Home / VẤN ĐỀ HÔM NAY / XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

XÂY DỰNG ĐÀ NẴNG THÀNH ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Với lợi thế so sánh của mình, phát triển đô thị thông minh (smart city) có thể là phương thức có hiệu quả giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của Đà Nẵng, đưa Đà Nẵng trở thành đô thị toàn cầu (global city), là loại đô thị có vai trò nổi trội trên phạm vi toàn cầu. Để nói rõ ý tưởng này, trước tiên cần đề cập đến khái niệm năng lực cạnh tranh đô thị và lợi thế so sánh của Đà Nẵng để xây dựng thành đô thị thông minh.

cau-song-han7Nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị

Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1997) đến nay, Đà Nẵng đã phát triển nhanh, đạt được thành tựu to lớn về mọi mặt. Đà Nẵng thuộc tốp dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của nước ta.

Không bằng lòng với những gì đã đạt được, nay Đà Nẵng đang tìm tòi những ý tưởng mới giúp nâng cao hiệu quả quản lý đô thị để Đà Nẵng nhanh chóng ngang tầm với các đô thị phát triển khác của châu Á. Hiệu quả của quản lý đô thị thể hiện qua mức sống và chất lượng cuộc sống của người dân, và mức độ phồn vinh của kinh tế đô thị.

Muốn vậy thì phải xây dựng đô thị sống tốt (livable city) và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị. Năng lực cạnh tranh đô thị (urban competitiveness) không hoàn toàn giống với năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam. Nó phản ánh tổng hợp năng lực sản xuất, chất lượng cuộc sống, tiến bộ xã hội và ảnh hưởng đối ngoại của đô thị, nhất là khả năng thu hút vốn kinh doanh, công nghệ mới và chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Hàng năm, Diễn đàn quốc tế về năng lực cạnh tranh đô thị công bố Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của đô thị các nước. Năm nay có 500 đô thị được xếp hạng, với 10 đô thị đầu bảng theo thứ tự là New York, Luân Đôn, Tokyo, Paris, Chicago, San Francisco, Los Angeles, Singapore, Xơ Un và Hồng Kông. Việc xếp hạng dựa trên bộ 9 nhóm tiêu chí gồm 153 chỉ tiêu.

Lý luận về cạnh tranh đô thị có nhiều trường phái, trong số đáng chú ý có lý luận của Nghê Bằng Phi. Học giả Trung Quốc này cho rằng năng lực cạnh tranh đô thị phân thành năng lực cứng và năng lực mềm. Năng lực cứng bao gồm nhân tài, vốn, khoa học công nghệ, cơ cấu kinh tế, vị trí địa lý, môi trường và kết cấu hạ tầng. Năng lực mềm bao gồm trật tự an ninh, thể chế, văn hóa, quản lý, mức độ mở cửa.

Năng lực cứng là cánh cung, năng lực mềm là dây cung, còn mũi tên là kinh tế đô thị. Nếu cánh cung mạnh, dây cung tốt, phối hợp cung tên thỏa đáng thì tên bắn ra càng xa, đô thị càng phồn vinh.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Đà Nẵng nên xây dựng sách lược cạnh tranh tổng hợp, bao gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu là: 1. Đẩy mạnh tiếp thị đô thị (urban marketing); 2. Xây dựng hình tượng đô thị (urban image); 3. Xây dựng bản sắc đô thị (urban character); 4. Thúc đẩy cách tân đô thị (city innovation); và 5. Xây dựng đô thị bền vững (sustainable city), còn gọi là đô thị sinh thái (eco – city).

Lợi thế so sánh của Đà Nẵng

Tuy sách lược cạnh tranh phải mang tính tổng hợp nhưng trong chỉ đạo thực hiện thì không nên dàn đều nguồn lực mà phải có trọng điểm. Mới đây giáo sư Đại học Havard là Michael Porter trong bài thuyết trình rất được lắng nghe tại Hà Nội từng nhiều lần nhấn mạnh rằng muốn cạnh tranh thành công thì phải tạo sự khác biệt. Vậy trọng điểm của sách lược cạnh tranh là phải tạo sự khác biệt đó trên cơ sở tận dụng lợi thế so sánh của đô thị. Thế thì lợi thế so sánh của Đà Nẵng nhìn từ góc độ cạnh tranh là gì? Đó là: Lợi thế hậu phát. Là đô thị phát triển sau, Đà Nẵng có thể học được nhiều kinh nghiệm hay và tránh được các vết xe đổ của các đô thị đã phát triển trước.

Lợi thế địa lý. Đà Nẵng ở giữa Nam Bắc Việt Nam, gần Tây Nguyên, ở điểm cuối trên bờ biển Đông của Hành lang Đông Tây xuyên qua Việt Nam, Lào, Thái Lan đến Myanmar…Lợi thế về nguồn vốn trí tuệ và xã hội (intellectual and social capital). Người Đà Nẵng cần cù, thông minh, hiếu học. Nguồn nhân lực được đào tạo khá: Năm 2008, 19,6% có trình độ Đại học, 9,2% tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, 23,5% là công nhân kỹ thuật. Có 14 trường đại học, 19 trường cao đẳng, 13 trường trung học chuyên nghiệp, 52 trung tâm dạy nghề, với 140.000 sinh viên, học viên. Về khoa học công nghệ, hiện có Công viên phần mềm Đà Nẵng, Khu đô thị công nghệ FPT, Khu công nghệ cao, Trung tâm công nghệ sinh học Đà Nẵng. Sắp tới còn mở thêm một số trường đại học và cơ sở nghiên cứu nữa.

Lợi thế về trị lý đô thị (urban governance). Chính quyền Đà Nẵng đang trị lý tốt đô thị, lắng nghe ý kiến của dân, có nhiều chủ trương cách tân, tạo được sự đồng thuận xã hội. Phân tích các lợi thế nói trên, nghĩ rằng, muốn tạo sự khác biệt và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị thì Đà Nẵng nên xây dựng thành đô thị thông minh. Đó chính là con đường đi tắt đón đầu để phát triển nhanh Đà Nẵng trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Phát triển theo định hướng đô thị thông minh.

Trong các nhóm giải pháp của sách lược cạnh tranh đô thị thì cách tân đô thị có ý nghĩa rất quan trọng, vì ngày nay cách tân mở đường cho tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Cách tân là sự phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới, quy trình sản xuất mới, mô hình kinh doanh mới, cung cách trị lý và quản lý mới. Cách tân dựa vào tri thức, vì vậy đô thị cách tân (innovative city) có khi được gọi là đô thị dựa trên tri thức (knowledge – based city). Tùy ngữ cảnh mà nó còn được gọi bằng tên gọi khác như đô thị số hóa (digital city), đô thị sáng tạo (creative city) hay đô thị thông minh (smart/intelligent city).

Đô thị thông minh có nhiều cách định nghĩa hẹp hay rộng, nhưng tựu trung là đô thị coi trọng cách tân và đi tiên phong trong áp dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông ICT (Information and Communication Technologies).Yếu tố ICT rất quan trọng vì nó giúp nâng cao công năng đô thị, nâng cao năng lực và hiệu quả của quy hoạch, xây dựng, quản lý và cung ứng dịch vụ đô thị.

ICT không chỉ là công cụ của Chính phủ, khối kinh doanh và xã hội dân sự giao tiếp và tương tác với nhau, đạt tới điều gọi là “cộng hưởng thông tin”. ICT bao phủ Chính phủ điện tử (e – gov), thương mại điện tử (e – commerce), xây dựng điện tử (e – construction), cộng đồng điện tử (e – community)… Tuy vậy, đô thị thông minh khác với đô thị số hóa ở chỗ: mọi đô thị thông minh đều là đô thị số hóa nhưng đô thị số hóa không nhất thiết là đô thị thông minh. Đó là vì đô thị thông minh đặt trọng tâm vào năng lực giải quyết vấn đề, còn đô thị số hóa lại quan tâm đến khả năng cung ứng dịch vụ thông qua ICT.

Các yếu tố cần thiết cho việc xây dựng đô thị thông minh là: Ý chí và sự quan tâm của lãnh đạo; Được trang bị các kỹ thuật cốt lõi như GIS (hệ thông tin địa lý), GNSS (hệ dẫn đường hàng hải bằng vệ tinh), băng thông rộng, kỹ thuật ô lưới (grid)… để thực hiện “dịch vụ dựa vào vị trí LBS” (Location – based service) đạt được yêu cầu 4A (anytime, anywhere, anyway, anyone); có khuôn khổ pháp lý và thể chế phù hợp (như chữ ký điện tử, thanh toán điện tử, hải quan điện tử…); có đủ nhân tài và nguồn tài chính.

Tóm lại, đô thị thông minh là sự tổng hợp của: Trí tuệ cá nhân: trí thông minh, khả năng sáng kiến và sáng tạo; trí tuệ tập thể của cộng đồng: năng lực hợp tác trong sáng tạo, cách tân và phát minh; trí tuệ nhân tạo phục vụ mọi người: hạ tầng truyền thông, các không gian số, các công cụ trên mạng để giải quyết vấn đề.

Có 6 độ đo (dimensions) giúp nhận dạng và xếp loại đô thị thông minh. Đó là: kinh tế thông minh; lưu động thông minh (smart mobility); môi trường thông minh; nhân dân thông minh; lối sống thông minh (smart living); và trị lý thông minh. Nên dựa vào các độ đo này để định ra chiến lược phát triển Đà Nẵng thành đô thị thông minh. Hiển nhiên, công tác giáo dục đào tạo là biện pháp rất quan trọng trong việc tạo ra nguồn vốn con người (human capital) để phát triển đô thị thông minh.

Những đề xuất cụ thể: Nếu chấp nhận định hướng đó thì hiển nhiên sẽ định ra được chiến lược phát triển và chương trình hành động để đi đến mục tiêu. Thế nhưng dù không đặt trọng tâm vào xây dựng đô thị thông minh thì Đà Nẵng cũng vẫn phải gỡ một số nút thắt đang hạn chế sự phát triển của mình.

  1. Du lịch ven biển miền Trung đang phát triển nhanh, vậy lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng cần tận dụng lợi thế đầu mối của tuyến “con đường di sản”, chủ yếu đoạn từ Huế đến Hội An, bao gồm cả đỉnh đèo Hải Vân, vì vậy cần chủ động phối hợp với Thừa Thiên – Huế và Quảng Nam để xúc tiến tiếp thị cho tuyến này, góp công sức vào nâng cấp các sản phẩm du lịch trên toàn tuyến chứ không bó hẹp trong địa giới của mình, đặc biệt là nâng cấp giao thông toàn tuyến cho hiện đại và an toàn hơn (kể cả đường một ray). Điều này cũng phù hợp với vị trí khởi điểm hành lang Đông Tây của Đà Nẵng. Cần xây dựng thể chế thích hợp cho chủ trương này. Là đầu mối du lịch thì Đà Nẵng nên có trung tâm hội nghị – triển lãm quốc tế để làm du lịch hội nghị, Trung tâm y tế công nghệ cao để làm du lịch chữa bệnh…
  2. Với nguồn lực nhân tài của mình, Đà Nẵng nên phát triển một vườn ươm công nghệ có sức thu hút mạnh mẽ các cơ sở nghiên cứu và phát triển R&D trong và ngoài nước, kể cả Việt kiều, đến đặt cơ sở và thành lập các doanh nghiệp kinh doanh và chuyển giao công nghệ. Đây cũng là một dạng outsourcing mà Ấn Độ phát triển rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ văn phòng ảo. Trước mắt, nên tìm vốn ODA để thành lập một Viện nghiên cứu theo đặt hàng dựa trên mô hình Viện KIST nổi tiếng của Hàn Quốc và huy động sự cộng tác của chuyên gia cả nước.
  3. CBD (khu thương mại trung tâm) của Đà Nẵng không rõ rệt lắm, trước đây có lẽ là chợ Hàn và khu vực xung quanh? Là bộ mặt của đô thị, CBD có vai trò rất quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn tạo ra bản sắc của đô thị, là vị trí thu hút các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng hoặc đặt chi nhánh. Vì vậy, Đà Nẵng nên có chủ trương và lựa chọn vị trí phát triển CBD hiện đại, tại đây nên có một trung tâm hội nghị – triển lãm quốc tế. Đường Nguyễn Văn Linh dẫn đến Cầu Rồng qua sông Hàn sang đường Hoàng Sa – Trường Sa và khu vực chung quanh có thể là nới thích hợp. Nếu đúng thế thì nên gấp rút làm thiết kế đô thị cho khu vực này, nếu không, đó vẫn chỉ là một đường phố chính (main street) mà thôi!
  4. Một thành tựu to lớn của Đà Nẵng là đã vượt qua sông Hàn tiến ra mép biển và bắt đầu khai thác bán đảo Sơn Trà. Thế nhưng do mặt bằng kinh tế đô thị vừa qua còn khá thấp nên quy mô và chất lượng đô thị hóa còn rất hạn chế, chẳng hạn như: khu đô thị mới gần cầu Thuận Phước vẫn quy hoạch theo lối tiểu khu nhà ở cũ mà không hình thành khu phố đa chức năng, thật đáng tiếc; đô thị hóa dải đất khá hẹp từ Sơn Trà về Hội An hiện mang nặng tính tự phát; bán đảo Sơn Trà và khu vực Non Nước tuy có điều kiện nhưng chưa thành địa điểm du lịch chất lượng cao… Đề nghị có chủ trương, quy hoạch và kế hoạch phát triển dải đất ven biển này thành khu vực đô thị sinh thái đạt chuẩn sống tốt (livability).
  5. Sân bay quốc tế Đà Nẵng là lợi thế cạnh tranh nhưng đồng thời cũng hạn chế đô thị vận hành và phát triển, vì nó cắt dọc đô thị làm hai và chiếm nhiều đất phát triển. Có ba hướng giải quyết vấn nạn này: Chuyển sân bay đi nơi khác; đưa đường băng lên cao để giao thông đô thị đi qua sân bay mà không bị vướng. Khả năng này chắc rằng bên hàng không và không quân khó chấp nhận, tuy đang được dùng ở Hà Lan; làm hầm ngầm đường bộ và đường sắt nhẹ xuyên qua sân bay để kết nối giao thông đô thị hai bên sân bay. Hiện nay đây có lẽ là phương án khả thi nhất tuy là hạ sách. Trên đây là 5 ý tưởng phát triển Đà Nẵng từ nay đến 2020.

Kết luận

Đà Nẵng có đủ tiền đề để phát triển theo định hướng đô thị thông minh, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để sớm phát triển thành đô thị toàn cầu. Đó là đô thị có những đặc trưng nổi bật như: nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hãng luật, công ty kiểm toán, sàn giao dịch chứng khoán; là nơi đăng cai nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế; có nhiều ngoại kiều, nhiều sinh viên quốc tế; có những có sở văn hóa nổi tiếng và nhiều di sản thế giới; có kết cấu hạ tầng đầy đủ và hiện đại; xã hội có mức sống cao, thoải mái và an ninh. Đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước. Ngay từ bây giờ Đà Nẵng nên được kết nối tốt với thủ đô các nước Asean và các thành phố lớn phía Đông và phía Nam Trung Quốc, kể cả thành phố Tam Á của đặc khu kinh tế Hải Nam. Điều kiện then chốt để Đà Nẵng phát triển thành đô thị thông minh là phải tiếp tục phát huy năng lực trị lý thông minh dựa trên tư duy cởi mở, sáng tạo, hình thành được chính phủ điện tử, tạo được đồng thuận xã hội, coi trọng dân chủ, minh bạch và sự tham gia.

TS. PHẠM SỸ LIÊM

ĐT&PT Số 63/2016

Check Also

Cover Mot nam nhin lai covid_0

VÌ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI TA ĐI TỚI

Năm 2020, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp hơn so …