Home / QUY HOẠCH / MỐI LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG, HỘI AN – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA

MỐI LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN VỚI ĐÀ NẴNG, HỘI AN – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA

MỐI LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐÔ THỊ ĐIỆN BÀN
VỚI ĐÀ NẴNG, HỘI AN – NHÌN TỪ GÓC ĐỘ VĂN HÓA

Khác hẳn sự liên kết giữa đô thị Điện Bàn với thành phố Đà Nẵng và Hội An trong sự phát triển bền vững sẽ là một thực tế. Sự liên kết đó là một nhu cầu không chỉ của Điện Bàn mà còn của hai thành phố Đà Nẵng và Hội An. Trước hết, sự liên kết đó là mối quan hệ kinh tế và xã hội, những tiềm năng và thực lực giữa Điện Bàn và hai đô thị kia.

1-8148

1.Về phân loại vùng, miền văn hóa, thời gian vừa qua đã có một số nhà nghiên cứu đề cập đến khái niệm “văn hóa xứ Quảng”. Đó là một khu vực địa lý rộng lớn không chỉ bao gồm Quảng Nam – Đà Nẵng, mà tính cả một số địa phương lân cận từ phía Nam Hải Vân trở vào. Ở đấy, từ hơn 400 năm trước, những cộng đồng người Việt có nguồn gốc di dân từ phía Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã được hình thành và phát triển. Những di dân này trong những điều kiện địa lý và lịch sử nhất định đã tạo dựng nên một đời sống văn hóa vừa có nét chung với cộng đồng cư dân Việt cả nước, vừa có nét riêng của vùng miền. Văn hóa xứ Quảng đang là đề tài nghiên cứu, khám phá của nhiều người trên nhiều lĩnh vực.

“Văn hóa xứ Quảng” hoặc “xứ Quảng” là một không gian khá rộng, nhưng tựu trung lại, nhiều người thường nghĩ đến vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng hiện nay. Cũng có một vài công trình tìm cách khu biệt lại trong khái niệm hoặc đề cập đến “một vùng văn hóa Quảng Nam” (Nguyên Ngọc (chủ biên), “Tìm hiểu con người xứ Quảng”, NXB Đà Nẵng 2005, tr.192). Sự hình thành một văn hóa xứ Quảng hoặc Quảng Nam kéo dài trong nhiều thế kỷ và gắn với quá trình khai mở vùng đất này của nhiều cư dân trong đó người Việt là chủ thể. Cũng trong chừng mực nhất định nào đó, nếu nói đến văn hóa xứ Quảng con người xứ Quảng thì độ đậm đặc nhất được biểu hiện ở Đà Nẵng, Hội An, Điện Bàn và một vài địa phương lân cận. Như vậy, sự liên kết giữa Điện Bàn với Đà Nẵng, Hội An, về mặt văn hóa là cùng trong một vùng miền văn hóa xứ Quảng, có thể ba nơi này có nét riêng nhưng đó là sự biểu hiện của văn hóa xứ Quảng. Sự liên kết trên cơ sở tầng văn hóa, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các quan hệ khác trong sự phát triển của cả địa phương đô thị được đề cập đến.

2.Văn hóa xứ Quảng, con người xứ Quảng, đã có một số công trình của nhiều tác giả nghiên cứu trong thời gian qua. Tất nhiên vẫn còn nhiều lĩnh vực cần đi sâu hơn nữa. Tựu trung cũng có thể tạm hình dung ra văn hóa xứ Quảng là một trong những vùng miền văn hóa của nước ta với những nét riêng. Văn hóa xứ Quảng đã được hình thành trên cơ sở tầng văn hóa xưa hơn khi những lưu dân người Việt đến nơi này từ khoảng sau thế kỷ XV. Từ trước công nguyên nơi đây đã tồn tại một văn hóa thời đại kim khí mà các nhà khảo cổ học gọi là văn hóa Sa Huỳnh. Tiếp theo là sự ra đời của Vương quốc cổ Chăm pa, mà khi lưu dân Việt đến đây đã có sự gặp gỡ với tộc người Chăm. Những di tích lịch sử của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm vẫn còn tồn tại dày đặc trong khu vực của ba đô thị Điện Bàn, Đà Nẵng, Hội An.

Không chỉ tiếp nhận những hình ảnh từ các văn hóa bản địa mà người Việt ở Quảng Nam – Đà Nẵng còn có sự gặp gỡ giao lưu với nhiều cư dân khác, những văn hóa đến nơi này về sau như văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản và Tây phương… Chính sự tiếp nhận đa văn hóa đó đã tạo nên nét riêng của văn hóa xứ Quảng. Tính đa văn hóa và những dấu ấn đó vẫn còn lưu lại khá rõ nét ở Hội An, Điện Bàn, Đà Nẵng và đã tác động đến nhiều mặt cuộc sống của các cộng đồng cư dân. Hội An đã sớm trở thành một đô thị, cảng của khu vực miền Trung và một cộng đồng thương nhân đa quốc gia cũng đã hiện diện nơi này. Điều đó cũng giải thích cho sự hình thành nền kinh tế hàng hóa đầu tiên ở Hội An và Đà Nẵng.

3.Sự định hình của văn hóa xứ Quảng cũng đã tạo nên nét riêng, một phong cách của con người xứ Quảng. Con người xứ Quảng như thế nào? Đã có nhiều cách biểu đạt của dân gian, của các nhà khoa học, “Quảng Nam hay cãi”…! Chỉ riêng chuyện cãi của người Quảng Nam đã có nhiều người bàn cãi, tranh luận, lý giải. Người xứ Quảng là chủ nhân của văn hóa xứ Quảng. Đó là những thế hệ của người xứ Quảng dũng cảm và có phần mạo hiểm trong công cuộc khai mở đất Quảng Nam từ buổi đầu tiên khi đến vùng đất này. Tính cách của người Quảng Nam rõ ràng có nhiều nét đặc sắc, từ giọng nói, cách ứng xử, cách tư duy, cách thể hiện…

Trong mối liên kết Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An, những người xứ Quảng, đó hẳn là một trong những cơ sở tin cậy hiểu biết để cùng nhau tạo dựng, phát triển vùng đất này trong giai đoạn của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa. Con người xứ Quảng sẽ tiếp tục là chủ thể của quan hệ liên kết bền vững của ba địa phương này. Đó là một lợi thế của sự liên kết.

4.Nhà nước Việt Nam đã xác định văn hóa là một nguồn lực phát triển. Vì vậy, trong khía cạnh văn hóa (hoặc góc nhìn văn hóa) liên quan đến mối quan hệ liên kết giữa đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng, Hội An cần có sự quan tâm đúng mức đến vai trò và vị trí của văn hóa. Cụ thể hơn là văn hóa và con người xứ Quảng. Trên bình diện văn hóa cần lưu ý đến hai nội hàm: 1. Văn hóa và văn hóa trong mối tương thích với kinh tế cùng một số lĩnh vực khác sẽ là nền tảng (hoặc cơ sở) cho sự liên kết giữa đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng. Hội An; 2. Văn hóa sẽ là một nguồn lực đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mối liên kết trên đây, phải liệu định sự cần thiết, khai thác nguồn lực văn hóa cho sự phát triển vừa bền vững và tối ưu hóa.

Văn hóa xứ Quảng, con người xứ Quảng, mà đô thị Điện Bàn và Đà Nẵng, Hội An có phần đậm đặc và tiêu biểu, có độ dày lịch sử nhiều thế kỷ trên vùng đất Quảng, có cội nguồn nhiều thiên niên kỷ của cộng đồng cư dân Việt ở phía Bắc. Văn hóa xứ Quảng dung hợp nhiều yếu tố  từ truyền thống đến biến đổi, từ nguồn cội đến giao lưu sẽ là nguồn lực trong sự phát triển vùng đất xứ Quảng. Mối quan hệ liên kết đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng, Hội An hôm nay cũng nằm trong dòng chảy của văn hóa xứ Quảng. Vì vậy, cần xem trọng vai trò và vị trí của văn hóa một cách đúng mức trong sự kết nối và phát triển bền vững trong định hướng của mối quan hệ liên kết giữa đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng, Hội An.

PGS.TS.PHAN AN (P.A)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Đình An, Thạch Phương (chủ biên). 2010. Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng. Hà Nội: Khoa học Xã hội.
  2. Đảng bộ huyện Điện Bàn. 2003. Lịch sử Đảng bộ huyện Điện Bàn 1930 – 1975. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
  3. Phan Nam (chủ biên). 2011. Địa chí xã Điện Quang. Đà Nẵng. Văn học.
  4. Nguyên Ngọc (chủ biên). 2005. Tìm hiểu con người xứ Quảng. Đà Nẵng: Đà Nẵng.
  5. Trần Ngọc Thêm. 2013. Những vấn đề văn học lý luận và ứng dụng. TP.HCM: Văn hóa – Văn nghệ.

Check Also

Mot-Goc-Do-Thi-Nui-T

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ở KHU VỰC ĐỒNG BẰNG VEN BIỂN TỈNH QUẢNG NAM

TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐỊA ĐIỂM QUY HOẠCH XÂY DỰNG THEO HƯỚNG PHÁT TRIỂN BỀN …