Home / QUY HOẠCH / Môi trường & Cảnh quan công nghiệp

Môi trường & Cảnh quan công nghiệp

Sự phát triển của môi trường cảnh quan công nghiệp có ảnh hưởng nhất định tới sự phát triển của môi trường cảnh quan đô thị và ngược lại. Chính vì vậy mà môi trường cảnh quan công nghiệp phải được quan tâm và coi trọng như môi trường cảnh quan khu ở và các khu vực chức năng khác.

Môi trường cảnh quan công nghiệp, hay còn gọi là môi trường không gian trống công nghiệp, với các hình thái khác nhau, gây tác động trực tiếp và thường xuyên về mặt sinh lý và tâm lý đối với người lao động.

Điều này nhằm nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của không gian trống công nghiệp đối với con người. Việc tổ chức không gian trống công nghiệp một cách có ý thức và có kế hoạch, với các yếu tố cấu thành của nó, là nhằm các mục đích:

– Cải thiện điều kiện sống và lao động.

– Bảo đảm các yêu cầu nghỉ ngơi, giải trí lành mạnh.

– Góp phần bảo đảm an toàn và trật tự trong xí nghiệp.

– Phân chia các khu vực chức năng và hợp lý hóa sản xuất.

– Tạo môi trường sinh thái phát triển, hạn chế ảnh hưởng độc hại công nghiệp gây ô nhiễm môi trường.

– Gây ấn tượng đẹp tổng thể cho toàn khu vực và tăng tác động thẩm mỹ cho các công trình kiến trúc nhờ gắn các công trình kiến trúc công nghiệp với các yếu tố cảnh quan thiên nhiên và tạo nên một sự hài hòa với cảnh quan.

– Liên kết các không gian trống trong xí nghiệp và khu công nghiệp thành một hệ thống không gian trống liên tục gắn liền với hệ thống không gian trống đô thị, góp phần bảo đảm sự cân bằng sinh thái trong đô thị.

Môi trường & Cảnh quan công nghiệp

Yếu tố cảnh quan trong khu vực sản xuất

Cũng như trong các khu vực chức năng khác của thành phố, các yếu tố cảnh quan trong khu vực sản xuất, hay còn gọi là các yếu tố giới hạn và tạo thành không gian trống công nghiệp, bao gồm: công trình kiến trúc công nghiệp, cây xanh, mặt nước, địa hình, kiến trúc nhỏ, thiết bị kỹ thuật đô thị và tác phẩm nghệ thuật tạo hình. Các yếu tố này có những chức năng và tác động riêng biệt, nhưng có quan hệ mật thiết và thường được kết hợp chặt chẽ với nhau trong quá trình tổ chức không gian trống nhằm đạt tới những mục tiêu cụ thể về chức năng, môi trường và thẩm mỹ.

Công trình kiến trúc công nghiệp

Trong khu vực sản xuất, các công trình kiến trúc lớn thường có chức năng giới hạn và định hướng không gian, kết thúc phối cảnh hoặc làm điểm nhấn v.v..Các công trình công nghiệp chủ yếu bao gồm: các tòa nhà sản xuất và phục vụ sản xuất, các công trình kỹ thuật, các thiết bị công nghệ đứng lộ thiên. Các công trình này tham gia vào không gian trống có thể dưới dạng công trình đứng riêng lẻ hoặc dưới dạng một quần thể công trình với nhiều hình thức và mức độ tập trung khác nhau.

Các công trình công nghiệp với hình dạng, kích thước, tỷ lệ khác  thường của chúng, với tác động của các kết cấu và vật liệu mới đã biểu hiện những đặc trưng thẩm mỹ riêng có tác dụng làm phong phú thêm môi trường sống của con người.

Là một bộ phận tạo thành không gian trống trong khu vực sản xuất, các công trình công nghiệp có thể thức tỉnh những tình cảm rất đặc biệt như: lòng hăng say lao động, niềm tự hào đối với thành quả lao động, ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm và tinh thần hợp tác tập thể của những người lao động…Các công trình công nghiệp và cảnh quan công nghiệp trong thời đại hiện nay phải tạo điều kiện phát huy những tình cảm lành mạnh trên cơ sở một quan điểm lao động tiến bộ và nhân đạo.

Đồng thời qua đó cũng phát triển một quan điểm thẩm mỹ mới: Kỹ thuật không còn là biểu hiện thù địch đối với con người và cảnh quan công nghiệp phải trở thành một bộ phận tích cực của môi trường không gian đô thị.

Cây xanh

Cây xanh là một yếu tố cảnh quan thiên nhiên, hay có thể nói là một yếu tố sinh thái quan trọng, tạo thành không gian trống và có vai trò đặc biệt trong nghệ thuật tổ chức không gian trống đô thị và khu công nghiệp. Cây xanh có nhiều loại hình ( cây to, bụi cây, thảm cỏ, khóm hoa…) đa dạng về hình khối và phong phú về màu sắc.

Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây xanh biến đổi không ngừng và thường tạo nên những cảm giác sinh động, kỳ ảo, thông qua sự thay đổi của chiều cao, vòm cây, tán lá, thân, cành, màu sắc, hoa…Cây xanh làm cho môi trường cảnh quan biến hóa theo thời gian và không gian.

Do đó ngoài những tác động tích cực về môi trường, vật lý kiến trúc và bảo vệ sức khỏe, cây xanh còn gây nên những cảm giác thẩm mỹ hết sức phong phú.

Mặt nước 

Trong môi trường cảnh quan công nghiệp, mặt nước có thể ở các dạng như: sông, hồ, kênh, mương, bể nước, vòi phun trang trí…

Ngoài những chức năng cấp và thoát nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phục vụ cứu hỏa khi cần thiết, mặt nước trong khu vực sản xuất còn có nhiệm vụ của một yếu tố điều hòa sinh thái và yếu tố trang trí cảnh quan độc đáo và có hiệu quả, như: mở rộng tầm nhìn, tấm gương phản chiếu mặt trời, cây xanh, công trình; một bức tranh phản ảnh thiên nhiên, khí hậu…

Đặc biệt tính tạo hình của mặt nước thể hiện hết sức rõ ràng và sinh động khi xuất hiện mặt nước trong trạng thái động như: nước chảy, nước phun cao thấp, to nhỏ, với các hình dạng khác nhau và ánh sáng, màu sắc khác nhau.

Cùng với cây xanh, mặt nước góp phần tạo nên sự cân bằng sinh thái vĩ mô và vi mô trong đô thị cũng như tạo nên một hình thức “ trang trí động” trong môi trường cảnh quan, gây tác động mạnh tới tâm – sinh lý con người.

Địa hình

Theo quan niệm cảnh quan, địa hình khu đất công nghiệp có thể chia thành hai nhóm: cao – thấp, mấp mô, dốc va bằng phẳng. Tùy theo địa hình khu đất (tự nhiên hay nhân tạo) mà trong tổ chức cảnh quan công nghiệp có thể hình thành những ý tưởng thẩm mỹ đa dạng và phong phú , phù hợp với yêu cầu chức năng của các quá trình sản xuất, thông qua việc bố trí các tòa nhà công trình tạo các điểm nhấn và hình bóng chung cho xí nghiệp hoặc khu công nghiệp.

Thực tế phát triển cho thấy sự kết hợp hài hòa các yếu tố cây xanh, mặt nước, địa hình trong tổ chức không gian trống công nghiệp cũng có thể đạt tới những hình thái cảnh quan phong phú, độc đáo và dẫn tới những cảm xúc thẩm mỹ sinh động, tích cực và đầy hấp dẫn.

Kiến trúc nhỏ

Để phân biệt với kiến trúc công trình (kiến trúc lớn), khái niệm kiến trúc nhỏ dùng để chỉ các công trình như:

– Chòi hóng mát, nghỉ ngơi, chỗ để xe, chuồng nuôi thú

– Quầy, quán bán hoa, bán báo, bán đồ lưu niệm, bán giải khát;

– Dàn hoa, bồn hoa, bể nước – vòi phun;

– Hàng rào, tường chắn, tường trang trí, bảng thông tin, bậc thang;

– Cột cờ, cột đồng hồ, tủ bày hàng, ghế ngồi…Như vậy kiến trúc nhỏ là một yếu tố trang trí môi trường không gian trống rất phong phú và đa dạng.

Do những đặc trưng riêng về chức năng và hình khối cũng như do kích thước nhỏ, các kiến trúc nhỏ thường làm nhiệm vụ bổ sung, tô điểm cho môi trường cảnh quan thêm sinh động, hoàn chỉnh và đẹp. Đôi khi kiến trúc nhỏ cũng có thể được xử lý như một yếu tố bố cục trung tâm hay yếu tố trung gian liên kết kiến trúc công trình với công trình hoặc công trình với phong cảnh thiên nhiên chung quanh. Kiến trúc nhỏ có thể được bố trí độc lập, nhưng cũng có thể được bố trí thành nhóm, cụm, kết hợp với các yếu tố cảnh quan khác nhau để tạo thành một tổng thể cảnh quan thống nhất và sinh động.

Thiết bị kỹ thuật đô thị 

Các thiết bị kỹ thuật đô thị trong môi trường không gian trống công nghiệp bao gồm:

– Thiết bị giao tiếp thị giác: biển báo, quảng cáo, ký – tín hiệu (phục vụ giao thông, đi lại và an toàn).

– Thiết bị chiếu sáng: chung toàn khu, toàn trục đường, cục bộ từng công trình, từng trọng điểm, quảng cáo, tín hiệu giao thông…

– Thiết bị dịch vụ và vệ sinh môi trường: buồng telephone, hòm thư, bồ đựng giấy, giá để xe…Các yếu tố kỹ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng và được quan tâm hơn trong môi trường cảnh quan đô thị nói chung cũng như trong môi trường cảnh quan công nghiệp nói riêng. Cùng với các yếu tố kiến trúc và thiên nhiên khác, các thiết bị kỹ thuật đô thị trong không gian trống công nghiệp đang được nghiên cứu – phát triển theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên cơ sở tổng hợp, đồng bộ và thống nhất.

Các thiết bị phải thõa mãn những chức năng và nhiệm vụ khác nhau nhưng phải được chế tạo, sản xuất dựa trên nguyên tắc và quy luật thống nhất về hình dạng, kích thước, tỷ lệ, kết cấu, vật liệu và thẩm mỹ, kể cả màu sắc, nhằm góp phần tạo nên một tổng thể cảnh quan thống nhất, hài hòa và hoàn chỉnh.

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình

Tác phẩm nghệ thuật tạo hình như: tranh, tượng, phù điêu, đồ họa, chữ viết…thường được nghiên cứu bố trí kết hợp với các yếu tố kiến trúc, cây xanh, mặt nước nhằm đạt tới những hiệu quả thẩm mỹ, cảnh quan và những mục tiêu văn hóa – tinh thần nhất định.

Trong thực tế, các tác phẩm nghệ thuật tạo hình, trong đó chủ yếu là tranh, tượng hoành tráng, được đưa vào không gian trống công nghiệp không chỉ là một phương tiện trang trí và bố cục không gian có hiệu quả mà còn là một phương tiện tác động tư tưởng, tình cảm mạnh thông qua các nội dung: biểu tượng xí nghiệp, công ty, biểu tượng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuyên truyền, quảng cáo sản phẩm, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp lao động… Sự phong phú và đa dạng về hình thức và nội dung của nghệ thuật tạo hình thường đem lại hiệu quả trang trí cao trong bố cục không gian trống công nghiệp, gây tác động truyền cảm nghệ thuật mạnh và qua đó có tác dụng giáo dục đạo đức và thẩm mỹ to lớn đối với người lao động.

Vấn đề ô nhiễm môi trường và cảnh quan công nghiệp 

Khi nói tới cảnh quan công nghiệp không thể không nói tới vấn đề ô nhiễm môi trường do độc hại công nghiệp gây ra, một nguyên nhân phổ biến làm hủy hoại và thoái hóa các yếu tố cảnh quan như: công trình kiến trúc, cây xanh, mặt nước…Cũng như hủy hoại sức khỏe và tinh thần người lao động. Các chất độc hại công nghiệp có thể dưới dạng khí, nước và chất thải rắn và chúng gây ô nhiễm môi trường khí, môi trường nước và mặt đất.

Việc tổ chức và nâng cao chất lượng môi trường cảnh quan đô thị cũng như môi trường cảnh quan công nghiệp phải có biện pháp phòng chống ô nhiễm và bảo vệ môi trường.

Để đảm bảo cho môi trường cảnh quan đô thị và khu công nghiệp phát triển lành mạnh và cân đối về mặt sinh thái, cần đề ra chiến lược bảo vệ vệ sinh và phòng chống ô nhiễm môi trường do độc hại công nghiệp gây ra.

Hay nói cách khác, chúng ta cần hướng tới việc xây dựng và phát triển công nghiệp trong thành phố theo một chính sách quy hoạch kiến trúc thể hiện sự quan tâm tới mục tiêu sinh thái, trong đó có con người là trung tâm là chủ thể của mọi biện pháp tổ chức không gian.

Chỉ có như vậy, các nhiệm vụ tổ chức môi trường cảnh quan công nghiệp mới được giải quyết một cách triệt để và đạt hiệu quả mong muốn.

Gs.Ts. Ngô Thế Thi

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *