Home / QUY HOẠCH / Chức phận con tàu phá băng

Chức phận con tàu phá băng

…Nếu chúng ta không quyết liệt xây dựng được một thành phố giàu đẹp, văn minh thì chúng ta sẽ có lỗi với biết bao người đã ngã xuống, hy sinh xương máu để giành lại chủ quyền cho mảnh đất này, chúng ta sẽ thiếu trách nhiệm với những người đang sống và tất nhiên là cả những thế hệ con cháu mai sau. Phải luôn nghĩ rằng những thành tựu đạt được trong những năm qua, hay danh hiệu đô thị loại I mới chỉ bắt đầu, còn để làm cho nó thật sự trở thành đô thị loại I thì hãy còn gian nan lắm. Đà nẵng hôm nay và Đà Nẵng trong tương lai rất cần một đội ngũ cán bộ giàu tâm huyết, có thói quen chấp nhận dấn thân vì công việc chung, biết hành động có hiệu quả và có tinh thần trách nhiệm cao trước cuộc sống của nhân dân, vốn còn nhiều vất vả, khó khăn…”

(Trích diễn văn Lễ công bố Đà Nẵng – Đô thị loại I của Ông Nguyễn Bá Thanh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng)

 

                                         Chức phận con tàu phá băng

                                                             

     Sự hấp dẫn là cứ điểm

    Đà Nẵng với những thuận lợi về địa lý, nhân văn, giao thông, vận tải, phát triển kinh tế – xã hội. Đó là nơi đất liền và núi giáp với biển đã để lại đó một vũng sâu, khá kín, tạo cảng biển thuận lợi bậc nhất nhì của cả nước nếu tính trên mặt bằng tự nhiên và nhất nước nếu tính trên mặt bằng hậu xứ.

Điểm giữa ấy lại còn là mối nối giữa đường bộ, đường sắt với đường biển (biển ở đây mang tính “mặt tiền” về tiếp xúc quốc tế), rồi với đường bay trong và ngoài nước. Tất cả những gì mang tính thương mại, trao đổi, giao lưu từ miền Bắc vào, đa số thông qua đó, rồi cũng từ đó vào Nam sau khi đã chạy dọc suốt miền Trung.

Với Tây Nguyên, chỉ có Đà Nẵng mới có một nội lực chuyển tất cả những nhu cầu của miền núi ra biển, thông qua một bàn đạp tiện lợi nhiều bề, Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang không có cảng lớn, Quy Nhơn vẫn là một cảng nhỏ, Dung Quất, cảng biển từ Huế đến Vinh đều không đạt yêu cầu kinh tế – thương mại quốc tế. Dù mai sau có cảng mới tầm cỡ nào đi nữa (như Dung Quất, Văn Phong, Chu Lai, Chân Mây) thì Đà Nẵng vẫn giữ vai trò quan trọng nhất của mình mà cả nước giao cho.

Đà Nẵng là điểm cuối (terminale) của cả một khu vực bát ngát. Không phải chỉ có Tây Nguyên đằng sau lưng, mà còn có cả Đông Dương theo nghĩa hẹp (thuộc 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam) và theo cả nghĩa rộng (bao trùm cả phần Bắc Thái Lan và Miến Điện). Trong các xu thế phát triển liên vùng, Bắc và Trung Đông Dương là một miệng phễu rất to lớn, đưa mọi tài nguyên, sản phẩm dịch vụ, về cái đáy (đang phát triển) là Đà Nẵng. Xu hướng phát triển đó không phải chỉ một chiều. Mà chiều ngược lại cũng không nhỏ: cả biển Đông và quốc gia bao lơn của nó, Philippines, Indonesia, Đông Malaysia, Brunei, Úc, New Zealand… cũng nằm ở thế miệng phễu để rót về cái đáy Đà Nẵng. Những miệng phễu to lớn khác, những đòn bẩy mạnh mẽ khác, vẫn còn đi tìm cái đáy, cái điểm tựa này. Đó là cái phễu Viễn Đông, với Trung Quốc, Đài Loan, Hongkong, Nam Triều Tiên, Nhật, Nga đều vào đây, kể cả Canada, Hoa Kỳ… Họ dừng lại ở đây rồi đi tiếp về Nam, tự nhiên Đà Nẵng lại là một gạch nối giữa Nam Á với biển Đông.

Tiềm năng đa dạng của Đà Nẵng và hậu xứ to rộng chung quanh, từ biển cả đến cao nguyên, từ bao lơn Thái Bình Dương đến đất liền Đông Á. Điều kiện tự nhiên, yếu tố xã hội cũng như sự khẳng định của lịch sử hơn một trăm năm qua từ lâu đã đặt thành phố Đà Nẵng vào vị trí quan trọng, vượt khỏi khuôn khổ chức năng của đô thị trung tâm. Nói cách khác, Đà Nẵng được trao sứ mệnh “đầu tàu” của khu vực miền Trung trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

    Theo Ông IChiKaWa, cố vấn của Vụ Đầu tư nước ngoài của Nhật thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cử đến Việt Nam. Qua thời gian tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam thì Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được các nhà đầu tư chọn làm trung tâm và tiếp theo đó, vùng đầu tư thứ 3 đang được nhắm đến là Đà Nẵng của Miền Trung. Ông đã chỉ ra rằng: “Sự hấp dẫn từ rầy về sau của Đà Nẵng chính là cứ điểm lưu thông hàng hóa”. Hành lang Đông Tây có chiều dài tất cả 1.450km nối  liền 4 nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myama sẽ hoạt động hết cơ năng vào những năm tới. Cửa ngõ phía Đông của con đường này là Đà Nẵng có cảng biển nước sâu lớn nhất miền Trung. AFTA (Hiệp định mậu dịch tự do của các nước ASEAN) nhằm đến việc gỡ bỏ hàng rào quan thuế ở các nước Đông Nam Á được thực hiện từ năm 2006 trở đi cũng ủng hộ cho tính ưu việt của Đà Nẵng. Từ sự bùng nổ của ngoại thương, đầu tư vượt ra ngoài biên giới của các nước trong khu vực người ta kỳ vọng Đà Nẵng sẽ phát triển lớn để trở thành một cảng xuất khẩu lớn các hàng hóa của vùng lục địa phía trong.

IMG_0105_opt

    Triển vọng tươi sáng

    Đà Nẵng, với một quyết sách đúng đắn, táo bạo. Trong 15 năm qua, kể từ ngày thành phố trực thuộc Trung ương (01/01/1997), Đà Nẵng đã thành công trên mọi phương diện (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu Việt Nam liên tiếp trong 3 năm 2008, 2009 và 2010; đứng đầu về chỉ số hạ tầng, xếp thứ 4 về môi trường đầu tư) đặc biệt với chương trình đô thị hóa. Nhiều khu đô thị đã được hình thành, không gian đô thị giờ đây không còn bị bó hẹp, chất lượng cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ và ranh giới đô thị đến nay đã tăng gấp hai lần ranh giới cũ (khoảng hơn 12 nghìn ha). Đà Nẵng đang khẳng định từng bước hướng về tương lai  để trở thành thành phố du lịch, môi trường, công nghệ cao, có cuộc sống lý tưởng, có giá trị nhân văn.  Phát triển đô thị của Đà Nẵng trong những năm qua chính là sự phát triển hài hòa  kinh tế, môi trường và văn hóa – xã hội mà mục tiêu cuối cùng là đem lại đời sống cư dân khá giả hơn lên, sống thoải mái hơn, hạnh phúc hơn cả về vật chất lẫn tinh thần ở mức hưởng thụ cao; cơ sở vật chất hiện đại tiên tiến ở mức thế giới; quan hệ giữa người với người tốt đẹp, mọi cá nhân có cơ hội phát triển như nhau…

15 năm qua, với Đà Nẵng là một việc làm quá sức, không chỉ phát triển về bộ mặt đô thị mà còn cả về văn hóa giáo dục, kinh tế – xã hội. Xây dựng một thành phố 5 không, một cấu trúc xã hội không còn đói nghèo, mù chữ, ma túy, lang thang, cướp của giết người. Tiếp tục thực hiện 3 có: có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn minh. Với những quyết sách và cách làm đó Đà Nẵng thực sự đã tác động tích cực đáng kể vào việc củng cố “thế trận lòng dân” thực hiện đời sống xã hội ngày càng được nâng cao theo hướng văn minh, hiện đại đảm bảo được mục tiêu an sinh xã hội.

Những thành tựu trong 15 năm qua, là những hướng đi mang tính đột phá mà nổi trội nhất là phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại, xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành một trong những trung tâm thương mại – dịch vụ lớn của cả nước, trong đó phấn đấu đến năm 2015, nâng tổng số khách du lịch lên 4 triệu lượt người (trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế), nâng tỷ trọng của ngành du lịch trong GDP thành phố lên khoảng 7%; nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế hằng năm, từng bước xây dựng thương hiệu “thành phố sự kiện”…

Hai là phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp công nghệ thông tin. Triển khai thực hiện có hiệu quả 6 chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố như: Khoa học xã hội và nhân văn;  Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, phát triển năng lượng mới và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường”; Phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về khoa học và công nghệ… Ba là xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với thành phố môi trường: Trước hết là hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2025 vào giữa năm 2012, đồng thời thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch định hướng không gian thành phố… Triển khai thực hiện có kết quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường”, “Chương trình hành động quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu”… Bốn là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn: Có kế hoạch xây dựng, nâng cấp và khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống các công trình văn hóa, thiết chế văn hóa trọng điểm, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tập trung xây dựng đời sống, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” lồng ghép với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình “5 không”, chương trình “3 có” và các Chỉ thị 24 – CT/TU, 25- CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy  gắn với thực thi các chính sách an sinh xã hội.. Năm là phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội thành phố: Triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố, bảo đảm  yêu cầu nhân lực phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố, trong đó lao động qua đào tạo đạt 55% vào năm 2015. Tập trung các nguồn lực xây dựng trường Trung học phổ thông chuyên Lê Quý Đôn trở thành trường Trung học phổ thông chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia. Phối hợp xúc tiến mạnh mẽ việc thành lập trường Đại học Việt – Anh theo tiêu chuẩn quốc tế tại Đà Nẵng.

    Với vai trò là động lực phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với tiềm năng và lợi thế sẵn có trên cơ sở và những thành quả đạt được, cùng sự đồng thuận, tính minh bạch, trách nhiệm và những nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị và toàn dân hy vọng Đà Nẵng sẽ sớm trở thành một thành phố văn minh và giàu mạnh để sánh vai cùng các thành phố lớn trong cả nước và khu vực.

                                                                                                     Nguyễn Cửu Loan  

                                                                                                      Số 35-36 ĐT&PT

 

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *