts ven biển đã không còn bãi cát tắm biển, nước biển đã dâng và xói nhiều khu vực đến tận chân công trình khách sạn… Đây cũng là những cảnh báo cho các khu bờ biển của Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều công trình ngay sát bờ biển.

MO HINH 1

4/ Lựa chọn mô hình phát triển thành phố

Tương lai của Đà Nẵng nên theo mô hình phát triển như thế nào? Trong bối cảnh hiện nay, vẫn tiếp tục đột phá, thu hút đầu tư, xây dựng hàng loạt khách sạn và nhà cao tầng khu vực trung tâm và ven biển ?.. Những năm gần đây chính quyền thành phố đã rất tích cực tiếp cận nhiều mô hình phát triển đô thị, nhiều tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ Đà Nẵng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến các bài học kinh nghiệm, các mô hình phát triển như mô hình thành phố Thông minh “Smart City”, thành phố Xanh “Green City”, thành phố Nước, thành phố Đáng sống “Livable City”, thành phố Sinh thái “ECO City” thành phố Sinh thái – Kinh tế “ECO2 City” thành phố Các bon thấp “Low Cabon City” vv…?

Việt Nam là quốc gia mới thoát nghèo, GDP trung bình đầu người mới chỉ gần 2000USD/ng/năm, các nguồn đầu tư hạ tầng hầu hết còn đi vay, đô thị phát triển không đồng bộ, do đó rất khó có thể áp dụng riêng một mô hình nào là hoàn hảo. Mỗi mô hình đều có những mặt tiên tiến và đều cần thiết cho thành phố, mỗi mô hình đều hướng tới những mục tiêu chủ đạo như đô thị cần nhiều không gian Xanh, môi trường sống Xanh thân thiện môi trường, cân bằng sinh thái, khai thác tốt yếu tố mặt nước cho không gian đô thị, phát huy hiệu quả của địa kinh tế để khai thác phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo cân bằng sinh thái, giữ gìn bảo vệ thành phố ít phát thải nhất, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác tốt năng lượng tự nhiên, và tạo một môi trường dịch vụ và môi trường sống của thành phố thông minh nhất… hướng tới một nền kinh tế tri thức trong tương lai. Tất cả các mục tiêu cụ thể nêu trên của các mô hình tiếp cận đều hướng tới một mục tiêu chung là phát triển bền vững. Do đó mô hình phát triển thành phố Đà Nẵng là một mô hình tích hợp.

20_cmyk

Mỗi đô thị có một vị trí địa lợi và điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội khác nhau, việc quy hoạch biết phát huy đầy đủ mọi lợi thế, tạo nên một cấu trúc phát triển hài hòa của thành phố là một bước quan trọng, tuy nhiên quá trình kiểm soát phát triển đòi hỏi phải có những chiến lược thích hợp với từng giai đoạn, vừa cần những khung đột phá tạo sức bật cho thành phố phát triển nhưng cũng cần sự thận trọng khi khai thác những tài nguyên quý hiếm của chính mình, những tài nguyên hữu hạn cần phải có dự trữ cho tương lai. Vừa phải tích cực tạo những khu vực động lực cho kinh tế thành phố phát triển đồng thời với bảo vệ hệ sinh thái đô thị bền vững. Các giải pháp tăng trưởng Xanh và sử dụng sự hỗ trợ của Công nghệ tin học để quản trị thành phố, áp dụng vận hành các hệ thống dịch vụ và môi trường sống tốt một cách thông minh là lựa chọn tất yếu của thành phố Đà Nẵng, đây không chỉ tạo cho thành phố năng động hơn mà còn tạo nên một nền tảng cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian thành phố có thể áp dụng các hệ thống cảnh báo sớm cho cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu và hỗ trợ kịp thời đối với các rủi ro thiên tai.

Lời kết: Lựa chọn những giải pháp thông minh, tích hợp một cách hiệu quả, thận trọng trong phát triển, khai thác đồng thời với giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, tạo một môi trường sống tốt cho hiện tại và tương lai con em chúng ta, đấy là những định hướng quan trọng nhất cho thành phố Đà Nẵng phát triển bền vững trong tương lai.

PGS.TS.KTS Đỗ Tú Lan

ĐT&PT SỐ 64/2016

Tài liệu tham khảo:

UBNDTP Đà Nẵng: Đồ án QHC TP Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Đỗ Tú Lan, Nghiên cứu Sinh thái đô thị cho quy hoạch xây dựng các đô thị ven biển Việt Nam, Luận án Tiến sỹ 2004

Đỗ Tú Lan, Sinh thái đô thị và đô thị sinh thái – Mục tiêu nghiên cứu QHĐT du lịch ven biển Việt Nam, TC Quy hoạch XD ISSN 1859-3054, No 1, 2002

Đỗ Tú Lan, Một số giải pháp ý tưởng phát triển thành phố ECO2, TC Quy hoạch XD, ISSN 1859-3054 No 42, 2009.

Các ảnh chụp của Tác giả và khai thác trên mạng; Các sơ đồ phân tích nguồn Tác giả

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …